GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: GIẢI PHÁP NÀO CHO PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG CÂY MẮC CA?

02/03/2021

Từ những năm 90 của thế kỷ trước, cây mắc ca được du nhập vào Việt Nam, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho khoảng 10.000 hộ gia đình. Tuy nhiên, việc phát triển cây mắc ca vẫn còn nhiều thách thức. Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Nguyễn Thị Xuân, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk đã chất vấn Bộ trưởng Bộ NN&PTNT về giải pháp cho vấn đề này.

 

Mắc ca tạo việc làm cho 10.000 hộ gia đình

Bà Đặng Thị Thùy Lan (xã Dliê Ya, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk) cho biết, trước đây gia đình chủ yếu trồng cà phê, nhưng 10 năm nay đã mạnh dạn trồng xen cây mắc ca. Nhờ mua được nguồn giống đạt chuẩn và áp dụng đúng quy trình kỹ thuật nên mắc ca đã kết trái với năng suất ổn định với hơn 3 tấn/01ha. Cùng với giá thu mua ở mức gần 100.000 đồng/kg, mắc ca đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.

Với giá trị cao, cây mắc ca nhanh chóng được mệnh danh với những mỹ từ  “cây trồng tỷ đô”, “hoàng hậu của các loại hạt khô”, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho khoảng 10 nghìn hộ gia đình.

Mắc ca tạo việc làm cho 10.000 hộ gia đình

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), cả nước có 23 tỉnh trồng cây mắc ca, với diện tích hơn 16.500 ha. Trong đó, 9 tỉnh vùng Tây Bắc và Tây Nguyên trồng được hơn 15.440 ha. Về giống, đã có 13 giống mắc ca được công nhận và đưa vào sản xuất, trong đó có ba giống quốc gia và 10 giống tiến bộ kỹ thuật.

Năm 2020, các địa phương thu hoạch hơn 6.500 tấn hạt tươi, tăng gần 24,5 lần so với năm 2015. Với giá bán sản phẩm dạng hạt sấy khoảng 200 triệu đồng/tấn, ước tính hơn 4.000 tấn hạt sấy sẽ mang lại giá trị khoảng 800 tỷ đồng (trong đó khoảng 60% xuất khẩu, còn lại phục vụ tiêu dùng trong nước). Trung bình mỗi năm sản phẩm mắc ca xuất khẩu với sản lượng hơn 2,4 nghìn tấn sấy/năm tới thị trường các nước như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Xin-ga-po, Mỹ, Pháp...

Ông Huỳnh Ngọc Huy, Tổng Thư ký Hiệp hội Mắc ca Việt Nam cho biết, thời gian tới cả sản lượng cung và cầu trên thế giới đều tăng nhanh với tốc độ cung tăng 9%/năm, cầu tăng 12%/năm. Đây là cơ sở quan trọng để Việt Nam phát triển vùng nguyên liệu mắc ca và tham gia vào thị trường sản phẩm này trong thời gian tới. Cũng theo kế hoạch, ngành mắc ca Việt Nam đặt ra mục tiêu đến năm 2030, doanh thu của ngành đạt 1 tỷ USD và chú trọng phát triển sản phẩm theo hướng hữu cơ để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về chất lượng của các nước trên thế giới.

Nhiều thách thức trong phát triển mắc ca

Được mệnh danh là "hoàng hậu của các loại hạt khô", nhiều chủ trang trại, nông dân phát triển “nóng” với mong muốn làm giàu từ mắc-ca. Chính vì vậy, sau 5 năm quy hoạch, đến nay cả nước đã có 23 tỉnh trồng với diện tích trên 16,5 nghìn ha mắc ca. Trong đó, 9 tỉnh nằm trong quy hoạch ở 2 vùng Tây Bắc và Tây Nguyên trồng trên 15,4 nghìn ha, tăng 55% diện tích so với quy hoạch.

Đáng quan ngại, nhiều người dân đã không ngần ngaị chặt bỏ hàng loại cây truyền thống để trồng mắc ca, song sau nhiều năm dù đã đến thời kỳ thu hoạch nhưng mắc ca lại không ra quả, có nơi ra quả nhưng lại không đều dù cùng trồng, cùng chăm sóc như nhau.

Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông, toàn huyện có hơn 1.200ha mắc ca các loại. Tuy nhiên, tỉ lệ mắc ca ra quả trong một vườn không đồng đều, chiếm từ 30-60%. Năng suất của mắc ca còn thấp, chưa ổn định, mỗi cây cho quả dao động từ 1-4kg. Thậm chí, nhiều cây mắc ca ra hoa nhiều, nhưng tỉ lệ đậu quả vẫn thấp hoặc không đậu quả. Trong cùng một vườn, số cây ra hoa, kết trái chỉ chiếm 50-60% và thường không ổn định.

Một trong những nguyên nhân cây ra qủa kém hiệu quả là do công tác quản lý giống cây mắc ca tại một số địa phương còn lỏng, vẫn có hiện tượng kinh doanh giống không nguồn gốc, chất lượng không đảm bảo. Mặt khác điều kiện, thời tiết, khí hậu diễn biến phức tạp; Yêu cầu về địa hình, thổ nhưỡng của mắc ca có giới hạn trong khi đó người dân phát triển ồ ạt không theo quy hoạch cũng đã dẫn đến hiệu quả không cao. Ngoài ra, tập quán sản xuất còn lạc hậu, khả năng tiếp cận kỹ thuật của người dân còn hạn chế; Các quy trình kỹ thuật hiện tại cũng không phù hợp với thực tiễn sản xuất theo từng vùng, từng giống, từng loại hình canh tác dẫn đến nhiều nơi trồng hiệu quả không cao.

Chỉ trồng mắc ca ở nơi đã được khảo nghiệm thành công

Trước những khó khăn, thách thức của cây mắc ca, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XIV, đại biểu Nguyễn Thị Xuân, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk đã trực tiếp chất vấn Bộ trưởng Bộ NN&PTNT về chiến lược, giải pháp để phát triển cây mắc ca một cách bền vững.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT trả lời chất vấn

Trước nghị trường Quốc hội, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, qua quá trình khảo nghiệm hơn 20 năm thì khẳng định mắc ca là một cây trồng có hiệu quả kinh tế cao, đa mục tiêu. Nếu như phát triển tốt thì có thể vừa cho kinh tế, vừa tăng che phủ cho những vùng cần tăng nhanh diện tích che phủ. Tuy nhiên, hiện nay người dân một số địa phương tự phát trồng cây mắc ca dẫn đến hệ lụy.

Qua 16 năm vào Việt Nam đã khẳng định được 2 vùng sinh thái phù hợp với cây mắc ca, là vùng Tây Nguyên và vùng Tây Bắc, vì đối tượng cây này có một yêu cầu rất khắt khe về điều kiện để ra hoa, đậu quả, phải có mùa đông lạnh, nhiệt độ xung quanh khoảng 17-23 độ C ở giai đoạn ra hoa. Thời gian ra hoa, đậu quả đòi hỏi không chỉ nhiệt độ lạnh mà độ ẩm không khí vừa phải đến thấp. Nếu độ ẩm không khí cao thì mắc ca không đậu quả.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, mắc ca là cây trồng mới, nên phải tuân thủ nghiêm ngặt theo quy trình kỹ thuật đã được Bộ Nông nghiệp, Sở Nông nghiệp các địa phương hướng dẫn cũng như các doanh nghiệp tham gia trong hệ sinh thái phát triển cây này. Bộ trưởng cũng cho rằng, công tác kiểm soát giống rất quan trọng, do vậy đề nghị bà con nông dân các tỉnh trồng cây mắc ca khi mua cây giống phải đến những cơ sở có địa chỉ uy tín. Ngoài ra, cần đẩy mạnh phát triển sản phẩm gắn với chế biến sâu. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, nếu nơi nào không có chế biến thì chưa nên phát triển cây mắc ca.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng lưu ý, đối với Tây Nguyên, diện tích đất trống còn rất ít, do đó cần trồng xen mắc ca với cây cà phê. Bộ trưởng cho rằng, với 650.000 hecta cà phê, nếu dành ra một phần để trồng xen thì sẽ góp phần tăng hiệu quả của cây cà phê cũng như tăng hiệu quả đối với cây mắc ca.

Để đánh giá và giám sát việc thực hiện trả lời chất vấn của các bộ trưởng, trưởng ngành, phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã có cuộc trao đổi với đại biểu Nguyễn Thị Xuân về vấn đề này:

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân: Phát triển mắc ca bền vững ngay từ khâu quy hoạch

Phóng viên: Thưa đại biểu, được biết tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XIV đại biểu đã có câu hỏi chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn về cây mắc ca. Vậy xin đại biểu cho biết cụ thể nội dung đại biểu đã chất vấn?

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk: Những năm qua, cây mắc ca phát triển tương đối mạnh, đặc biệt ở khu vực Tây Bắc và Tây Nguyên. Do mắc ca mang lại giá trị kinh tế khá cao, tạo thu nhập ổn định cho người dân nên dẫn đến tình trạng người dân phát triển một cách tự phát, thậm chí ồ ạt loại cây này. Đáng chú ý, do phát triển nóng, người dân không chú trọng đến nguồn gốc cây giống nên tiếp cận và mua giống chưa đảm bảo chất lượng. Chính vì vậy, bên cạnh những gia đình vươn lên, làm giàu từ cây mắc ca thì cũng có những gia đình, có những khu vực dù trồng loại cây này đã được 6-7 năm nhưng lại không có quả. Qua quá trình tiếp xúc cử tri, cử tri bày tỏ lo lắng và mong muốn Nhà nước quan tâm để mắc ca phát triển bền vững, mang lại hiệu quả thực sự cho người dân.

Do đó, xuất phát từ thực tế của cử tri và nguyện vọng của cử tri, tôi đã chuyển tải đến Bộ trưởng Bộ NN&PTNT về giải pháp phát triển mắc ca một cách bền vững.

Phóng viên: Sau khi nhận được câu hỏi chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu trước nghị trưởng Quốc hội. Vậy quan điểm của đại biểu như thế nào về nội dung trả lời của Bộ trưởng?

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk: Tôi cơ bản đồng tình với phần trả lời của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT. Bộ trưởng đã thể hiện nắm chắc vấn đề thuộc lĩnh vực mình quản lý, đặc biệt thẳng thắn nhìn nhận vấn đề quản lý giống còn có nhiều hạn chế. Tôi cũng rất chia sẻ với phần trả lời của Bộ trưởng, do thời gian có hạn nên Bộ trưởng chỉ có thể trả lời ngắn gọn mà không thể chuyển tải chi tiết, đầy đủ những giải pháp mà ngành nông nghiệp  triển khai. Tuy nhiên, Bộ trưởng đã khái quát một số giải pháp, tôi tán thành cao với những giải pháp này, đặc biệt lưu ý người dân phải chú trọng đến nguồn giống có chất lượng, đẩy mạnh chế biến sâu và hướng người dân khu vực Tây Nguyên phát triển xen canh để có thể mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Phóng viên: Phát triển mắc ca đã phá vỡ quy hoạch, điển hình 9 tỉnh ở 2 vùng Tây Bắc và Tây Nguyên trồng trên 15,4 nghìn ha, tăng 55% diện. Nhiều chuyên gia lo ngại về vấn đề “trồng – chặt” hay “giải cứu” như nhiều loại cây trồng khác. Đại biểu đánh giá như thế nào về vấn đề này?

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk: Mắc ca là loại cây lấy gỗ, cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, cần đầu tư trồng là đúng nhưng việc mở rộng diện tích ồ ạt quá lớn, thiếu thực tế thì cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Bên cạnh nguồn giống bán ra thị trường thiếu kiểm soát thì sức “nóng” của cây mắc ca đã khiến nhiều người dân dễ dãi hơn trong việc chọn nguồn giống tốt nên mua phải giống không đảm bảo chất lượng, mặt khác người dân cũng không chú trọng đến yếu tố thổ nhưỡng, khí hậu, kỹ thuật nên thời gian qua nhiều diện tích vườn mắc ca trồng nhiều năm nhưng không có trái. Đây là rủi ro mà nhiều người dân đã phải đối mặt.

Việc phá vỡ quy hoạch về lâu dài rất có thể dẫn đến những hệ lụy mất cân đối cung - cầu, đầu ra của sản phẩm khó khăn khiến giá mặt hàng có thể giảm. Ví dụ về cây hồ tiêu, khi hồ tiêu tăng cao bà con bất chấp cảnh báo trồng phá vỡ quy hoạch kể cả những vùng đất không phù hợp. Kết quả, rất nhiều vườn hồ tiêu chết khô, nông dân mất trắng vốn, lâm vào cảnh nợ nần. Còn đối với những hộ có thu hoạch, thì do phá vỡ quy hoạch, cung vượt quá xa cầu, nên tiêu giảm từ 200.000 đồng/kg xuống còn 50.000 đồng/kg. Như vậy, khi giá nông sản trượt dốc, nông dân luôn là đối tượng gánh chịu thiệt hại nặng nề nhất. Bên cạnh thiệt hại lớn về kinh tế của chính người dân thì việc phá vỡ quy hoạch cũng làm suy kiệt tài nguyên đất, nước và tiềm năng xuất khẩu.

Tôi thiết nghĩ, nếu làm tốt công tác quy hoạch, bảo đảm về nguồn giống, tạo được tính bền vững trong sản xuất, cây mắc ca sẽ có được vị thế và có thể giúp nông dân làm giàu. Ở đây trách nhiệm quản lý nhà nước của ngành nông nghiệp từ cấp Trung ương tới địa phương cần thể hiện rõ nét hơn để người nông dân tổ chức sản xuất hiệu quả hơn, bền vững hơn. Mặt khác, người dân cũng phải thay đổi được thói quen, tập quán sản xuất, hướng đến những cách làm mới, tiên tiến và hiệu quả hơn, tránh chạy theo phong trào.

Phóng viên: Ngành nông nghiệp đưa ra định hướng phát triển mắc ca là cây trồng trong 20 loài cây trồng rừng chính trong thời gian tới. Để thực hiện hiệu quả mục tiêu này, đại biểu có đề xuất kiến nghị gì?

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk: Bộ NN&PTNT đưa ra định hướng tiếp tục phát triển mắc ca là cây trồng trong 20 loài cây trồng rừng chính, tăng diện tích vùng trồng tập trung, từ đó xây dựng thành một ngành hàng mới của nông nghiệp Việt Nam, phấn đấu đến 2030 đạt doanh thu một tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 600 triệu USD. Để đạt được mục tiêu này theo tôi cần thực hiện các giải pháp đồng bộ từ các bộ, ngành và các địa phương và từ chính người nông dân.

Qua quá trình tiếp xúc cử tri, tôi nhận thấy người dân ở một số nơi vẫn còn nhận thức chưa đầy đủ về cây mắc ca. Bởi mắc ca là cây trồng đòi hỏi cao về kỹ thuật chăm sóc, cây giống và điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng nhất định. Tuy nhiên, người dân nhiều nơi phát triển ồ ạt, tự phát không theo quy hoạch, không theo điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng. Do vậy, đẩy mạnh hướng dẫn nông dân chỉ trồng mắc-ca ở nơi đã khảo nghiệm thành công hoặc có điều kiện sinh thái tương tự, không trồng ở các khu vực chưa được khảo nghiệm khẳng định hiệu quả. Mặt khác cần lập quy hoạch phát triển cây mắc ca trên địa bàn mỗi địa phương, huyện, tỉnh (bao gồm giống, kỹ thuật, thị trường, sản phẩm) để người dân nhận thức đầy đủ, phát triển hiệu quả, tránh tình trạng phát triển một thời gian lại dẫn đến tình trạng “trồng, chặt” như một số cây trồng đã từng xảy ra.

Đối với cây giống, tiếp tục nghiên cứu, nhân rộng những giống có hiệu quả kinh tế cao đồng thời có cơ chế quản lý tốt hơn cây giống lưu thông trên thị trường, cần thiết tuyên truyền chỉ ra điểm giống cây tốt, chất lượng để tổ chức, cá nhân chủ động tiếp cận với nguồn giống đảm bảo. Đồng thời đẩy mạnh hướng dẫn quy trình kỹ thuật sản xuất trồng chăm sóc cây đúng để cây ra hoa kết trái và trái đảm bảo năng suất, chất lượng tốt.

Đầu tư cho khoa học công nghệ, đẩy mạnh chế biến sâu để có thêm nhiều sản phẩm đa dạng phong phú và được thị trường đón nhận như: nguyên liệu mỹ phẩm, dầu, sữa hạt, bột dinh dưỡng… Tiếp tục có những chính sách phù hợp để hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân liên kết từ khâu cây giống đến khâu chăm sóc, thu hoạch, chế biến và bao tiêu sản phẩm.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!

Theo ý kiến của các chuyên gia, hiện nay, nhu cầu sử dụng mắc ca của thế giới đang rất cao, tăng tới 200%, cho thấy tiềm năng phát triển của cây mắc ca là rất lớn. Giá mắc ca cũng luôn nằm trong top cao các loại hạt trên thế giới. Tại Việt Nam có những thời điểm loại quả này có giá lên tới 500.000 đồng/1kg, có giá trị vượt trội so với các loại hạt khác. Tuy nhiên, thực tế câu chuyện phát triển mắc ca ở Việt Nam vẫn còn rất nhiều vấn đề đòi hỏi các cơ quan chức năng thực sự vào cuộc nhất là thời gian qua diện tích loại cây này phát triển ồ ạt ngoài quy hoạch. Trong khi các yêu tố như nguồn giống, kỹ thuật trồng và đầu ra thì chưa tính tới một cách đồng bộ và bài bản. Do vậy, để mắc ca phát triển bền vững đòi hỏi phải có sự phát triển đồng bộ từ khâu quy hoạch, kiểm soát nguồn giống đến khâu sản xuất, chế biến và bao tiêu sản phẩm./.

Lê Phương