GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: TĂNG CƯỜNG VAI TRÒ VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA THANH NIÊN TRONG HOẠT ĐỘNG BẦU CỬ

12/03/2021

Thời gian gần đây, nhận thức và trách nhiệm của thanh niên về chính trị đã dần tăng lên. Trong đó, nổi bật là việc thanh niên tham gia ngày càng tích cực trong hoạt động bầu cử, ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp.

Đoàn viên, thanh niên tích cực tham gia hoạt động bầu cử

Thanh niên với hoạt động bầu cử

Theo kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2016, Việt Nam có 62 đại biểu Quốc hội trẻ trên tổng số 500 đại biểu Quốc hội chiếm 12,4%. Tỷ lệ đại biểu trẻ ứng cử đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp lần lượt là: 8,25% (cấp tỉnh); 14,42% (cấp huyện) và 26,62% (cấp xã).

Trước mỗi kỳ bầu cử Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, Đoàn Thanh niên lại phát động các tỉnh Đoàn địa phương tích cực tổ chức tuyên truyền cho đoàn viên thanh niên, đặc biệt là những thanh niên đủ 18 tuổi tham gia bầu cử lần đầu và quần chúng nhân dân hiểu rõ về ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021; tuyên truyền các nội dung cơ bản của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân thông qua hình thức sinh hoạt chi đoàn, tuyên truyền qua các phương tiện truyền thông đại chúng, băng rôn, khẩu hiệu… Bên cạnh đó, một số tỉnh Đoàn còn thành lập các đội tình nguyện sẵn sàng phục vụ công tác bầu cử; lồng ghép phong trào thi thua gắn với thành công của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cáp nhiệm kỳ 2021 -2026.

Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực cho thấy sự tham gia, sự quan tâm của giới trẻ đã dần được nâng lên. Tuy nhiên, kết quả này so với thế gới vẫn còn hạn chế. Theo Báo cáo của Liên minh Nghị viện thế giới năm 2018, chỉ số về sự tham gia của người trẻ nói chung và thanh niên nói riêng tham gia vào cơ quan Nghị viện còn thấp. Cụ thể, tỉ lệ đại biểu dưới 30 tuổi của Việt Nam là 1, 81%, xếp hạng 70/106; tỉ lệ đại biểu dưới 35 tuổi là 12,30%, xếp hạng 100/144; tỉ lệ đại biểu dưới 40 tuổi là 22,18%, xếp hạng 108/145. Bản thân số liệu về bầu cử của Việt Nam năm 2016 cũng cho thấy tỷ lệ đại biểu trẻ ở Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và huyện giảm so với nhiệm kỳ trước đó (giảm lần lượt 2,1% và 0,59%).

Trách nhiệm của thanh niên qua lá phiếu

Để tăng cường hơn nữa sự tham gia của thanh niên vào hoạt động bầu cử, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre cho rằng, cần tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức chính trị cho thanh niên hiểu rõ ý nghĩa của hoạt động bầu cử. Việc bỏ phiếu lựa chọn đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân một cách chính xác, công tâm có vai trò quyết định đối với sự phát triển của đất nước. Do đó, cần phát huy vai trò, trách nhiệm của thanh niên với lá phiếu.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre

Phóng viên: Đại biểu có đánh giá như thế nào về sự tham gia cũng như vai trò của thanh niên trong hoạt động bầu cử?

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre: Thanh niên là lực lượng nòng cốt chiếm tỷ lệ từ khoảng 19% trong xã hội. Trong bối cảnh thời đại công nghệ 4.0 thì vai trò của thanh niên càng trở nên quan trọng. Vấn đề này đã được Đảng, Nhà nước chúng ta luôn chú trọng trong chỉ đạo điều hành cũng như ban hành chính sách.

Trong hoạt động bầu cử, có thể thấy nhận thức chính trị của thanh niên ngày càng được nâng cao. Thông qua hoạt động của tổ chức Đoàn Thanh niên, Hội thanh niên, đoàn viên thanh niên đã có nhận thức chính trị sâu rộng hơn, hiểu được ý nghĩa của hoạt động bỏ phiếu cũng như phấn đấu tham gia vào các cơ quan dân cử. Vai trò của thanh niên thể hiện ở những lá phiếu chính xác lựa chọn người đại diện cho mình tham gia lãnh đạo đất nước, ở nỗ lực của những thanh niên giàu nhiệt huyết, có năng lực đáp ứng tiêu chuẩn trở thành người đại biểu dân cử. Thanh niên góp phần rất quan trọng vào việc bầu cử đại biểu Quốc hội, mỗi lá phiếu của một cá nhân có giá trị quan trọng, góp phần quyết định lựa chọn người xứng đáng là đại biểu dân cử.

Phóng viên: Mặc dù có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên so với thế giới, sự tham gia của thanh niên vào cơ quan dân cử cũng như các hoạt động chính trị vẫn còn hạn chế. Vậy, theo đại biểu đâu là nguyên nhân?

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre: Mặc dù nhận thức chính trị của lực lượng thanh niên được nâng lên; lực lượng đại biểu trẻ tham gia vào cơ quan dân cử có đóng góp nhất định cho hoạt động chung. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một bộ phận nhỏ thanh niên còn thờ ơ với các hoạt động chính trị, tỷ lệ tham gia của người trẻ nói chung và thanh niên nói riêng vào cơ quan dân cử còn chưa cao. Nguyên nhân chính dẫn đến hạn chế này là do sự  hạn chế về kinh nghiệm tham gia các hoạt động chính trị của người trẻ.

Bên cạnh đó, những vấn đề khác như: sự hạn chế về kiến thức chính trị, văn hóa, xã hội; tiếng nói của thanh niên chưa thực sự được nhìn nhận, đánh giá, quan tâm kịp thời cũng là một trong những nguyên nhân khiến sự tham gia của thanh niên vào quá trình bầu cử còn hạn chế.

Phóng viên: Có ý kiến cho rằng, cần bổ sung quy định của Luật Bầu cử theo hướng quy định dự kiến cơ cấu, tỷ lệ đại biểu thanh niên trong số đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Quan điểm của đại biểu về đề xuất này như thế nào?

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre: Tôi cho rằng, vấn đề này không nên bổ sung quy định trong Luật Bầu cử mà phụ thuộc vào Hội đồng bầu cử quốc gia sẽ có quy định tỷ lệ phù hợp tùy vào từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Việc quy định vào luật là không cần thiết, cứng nhắc và không linh hoạt. Vấn đề quan trọng là làm sao tạo điều kiện tốt nhất, thu hút được lực lượng thanh niên tham gia vào các hoạt động chính trị một cách thực chất, thiết thực. Tùy vào năng lực, để mỗi thanh niên xác định rõ đóng góp, cống hiến của mình cho xã hội.

Cũng cần chú trọng phát huy hơn nữa vai trò giám sát và phản biện xã hội của thanh niên. Để làm được điều này, cần đẩy mạnh hơn nữa vai trò của các tổ chức đoàn thể trong đó nòng cốt là Đoàn Thanh niên trong công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức chính trị cho thanh niên đặc biệt hiểu rõ ý nghĩa của hoạt động bầu cử. Việc bỏ phiếu lựa chọn đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân một cách chính xác, công tâm có vai trò quyết định đối với sự phát triển của đất nước. Do đó, cần phát huy vai trò, trách nhiệm của thanh niên với lá phiếu của  mình./.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!

Lê Anh

Các bài viết khác