ĐBQH TRẦN KIM YẾN: CẦN GIẢI QUYẾT TRIỆT ĐỂ CÁC KIẾN NGHỊ CỦA NGƯỜI DÂN

05/04/2021

Tại phiên thảo luận Tổ về các báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016 -2021, đại biểu Trần Kim Yến, Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, mặc dù công tác giải quyết các kiến nghị, khiếu nại của người dân đã có những chuyển biến mạnh mẽ, tuy nhiên cần tiếp tục quan tâm đến hiệu quả của việc giải quyết các kiến nghị, khiếu nại.

Đại biểu Trần Kim Yến, Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh 

Theo đại biểu Trần Kim Yến, trong các báo cáo của Chính phủ cũng như các cơ quan có liên quan, có đề cập nhiều về vấn đề giải quyết các khiếu nại, tố cáo, các phản ánh của người dân, của cử tri và trong đó cũng có phân tích số liệu cho thấy rằng tỷ lệ giải quyết các kiến nghị, khiếu nại của người dân năm sau cao hơn năm trước và tỷ lệ tồn đọng đơn thư khiếu nại, phản ảnh càng ngày càng ít đi. Như vậy, cho thấy rằng Chính phủ cũng như các cơ quan đã rất quan tâm đến các vấn đề của cử tri quan tâm bức xúc. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, chúng ta chưa phân tích những khiếu nại đó là khiếu nại được giải quyết đến nơi đến chốn hay là những khiếu nại đã được giải quyết lặp đi lặp lại nhiều lần.

Đại biểu cho biết, thực tiễn trong quá trình làm đại biểu và thực hiện nhiệm vụ tiếp xúc cử tri, có những phản ảnh, có những khiếu nại của cử tri lặp đi lặp lại rất nhiều lần và người dân họ không hài lòng với giải quyết của các cơ quan bộ, ngành. Đại biểu đề nghị cần phải phân tích kỹ chỗ này để đánh giá được sự quan tâm cũng như hiệu quả của các bộ, ngành trong giải quyết kiến nghị của cử tri. Bên cạnh đó, cũng cần có sự hướng dẫn để người dân nêu bức xúc của mình và tập trung giải quyết dứt điểm bức xúc ngay tại thời điểm đó, không để lặp đi lặp lại.

Ngoài ra, đại biểu cũng nêu một thực tế hiện nay, hệ thống văn bản luật của chúng ta là có luật nhưng đôi khi luật phải chờ nghị định và nghị định thì phải chờ Thông tư. Như vậy, bây giờ trong quá trình áp dụng pháp luật thì chúng ta sẽ áp dụng như thế nào? Đại biểu cho biết, có nhiều vấn đề thì lại áp dụng là thông tư chứ không áp dụng luật, khi phát hiện thông tư đó có điểm chưa đúng, chưa sát với thực tế, chưa đạt được yêu cầu, chính bản thân đại biểu cũng đã yêu cầu các bộ, ngành phải nghiên cứu xem lại thông tư đó. Đại biểu cho rằng là các bộ, ngành phải nghiêm túc xem xét lại thực trạng này bởi việc áp dụng như vậy sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các đối tượng chịu sự tác động.

Đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn, trong văn bản báo cáo công tác của Quốc hội, cho rằng đã triển khai nhiều đổi mới quan trọng về quy trình xây dựng luật và pháp lệnh, nhưng không ban hành chương trình cả nhiệm kỳ mà tập trung xây dựng chương trình hàng năm. Theo đại biểu, chương trình xây dựng luật, pháp lệnh thì chúng ta phải xây dựng chương trình tổng thể cả 1 nhiệm kỳ, thậm chí là còn dài hơn, để trong quá trình đó, các cơ quan bộ, ngành, các đơn vị được phân công dự thảo nội dung luật đó có thời gian và phân kỳ nhiệm vụ của mình, một luật hay một bộ luật chúng ta không phải là chỉ một kỳ, hai kỳ mà có khi tới ba kỳ theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Việc xây dựng chương trình luật, pháp luật cho cả nhiệm kỳ cũng cần phải được tuân thủ nghiêm nghặt, đã giao cho bộ, ngành thì bộ, ngành phải chịu trách nhiệm và nếu như rút ra khỏi chương trình xây dựng luật cũng phải chịu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ./.

Lan Anh