ĐBQH NGÀN PHƯƠNG LOAN: MONG CÁC ĐẠI BIỂU VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ CÓ THÊM CƠ HỘI ĐÓNG GÓP NHIỀU HƠN CHO QUỐC HỘI

12/04/2021

Đại biểu Ngàn Phương Loan - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn, mong lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục tạo cơ chế đào tạo, bồi dưỡng cho các nữ đại biểu, các đại biểu là người dân tộc thiểu số, trẻ tuổi; các đại biểu đại diện nhóm, giai tầng khác nhau được có thêm cơ hội rèn luyện, đóng góp nhiều hơn nữa vào hoạt động chung của Quốc hội.

Ở Việt Nam, thanh niên với số lượng đông đảo và là nguồn nhân lực rất quan trọng đối với sự phát triển trong tương lai của đất nước. Những năm gần đây, giới trẻ tham gia ngày càng nhiều vào các hoạt động chính trị. Số lượng người trẻ được bầu làm đại biểu Quốc hội và các cơ quan dân cử có xu hướng gia tăng. Đây là những người đại diện cho tiếng nói, tâm tư nguyện vọng của giới trẻ, cũng như tham gia vào quá trình ra quyết định, hoạch định chính sách dưới góc nhìn của giới trẻ.

Phát huy năng lực, trí tuệ của giới trẻ vào các hoạt động của Quốc hội, ngày 09/11/2016, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV đã ban hành Nghị quyết số 299/NQ-UBTVQH14 về thành lập Nhóm đại biểu Quốc hội (ĐBQH) trẻ. Sau 5 năm hoạt động, các hoạt động của Nhóm ĐBQH trẻ, của mỗi ĐBQH trẻ trên mọi mặt đã góp phần mạnh mẽ vào những thành tựu chung của Quốc hội.


Chủ tịch Nhóm Đại biểu Quốc hội trẻ Lê Quốc Phong.

Chủ tịch Nhóm Đại biểu Quốc hội trẻ Lê Quốc Phong cho biết trong nhiệm kỳ vừa qua, Nhóm ĐBQH trẻ đã hoạt động tích cực và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Với trách nhiệm đại biểu nhân dân, qua 10 kỳ họp Quốc hội khóa XIV, các ĐBQH trẻ đã tích cực tham gia hoạt động tại mỗi Đoàn ĐBQH tỉnh, thành phố; hoạt động tại Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội mà các đại biểu là thành viên, cũng như tham gia vào các hoạt động chung tại nghị trường Quốc hội. Sự tham gia của các ĐBQH trẻ trong hoạt động của Quốc hội đã góp phần tích cực và sinh động vào hoạt động nghị trường và vào tiến trình đổi mới hoạt động của Quốc hội, cũng như những thành tựu của Quốc hội trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV. Với những nỗ lực đóng góp của mỗi cá nhân đại biểu trong ngành, lĩnh vực chuyên môn công tác, cũng như các hoạt động của ĐBQH, cho đến nay nhiều ĐBQH trẻ đã để lại dấu ấn trong hoạt động của Quốc hội; được tổ chức ghi nhận và được trao các trọng trách cao hơn trong cơ quan, đơn vị và địa phương mình công tác.

Đối với các hoạt động lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, trong nhiệm kỳ 2016-2021, các ĐBQH trẻ đã rất tích cực tham gia ý kiến trong xây dựng pháp luật, nhiều ý kiến thể hiện quan điểm và góc nhìn của giới trẻ, các góc nhìn mới vào các dự thảo dự án luật. Nhiều ý kiến tham gia của các ĐBQH trẻ được các cơ quan chủ trì soạn thảo, thẩm tra tiếp thu. Đặc biệt, các thành viên đã tham gia nhiều vào các phiên họp lấy ý kiến và góp ý tại diễn đàn Quốc hội về Luật Thanh niên (sửa đổi); tích cực tham gia các cuộc giám sát của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban và tại các Đoàn ĐBQH; đồng thời từ thực tiễn tiếp xúc cử tri, các thành viên Nhóm đã truyền tải nhiều ý kiến phản ánh, góp ý của cử tri trẻ đến Quốc hội và Chính phủ để hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức bộ máy nhà nước.


Đại biểu Quốc hội Ngàn Phương Loan - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn đại diện cho các đại biểu Quốc hội trẻ bày tỏ mong muốn của mình.

Khi ứng cử ĐBQH khoá 14, đại biểu Ngàn Phương Loan (sinh năm 1988) thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn, là giảng viên giảng dạy ngoại ngữ công tác tại một trường cao đẳng ở địa phương, làm nhiệm vụ chuyên môn thuần tuý. Lúc đó, chị vừa hoàn thành khoá học Thạc sĩ ở Australia về, mong muốn được cống hiến hết mình cho địa phương, nơi có hơn 80% đồng bào dân tộc thiểu số. Sau đó, được giới thiệu ứng cử và được cử tri tín nhiệm bầu làm ĐBQH, chị Ngàn Phương Loan có cơ hội và điều kiện hơn để góp tiếng nói của mình vào các hoạt động của Quốc hội. Từ những thực tiễn trong quá trình học tập, công tác của bản thân, đại biểu Ngàn Phương Loan luôn cố gắng làm tốt nhiệm vụ là đại biểu dân cử, truyền tải phản ánh, kiến nghị của cử tri khi tham gia vào các hoạt động chung của Quốc hội.

Sau 1 nhiệm kỳ tham gia Quốc hội, được học hỏi từ các đại biểu khác, được tham gia vào các hoạt động của Ủy ban Văn hóa-Giáo dục- Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng và được sinh hoạt trong nhóm nữ ĐBQH, nhóm nghị sỹ trẻ, đại biểu Ngàn Phương Loan cảm thấy mình trưởng thành hơn về mặt nhận thức. Từ một người công tác trong lĩnh vực chuyên môn hẹp, chị được tiếp cận, học hỏi ở các lĩnh vực rộng hơn của đời sống chính trị- kinh tế- xã hội.


Đại tướng, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu tại Hội nghị tổng kết công tác của Nhóm Đại biểu Quốc hội trẻ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV.

Cũng như các ĐBQH trẻ khoá 14 luôn nỗ lực học hỏi, cố gắng hoàn thành tốt lời hứa trước cử tri, là đại biểu nữ duy nhất trong đoàn và là người dân tộc thiểu số trẻ tuổi, đại biểu Ngàn Phương Loan đã có những đóng góp cụ thể và nhận được những nhận xét, đánh giá tích cực của cử tri thông qua các buổi tiếp công dân, tiếp xúc cử tri, tham gia các hoạt động giám sát... Đây không chỉ là kết quả nỗ lực của bản thân đại biểu Ngàn Phương Loan, mà còn là sự chia sẻ học hỏi được nhiều từ các ĐBQH khác, nhất là từ thế hệ ĐBQH có nhiều kinh nghiệm trong đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn và từ các anh chị trong nhóm ĐBQH trẻ. Nhóm ĐBQH trẻ không chỉ là diễn đàn cho các đại biểu trẻ trao đổi, chia sẻ, học hỏi lẫn nhau, mà đây còn là nơi để các nghị sỹ trẻ được tham gia vào các hoạt động đối ngoại, đặc biệt là Hội nghị không chính thức của nghị sỹ trẻ AIPA.

Tại Hội nghị tổng kết công tác của Nhóm Đại biểu Quốc hội trẻ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, đại biểu Ngàn Phương Loan cho rằng, đại biểu trẻ vẫn còn thiếu kinh nghiệm, còn phải học hỏi và nỗ lực nhiều. Nhưng cũng vì là đại biểu trẻ, đứng ở góc nhìn của người trẻ, nên các ĐBQH trẻ hiểu được và có thể phần nào truyền tải được nguyện vọng, mối quan tâm của đông đảo cử tri trẻ.

Đại biểu Ngàn Phương Loan bày tỏ: Từ thực tiễn, các yếu tố như giới tính, dân tộc, độ tuổi có ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của từng đại biểu Quốc hội. Vì vậy mong lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục tạo cơ chế đào tạo, bồi dưỡng cho các nữ đại biểu, các đại biểu là người dân tộc thiểu số, trẻ tuổi, các đại biểu đại diện nhóm, giai tầng khác nhau được thêm cơ hội rèn luyện để đóng góp nhiều hơn nữa vào hoạt động chung của Quốc hội. Bên cạnh đó là tiếp tục quan tâm tạo điều kiện để người trẻ nói chung, người trẻ là người dân tộc thiểu số nói riêng được tham gia vào Quốc hội và cơ quan dân cử các cấp./.

Bích Lan