ĐBQH CHU LÊ TRINH: CẦN TÍNH TOÁN SỐ LƯỢNG ĐẠI BIỂU HĐND CÁC CẤP PHÙ HỢP HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG THỰC TẾ

19/04/2021

Theo đại biểu Chu Lê Trinh- Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu, cần tính toán số lượng đại biểu HĐND các cấp sao cho phù hợp với đặc điểm, dân số ở từng địa phương. Các hoạt động ở địa phương phải thực sự hiệu quả, thực chất, thực quyền hơn.

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 có một số điểm mới về số lượng, cơ cấu thành phần đại biểu so với nhiệm kỳ trước. Theo đó, Luật Tổ chức Quốc hội đã quy định số đại biểu Quốc hội chuyên trách ít nhất là 40% so với tổng số đại biểu Quốc hội là 500 người (tăng 5% so với quy định của Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014). Về số lượng đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp, theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương được sửa đổi năm 2019, số lượng tổng thể đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp đều giảm từ 5 – 10 đại biểu tùy từng cấp.

Xung quanh những điểm mới trên, phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội phỏng vấn đại biểu Chu Lê Trinh- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu.


Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 có một số điểm mới về số lượng, cơ cấu thành phần đại biểu so với nhiệm kỳ trước (ảnh minh họa).

Phóng viên: Thưa đại biểu, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 có một số điểm mới là quy định số đại biểu Quốc hội chuyên trách ít nhất là 40% và giảm đại biểu Hội đồng Nhân dân ở một số cấp. Đại biểu nhìn nhận về những điểm mới này như thế nào?

Đại biểu Chu Lê Trinh: Trong nhiệm kỳ 2021 – 2026 quy định số đại biểu Quốc hội chuyên trách ít nhất là 40% so với tổng số đại biểu Quốc hội là 500 người (tăng 5% so với quy định của Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014). Sự đổi mới này là cần thiết và thiết thực để Quốc hội hoạt động ngày càng chuyên nghiệp, chất lượng hơn.

Theo tôi, đối với đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp thì nên giảm ở những nơi cần thiết, chứ không nên đưa ra cụ thể là phải giảm một cách cơ học. Ở nơi nào không cần thiết giảm đại biểu thì nên giữ nguyên để làm sao hoạt động của Hội đồng Nhân dân phải là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho vai trò, quyền làm chủ và ý chí của nhân dân ở địa phương.   

Phóng viên: Việc giảm đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp trong nhiệm kỳ 2021-2026 nên giảm hoặc nên giữ nguyên ở những nơi như thế nào, thưa đại biểu?

Đại biểu Chu Lê Trinh: Việc giảm đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp phải căn cứ vào số lượng dân số, đặc điểm ở địa phương đó. Tuy nhiên, ở khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa có số lượng dân số ít nhưng địa bàn lại rất rộng. Nếu lấy dân số ở nơi này để giảm đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp thì địa phương đó lại thiếu đại biểu trong nhiều hoạt động. Vì vậy, phải tính toán số lượng đại biểu ở những nơi này sao cho các hoạt động ở địa phương phải thực sự hiệu quả, thực chất, thực quyền hơn.


Đại biểu Chu Lê Trinh- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu.

Phóng viên: Bên cạnh đại biểu Quốc hội chuyên trách, việc nâng cao chất lượng của đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm cũng rất quan trọng. Vậy Quốc hội cần đưa ra tiêu chí như thế nào đối với đại biểu kiêm nhiệm để họ thực sự cống hiến cho các hoạt động của Quốc hội?

Đại biểu Chu Lê Trinh: Thực tế hiện nay, chúng ta chưa có quy định cụ thể, rõ ràng để đánh giá hoạt động, việc làm của đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân như đánh giá xem đại biểu nào hoạt động tích cực, đại biểu nào còn chưa làm việc hiệu quả. Tuy nhiên, khi trúng cử là đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân thì người đó phải phát huy hết trách nhiệm, năng lực của mình bằng việc lắng nghe, tiếp thu ý kiến của cử tri để trình lên Chính phủ, Quốc hội trong việc hoạch định, giám sát các chính sách, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Về số lượng đại biểu kiêm nhiệm phải tính toán sao cho phù hợp. Theo đó, chúng ta nên tập trung đại biểu Quốc hội ở khối Dân cử, Mặt trận đoàn thể; giảm các đại biểu ở khối Hành pháp. Để nâng cao chất lượng của đại biểu kiêm nhiệm thì họ phải dành 1/3 thời gian cho các công việc của Quốc hội. Do đó, các cơ quan của Quốc hội phải có sự theo dõi các hoạt động, việc làm và sự tận tâm, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm xem họ có dành thời gian như trên cho các hoạt động của Quốc hội hay không.

Phóng viên: Một trong những yếu tố quan trọng trong cuộc bầu cử sắp tới là các địa phương phải lựa chọn được những đại biểu có đủ tiêu chuẩn mà Quốc hội và nhân dân kỳ vọng. Quan điểm của đại biểu về việc lựa chọn này như thế nào sao cho phù hợp với sự đổi mới của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp?

Đại biểu Chu Lê Trinh: Việc lựa chọn đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 được thực hiện theo quy trình và Hiệp thương các bước nhưng phải đảm bảo dân chủ để người dân sáng suốt bình chọn những người đại diện cho tiếng nói của họ. Tuy nhiên, để xây dựng Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp thực quyền, thực chất, hiệu lực, hiệu quả thì phải lựa chọn người có tầm nhìn khách quan và tính chiến lược; có bản lĩnh, trách nhiệm và có kinh nghiệm làm việc.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đại biểu!

Bích Lan