ĐBQH NGUYỄN THỊ KIM BÉ: CÔNG TÁC XÂY DỰNG LUẬT, PHÁP LỆNH VẪN CÒN NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN KHẮC PHỤC

23/04/2021

Cơ bản thống nhất với đánh giá trong báo cáo của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về công tác nhiệm kỳ của Chính phủ 2016-2021, bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé – Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang lưu ý thêm một số lĩnh vực mà Chính phủ cần khắc phục trong thời gian tới.

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé – Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang nhận định, nhiệm kỳ vừa qua của Chính phủ đã diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, tình hình trong nước cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do tác động từ bên ngoài, từ bất cập nội tại của nền kinh tế, đặc biệt là do thiên tai, dịch bệnh đã đặt ra yêu cầu lãnh đạo, điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành, các địa phương phải linh hoạt, bản lĩnh, sâu sát và kịp thời.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé – Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang phát biểu tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV. 

Bộ máy nhà nước đã làm tốt nhiệm vụ trong nhiệm kỳ khóa XIV, nhất là giai đoạn cuối nhiệm kỳ, khi cả thế giới bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Chính phủ đã lãnh đạo, điều hành phát triển kinh tế trong hoàn cảnh vừa chống dịch, vừa phát triển đất nước.

Hình ảnh nhiều lãnh đạo cấp cao trực tiếp chỉ đạo nơi tuyến đầu chống dịch đã để lại trong lòng nhân dân biết bao tình cảm mến phục”, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé nhấn mạnh.

 Tuy nhiên theo nữ đại biểu đoàn Kiên Giang, trong từng nội dung, nhiệm vụ cụ thể vẫn còn một số hạn chế, trong đó có 2 điểm liên quan đến những nội dung hạn chế mà Chính phủ đã nêu.

Thứ nhất, công tác xây dựng pháp luật vẫn còn những vấn đề cần khắc phục, nhất là việc xin bổ sung dự án luật rồi lại xin lùi, xin rút; việc chuẩn bị một số dự án trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa đáp ứng được yêu cầu.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé đánh giá, Chính phủ đã nhìn nhận đúng những hạn chế này, nhưng việc khắc phục cần được quan tâm hơn nữa, do tồn tại này không phải chỉ mới xảy ra trong nhiệm kỳ này. Trong khi đó, việc phân tích nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan tham mưu, người đứng đầu trong trình dự án luật chưa được làm rõ.

Việc xin lùi, xin rút dự án ra khỏi chương trình khi trình ra mỗi kỳ họp chỉ thấy lý do là do chuẩn bị không kịp, do nội dung chưa đạt yêu cầu mà chưa phân tích tính cấp bách của pháp luật. Chính vì vậy, nhiều lĩnh vực trong quản lý nhà nước còn gặp khó khăn khi cơ sở pháp lý chưa rõ ràng, còn chồng chéo, mâu thuẫn, thậm chí có nội dung pháp luật chưa được điều chỉnh.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé đưa ra dẫn chứng là Luật Đất đai, đây là một luật có tác động rất lớn đến quyền sử dụng tài sản, đất đai của nhân dân, nhưng lại phức tạp trong quản lý nhà nước khi có nhiều quy định của luật chưa được rõ ràng.

Vấn đề này đặc biệt nóng bỏng khi có đến gần 70% khiếu nại của nhân dân liên quan đến đất đai. Theo đại biểu, nguyên nhân khiếu kiện một phần là do pháp luật. Cử tri đã phản ánh rất nhiều, nhưng đến nay dự án luật này vẫn chưa được sửa đổi do tình trạng xin lùi, xin rút như đã nêu trên.

Vấn đề thứ hai mà đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé quan tâm là phát triển bền vững Đồng bằng Sông Cửu Long. Theo đại biểu, nhiệm vụ của Đồng bằng sông Cửu Long đã được xác định rõ trong nghị quyết của Đảng. Khó khăn của Đồng bằng sông Cửu Long cũng đã được các chuyên gia, nhà quản lý phân tích rất thấu đáo. Chính sách pháp luật cũng đã được tăng cường cho Đồng bằng sông Cửu Long, cụ thể như là Nghị quyết 120 của Chính phủ, đi kèm với đó là rất nhiều các kế hoạch của các ngành. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện các nội dung của nghị quyết này còn chậm, nhiều dự án cấp bách nhưng lại chuyển sang năm 2025, trong khi tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đến vùng này càng nhanh hơn, dự báo đạt phức tạp hơn.

Theo dự báo, trong năm nay, tác động của hạn mặn sẽ gay gắt hơn, trong khi hệ thống thủy lợi của vùng còn khó khăn, chưa khép kín. Hạ tầng giao thông cả trục dọc và trục ngang như ngành giao thông đã xây dựng là chưa được kết nối đầy đủ, chưa tạo ra sức bật mạnh mẽ cho Đồng bằng sông Cửu Long.

Tôi cũng rất chia sẻ với tâm trạng sốt ruột của Thủ tướng khi thấy Đồng bằng sông Cửu Long là nơi trù phú mà vẫn chưa phát triển, phát huy hết tiềm năng của mình”, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé chia sẻ.

Gần đây, Thủ tướng tiếp tục tổng kết, đánh giá, triển khai việc thực hiện Nghị quyết số 120 và đưa ra nhiều giải pháp để vực dậy Đồng bằng sông Cửu Long. Giải pháp 8G của Thủ tướng nêu là một động lực lớn cho đồng bằng sông Cửu Long. Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé mong rằng, giải pháp này sẽ không dừng lại trên giấy tờ, kế hoạch, dự án, đồng thời cũng kiến nghị Chính phủ có giải pháp triển khai Nghị quyết số 125 quyết liệt và  hiệu quả hơn.

Hồ Hương