ĐBQH HỒ THỊ KIM NGÂN THẢO LUẬN VỀ BÁO CÁO CÔNG TÁC NHIỆM KỲ 2016-2021 CHÍNH PHỦ

27/04/2021

Thảo luận về kết quả công tác của Chính phủ nhiệm kỳ nhiệm kỳ 2016 - 2021, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn đồng ý về tính toàn diện, đặc biệt là những đánh giá về thành tựu mà Chính phủ nhiệm kỳ vừa qua đã đạt được cũng như những vấn đề đặt ra cần tiếp tục được giải quyết.

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn phát biểu tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV.

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân chỉ rõ, phương châm xuyên suốt nhiệm kỳ mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quán triệt là "Xây dựng Chính phủ kiến tạo, phát triển, liêm chính, hành động, phục vụ nhân dân" đã được cụ thể hóa trong việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của Chính phủ. Từ việc xây dựng hoạch định chính sách, đổi mới phương thức làm việc của cơ quan hành chính nhà nước đến việc thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, cải thiện chất lượng cuộc sống cho nhân dân, v.v.. Đó có thể coi là dấu ấn quan trọng của Chính phủ.

Báo cáo của Chính phủ đã đề cập đến kết quả hoạt động của Chính phủ nhiệm kỳ vừa qua trên rất nhiều phương diện. Trong đó, nội dung về hoạch định chính sách xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật là một trong những kết quả quan trọng của Chính phủ trong nhiệm kỳ vừa qua. Đặc biệt, với việc tập trung rà soát, xác định điểm nghẽn, kìm hãm sự phát triển là một nội dung quan trọng, từ đó giúp Chính phủ có giải pháp hiệu quả trong việc khơi thông các nguồn lực, thúc đẩy hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh, tạo đà cho sự phát triển vững chắc. Cùng với xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, với phương châm lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ. Chính phủ coi việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là một trong những nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt trong cả nhiệm kỳ. Trên cơ sở đó có nhiều giải pháp quan trọng, đặc biệt là việc thực hiện cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành, v.v.. Cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, phương pháp làm việc của các cơ quan hành chính nhà nước gắn với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử, góp phần nâng cao năng lực hiệu quả quản lý nhà nước, giảm chi phí phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân nhấn mạnh, việc tập trung thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện về phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội, cải thiện chất lượng cuộc sống của nhân dân là nhiệm vụ mà Chính phủ đã tập trung thực hiện. Đặc biệt, Chính phủ đã tập trung rà soát, hoàn thiện và triển khai thực hiện tốt các chính sách dân tộc trên tất cả các lĩnh vực, nhất là các chính sách đặc thù giải quyết những khó khăn của đồng bào dân tộc thiểu số, xây dựng và trình Quốc hội thông qua Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 và chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Theo đại biểu Hồ Thị Kim Ngân, kết quả đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua là quan trọng, tất nhiên trong đó còn một số nội dung, nhiệm vụ cần được tiếp tục nghiên cứu, thực hiện hiệu quả hơn trong thời gian tới. Chẳng hạn như vấn đề hạ tầng giao thông, nhất là vùng miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Cửu Long chưa đáp ứng được yêu cầu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Bộ máy hành chính nhà nước chưa thực sự tinh gọn, hiệu quả chưa cao. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức chưa đồng đều, nhất là năng lực phát hiện vấn đề tham mưu và đề xuất các biện pháp giải quyết còn hạn chế.

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân nhấn mạnh, từ nền tảng đã có cùng với những cơ hội và thách thức mới, Chính phủ nhiệm kỳ tới tiếp tục nhận được sự kỳ vọng rất lớn. Cần được tập trung quan tâm thực hiện cùng với những vấn đề đã nêu trong báo cáo. Bên cạnh đó, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân đề nghị Chính phủ lưu tâm, quyết liệt trong chỉ đạo, triển khai những nội dung, những kiến nghị của địa phương như sau:

Thứ nhất, Nghị quyết số 88 của Quốc hội về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 và thực hiện từ năm 2021 đặt ra mục tiêu rất lớn là đến năm 2025 phấn đấu mức thu nhập của người dân tộc thiểu số tăng trên hai lần so với năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm giảm trên 3%. 100% có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông. 100% số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố. 99% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện hợp pháp phù hợp. 100% đồng bào dân tộc thiểu số được xem truyền hình và nghe đài phát thanh, v.v..

Để thực hiện được các mục tiêu đó, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân kiến nghị Chính phủ sớm phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Các bộ, ngành khẩn trương trong xây dựng các kế hoạch để triển khai sau khi chương trình được phê duyệt.

Thứ hai, xem xét quy định tiêu chí để tỷ lệ diện tích đất rừng trên tổng thể diện tích tự nhiên là tiêu chí được tính điểm trong tổng hệ số điểm làm cơ sở phân bổ ngân sách đối với các địa phương có tỷ lệ diện tích rừng trên tổng diện tích rừng tự nhiên lớn tương đương với cách tính điểm để tỷ lệ diện tích trồng lúa trên tổng diện tích tự nhiên. Để đảm bảo tính công bằng trong phân bổ ngân sách giữa các địa phương có điều kiện tự nhiên đặc thù khác nhau.

Thứ ba, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân chỉ rõ, đối với các đề án đặc thù xây dựng nông thôn mới cấp xã CT229, xã còn tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, trật tự an toàn xã hội và các xã khó khăn đạt từ 5 tiêu chí nông thôn mới trở xuống trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2018-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 465 năm 2018. Tuy nhiên, việc thực hiện hoàn thành các mục tiêu của đề án là rất khó do không đủ nguồn lực triển khai các nội dung. Đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục xem xét, cân đối, bố trí đủ nguồn lực để tỉnh xây dựng kế hoạch tổ chức từ thiện hoàn thành các mục tiêu của đề án.

Theo nữ đại biểu tỉnh Bắc Kạn, mục tiêu lập quy hoạch là công cụ quản lý của nhà nước trong việc điều hành, phát triển kinh tế - xã hội nhằm huy động, phân bổ, sử dụng hiệu quả hợp lý các nguồn lực là căn cứ để xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch đầu tư công 5 năm và hằng năm. Hiện nay thực ra quy hoạch ngành quốc gia và các quy hoạch khác đang được xây dựng và dự kiến trình thông qua trong năm 2021. Về vấn đề này đại biểu kiến nghị Chính phủ đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch gắn với nâng cao chất lượng để quy hoạch thực sự trở thành động lực cho phát triển bền vững.

Hồ Hương