VẬN ĐỘNG BẦU CỬ LÀ CUỘC ''SÁT HẠCH'' ĐỐI VỚI CÁC ỨNG CỬ VIÊN

28/04/2021

Hoạt động tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử có ý nghĩa rất quan trọng, quyết định thành công đối với người ứng cử. Bởi lẽ, đây là dịp để cử tri đánh giá thực chất năng lực, trình độ cũng như sự gắn kết với cử tri, nhân dân của mỗi ứng cử viên, từ đó quyết định lựa chọn, bỏ phiếu để ứng cử viên nào trở thành đại biểu dân cử.

 

Ông Lê Như Tiến, Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII; nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.

Chia sẻ của ông Lê Như Tiến, Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII; nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội với phóng viên THQH Việt Nam.

Phóng viên: Thưa ông, tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử được coi là một cuộc “sát hạch” để cử tri đánh giá các ứng cử viên. Từng là Đại biểu Quốc hội hai khóa và là người có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động Quốc hội, ông có thể chia sẻ thêm ý nghĩa, tầm quan trọng của hoạt động này trong cả quy trình bầu cử?

Ông Lê Như Tiến, Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII; nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: Đây là cuộc sát hạch quan trọng, mang ý nghĩa rất lớn, so với các cuộc sát hạch khác, đây là cuộc sát hạch đối với ứng cử viên tham gia vào cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Cử tri sẽ chọn ra trong số những ứng cử viên, người xứng đáng, đủ đức, đủ tài, đủ bản lĩnh, trí tuệ để thay mặt cho nhân dân, đại diện cho cử tri thực hiện quyền lực nhà nước ở Trung ương và địa phương.

Phóng viên: Luật Bầu cử Đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND năm 2015 quy định, vận động bầu cử phải đảm bảo nguyên tắc dân chủ, công khai, bình đẳng và đúng pháp luật. Theo ông, trong quá trình tổ chức thực hiện, làm sao để đảm bảo được các nguyên tắc này?

Ông Lê Như Tiến, Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII; nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: Các nguyên tắc dân chủ, công khai, bình đẳng và đúng pháp luật được đề ra trong các văn bản pháp luật, chúng ta phải thực hiện đúng, nếu chúng ta không thực hiện được đã vi phạm các nguyên tắc.

Thứ nhất: Là dân chủ, chúng ta đã dân chủ trong việc vận động bầu cử, dân chủ trong việc giới thiệu người ứng cử, trong đó có cả người tự ứng cử.

Thứ hai: Chúng ta công khai, minh bạch trong việc niêm yết danh sách ứng cử viên và danh sách cử tri; bình đẳng, nguyên tắc này cũng phải được thể hiện trong vận động bầu cử.

Thứ ba: Các ứng cử viên có sự bình đẳng như nhau, không phải người có chức vụ cao hơn thì được nói nhiều thời gian hơn. Phải thực hiện đúng pháp luật, những hành vi nghiêm cấm trong vận động bầu cử phải coi đấy là trái pháp luật.

Phóng viên: Chỉ thị số 45 của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 cũng đã nêu rõ, phải tránh tình trạng vận động không lành mạnh. Đây cũng là vấn đề được đặt ra tại một số cuộc bầu cử trước. Ông nhìn nhận thế nào về vấn đề này?

Ông Lê Như Tiến, Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII; nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: Tình trạng vận động không lành mạnh tuy rằng không phổ biến nhưng cũng đã xảy ra ở một số nhiệm kỳ, như nhiệm kỳ khóa XII, khóa XIII. Có người mang tiền, vật chất để vận động bầu cử. Những biểu hiện và hành vi, vi phạm những điều cấm trong Luật tổ chức Quốc hội, Luật bầu cử ĐBQH quy định rất rõ. Như vận động trong sáng, không dùng vật chất để lôi kéo, mua phiếu đó là những vấn đề chúng ta rất lưu ý. Về làm dụng chức quyền, qua kiểm tra, giám sát nhiều cuộc bầu cử cũng đã có. Cử tri khi thấy có biểu hiện vận động bầu cử không trong sáng phải có thái độ, phản ánh đến cơ quan có thẩm quyền.

Phóng viên: Xin cảm ơn Ông !

(Theo Trang hội đồng bầu cử Quốc gia)