ĐBQH NGUYỄN THỊ MAI HOA: TIN TƯỞNG ĐẠT ĐƯỢC TỶ LỆ NỮ TRONG CUỘC BẦU CỬ

29/04/2021

Mới đây Văn phòng Hội đồng bầu cử Quốc gia đã công bố danh sách 868 người chính thức ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV tại 184 đơn vị bầu cử trong cả nước để bầu 500 đại biểu.

 

Bà Nguyễn Thị Mai Hoa - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội trả lời phỏng vấn.

Theo đó, về cơ cấu kết hợp chung của cả nước: Người ứng cử là phụ nữ có 393 người, chiếm tỉ lệ 45,28%, tăng 6,31% so với khóa XIV. Đây cũng là tỉ lệ cao nhất trong bốn khóa bầu cử ĐBQH gần đây. Riêng với khối Trung ương đạt gần gấp đôi so với khóa XIV. Việc bảo đảm tỷ lệ đại biểu nữ trong Quốc hội và HĐND không phải chỉ là để có cơ cấu nữ trong bộ máy lãnh đạo, mà chính là để khơi dậy, phát huy tiềm năng của phụ nữ, đảm bảo cho sự phát triển bền vững của đất nước. Vì vậy cần tiếp tục quan tâm thực hiện các giải pháp nâng cao tỷ lệ nữ tham gia hoạt động chính trị, nhất là khi bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đang đến gần. Chia sẻ với phóng viên THQHVN về nội dung này, Bà Nguyễn Thị Mai Hoa - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng con số 45,28% người ứng cử là phụ nữ một tín hiệu khả quan để chúng ta tin tưởng vào cuộc bầu cử tới đây sẽ đạt được kết quả tỷ lệ nữ đề ra. 

Phóng viên: Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV có 38% nữ ứng cử, tuy nhiên trúng cử chỉ có 26,7%. Vậy với con số 45,28%, mới được Văn phòng Hội đồng bầu cử Quốc gia công bố, theo bà đã có thể yên tâm cuộc bầu cử lần này sẽ đạt được kết quả số phụ nữ trúng cử cao hơn thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Mai Hoa - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: Đây là một tin vui một tín hiệu rất đáng mừng vì chúng ta đã thực hiện được đúng quy định trong Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội hội đồng nhân dân, đảm bảo đảm ít nhất 35% phụ nữ trong danh sách ứng cử viên đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Bởi Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 đặt ra chỉ tiêu ít nhất 35% đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân là nữ trong cuộc bầu cử nhiệm kỳ năm 2011-2016. Tuy nhiên, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, tỉ lệ nữ chỉ chiếm 26,7% tổng số đại biểu Quốc hội. Ngay ở các cấp thấp hơn, tỷ lệ nữ tham gia cũng cách chỉ tiêu khá xa. Mặc dù các tỷ lệ này đều có tăng so với nhiệm kỳ trước, nhưng so với mục tiêu Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị, Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới vẫn còn một khoảng cách khá lớn. Do đó, với con số 45,28% nữ ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV thì chúng ta có quyền tin rằng, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XV chắc chắn sẽ cao hơn. Tuy nhiên để có thể tin tưởng hoàn toàn thì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố bao gồm:

Thứ nhất: Là chất lượng của các nữ ứng cử viên có cao và đáp ứng yêu cầu của cử tri của đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp hay không.

Thứ hai: Trong cơ cấu của các đơn vị bầu cử thì cơ hội trúng cử của các ứng cử viên có cao không.

Thứ ba: Trong thời gian tới các nữ ứng cử viên khi thực hiện vận động bầu cử có thực hiện được các chương trình vận động của mình và được các cử tri tín nhiệm. Yếu tố cuối cùng quyết định đó là cử tri có thực sự ưu tiên lựa chọn các nữ ứng cử viên để là người đại diện cho họ trong Quốc hội, Hội đồng nhân dân hay không.

Phóng viên: Với vai trò là người đi trước, vừa qua bà cũng đã tham gia trao đổi kinh nghiệm, kỹ năng với các nữ ứng cử viên đại biểu dân cử. Qua tập huấn bà có chia sẻ gì về những khó khăn, áp lực mà họ gặp phải, nhất là đối với người ứng cử lần đầu?

Bà Nguyễn Thị Mai Hoa - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: Khi tham gia các hội thảo nâng cao kỹ năng cho các nữ ứng cử viên, tôi rất đồng cảm vì bản thân mình cũng từng trải qua những tâm trạng của họ. Từ kinh nghiệm bản thân thì tôi cũng chia sẻ với các chị em về những áp lực. Trước hết là các áp lực do khách quan đem lại, đó là khi tham qua gia vào cơ quan dân cử thì phải ý thức được vai trò của Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất; Còn đại biểu Quốc hội là người đại diện cho nhân dân nói tiếng nói của nhân dân và bảo vệ được quyền lợi của nhân dân. Do đó, đây là trọng trách và cũng là một thách thức rất lớn khiến các ứng cử viên cảm thấy lo lắng. Thứ hai là áp lực từ kỳ vọng của cử tri đối với các đại biểu. Hoạt động của Quốc hội khóa XIV cho thấy chất lượng của các đại biểu Quốc hội đã được nâng lên, góp phần làm nên những thành công của Quốc hội. Do đó, nếu trở thành đại biểu Quốc hội khóa XV thì trách nhiệm của các đại biểu không chỉ là giữ được kết quả của khóa XIV và các khóa trước để lại mà còn phải có những vượt bậc theo yêu cầu mới.

Bên cạnh những thách thức khách quan thì những áp lực chủ quan cũng khá nhiều. Trong đó, có áp lực vai trò giới khi những người phụ nữ vừa đảm đương cả việc nước và việc nhà, việc cơ quan và việc gia đình thì giờ đây lại thêm vai trò của đại biểu. Như vậy việc phân bổ thời gian sẽ là thách thức. Cùng với đó những người phụ nữ phải vượt lên chính mình. Bởi xã hội vẫn còn băn khoăn về phụ nữ như thiếu tự tin hay hiểu biết còn hạn chế, rồi các mối quan hệ hạn chế thì phụ nữ có vượt được chính mình để vào vị trí là đại biểu Quốc hội hay không thì đó là thách thức lớn đặt ra đối với phụ nữ.

Phóng viên: Trong tham gia tiếp xúc cử tri, vận động tranh cử tới đây, các nữ ứng cử viên cần lưu ý những gì để xây dựng chương trình hành động hiệu quả, cũng như xây dựng hình ảnh tốt, tạo dựng được niềm tin trước cử tri, thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Mai Hoa - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: Chương trình hành động đó chính là sự cam kết, là lời hứa của các nữ ứng cử viên đối với cử tri khi họ được cử tri tín nhiệm bầu vào đại biểu Quốc hội hay Hội đồng Nhân dân các cấp. Cho nên việc đầu tư cho chương trình hành động là một trong những yêu cầu đặt ra đối với các nữ ứng cử viên. Để có một chương trình hành động tốt, trước hết các ứng cử viên phải tập hợp, thu thập được một hệ thống các tài liệu, thông tin cần thiết về địa bàn mình sẽ ứng cử, về những mong muốn, mối quan tâm của cử tri và đặc biệt phải nghiên cứu để hiểu Quốc hội. Đặc biệt là đại biểu Quốc hội cần những yếu tố nào, phẩm chất nào, cần thực hiện những chức trách nào và có những chức năng gì. Điều quan trọng nữa là các nữ ứng cử viên phải hiểu mình còn những thế mạnh nào để trên cơ sở đó lựa chọn cho được những vấn đề quan tâm và đầu tư đưa vào chương trình hành động. Có thể có rất nhiều vấn đề cử tri quan tâm nhưng chỉ chọn những vấn đề nào mà đúng với chức năng nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội và phù hợp với lợi thế của mình để bản thân được đóng góp cao nhất. Tôi cũng lưu ý rằng trong chương trình hành động đề nghị không nên hứa quá nhiều, không nên cam kết những vấn đề quá lớn mà cần phải đề cập đến những vấn đề, những việc mà mình có thể làm được và làm tốt. Bởi cử tri không mong đại biểu hứa nhiều mà không làm. Bên cạnh chương trình hành động thì việc xây dựng hình ảnh cũng là một yếu tố rất cần đối với các nữ ứng cử viên. Ở đây có thể tiếp cận từ phía những phẩm chất hoặc năng lực của mình, cùng với đó còn là ngoại hình. Vì thường cử tri khi tiếp xúc với các ứng cử viên thì ngoài nghe họ trình bày chương trình hành động thì cử tri cũng nhìn hình ảnh họ như thế nào. Do đó đối với một nữ ứng cử viên khi có một chương trình hành động tốt, có một ngoại hình đẹp, phù hợp với địa bàn ứng cử thì đó sẽ là những yếu tố quyết định thành công được cử tri tin tưởng lựa chọn.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn những chia sẻ của bà!

(Theo Trang hội đồng bầu cử Quốc gia)