MỘT SỐ Ý KIẾN CỦA CỬ TRI VÀ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VỀ BÌNH ĐẲNG, BÌNH QUYỀN TRONG ỨNG CỬ VÀ BẦU CỬ

05/05/2021

Việc thực hiện mục tiêu tăng tỉ lệ nữ, trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp là việc cần làm và hãy tin tưởng giao quyền cho nữ Đại biểu và nữ Hội đồng nhân dân các cấp cho các người trẻ.

Trao đổi về bình đẳng, bình quyền trong ứng cử và bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, bà Nguyễn Thị Mai Hoa - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: Quyền bầu cử là một trong những quyền được hiến định trong Hiến pháp và đối với phụ nữ, bên cạnh quyền bầu cử, còn thể hiện rất rõ quyền của phụ nữ tham gia vào bầu cử. Đây là một trong những điểm mạnh của Việt Nam trên trường quốc tế. Trong suốt tiến trình lịch sử cách mạng Việt Nam cũng như trong nhiệm kỳ XIV, quyền bầu cử và quyền bình đẳng nữ, quyền bình đẳng giới trong bầu cử đã được phát huy rất tốt. Phụ nữ đã tích cực tham gia trong bầu cử QH và Hội đồng nhân dân các cấp. Sự tham gia của phụ nữ trong bầu cử thể hiện được quyền của phụ nữ trong việc lựa chọn những người xứng đáng đại diện cho mình và đây cũng là một trong những giải pháp để tăng tỉ lệ nữ tham gia vào các cơ quan dân cử.

Đối với Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, việc thực hiện quyền bầu cử tăng tỉ lệ nữ tham gia vào các cơ quan dân cử đã được phát huy khá tốt. Thứ nhất, nếu xét về tỉ lệ, thì tỉ lệ nữ trong Quốc hội khóa XIV tăng cao nhất trong ba nhiệm kì liên tục, chiếm 26,8%. Tức 133 nữ đại biểu trong tổng số gần 500 đại biểu Quốc hội. Đặc biệt, các nữ đại biểu rất tự hào vì đây là nhiệm kỳ đầu tiên, có nữ là Chủ tịch Quốc hội và trong suốt nhiệm kỳ XIV, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã phát huy rất tốt những phẩm chất của một lãnh đạo nữ để điều hành và lãnh đạo Quốc hội Việt Nam thực hiện quyền và nghĩa vụ của Quốc hội. Đây là một trong những nguồn cảm hứng, động lực để 133 nữ đại biểu Quốc hội khóa XIV phát huy tốt nhất quyền và nghĩa vụ của mình trong Quốc hội. 133 nữ trong Quốc hội thì có những người đã tham gia ba nhiệm kỳ, bốn nhiệm kỳ, thậm chí năm nhiệm kỳ, nhưng cũng có một số nữ đại biểu rất trẻ, lần đầu tiên tham gia vào đại biểu Quốc hội. Nhưng dù là những nữ đại biểu có nhiều nhiệm kỳ Quốc hội hay là những nữ đại biểu lần đầu tiên tham gia, qua theo dõi, đại biểu đánh giá các nữ đại biểu Quốc hội ở các vị trí khác nhau, với các công việc khác nhau, và ở những độ tuổi khác nhau, đều phát huy rất tốt tiếng nói đại diện cho cử tri ở nghị trường cũng như tham gia các hoạt động của Quốc hội. Đặc biệt là các nữ đại biểu Quốc hội trẻ, nữ đại biểu dân tộc thiểu số, là những người có thể nói là gặp khó khăn hơn so với các nữ đại biểu giàu kinh nghiệm. Đại biểu đánh giá rất cao sự tham gia của các nữ đại biểu trẻ, các đại biểu dân tộc thiểu số. Bởi vì tiếng nói của các nữ đại biểu Quốc hội trẻ, nữ đại biểu dân tộc thiểu số ở nghị trường, trong nhiệm kỳ này rất mạnh mẽ và để lại những dấu ấn đậm nét. Đó là một sự thành công lớn để chúng ta khẳng định được việc thực hiện mục tiêu tăng tỉ lệ nữ, trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp là việc cần làm và hãy tin tưởng giao quyền cho nữ Đại biểu và nữ Hội đồng nhân dân các cấp cho các người trẻ. Họ - khi đã được đặt vào vị trí, thì sẽ phát huy tốt những vị trí của mình. Tuy nhiên, so với mục tiêu đặt ra, đại biểu cho rằng vẫn chưa đạt. Vì, mục tiêu của chúng ta là đến 2025 sẽ đạt khoảng 30% nữ tham gia vào các cơ quan dân cử và đến năm 2030 phải đạt đến 35%. Nhưng suốt nhiều nhiệm kỳ qua, tỉ lệ này chúng ta chưa đạt được. Một trong những giải pháp cho nhiệm kỳ 2014 này là đó là chúng ta quy định ít nhất là 35 % nữ ứng cử viên tham gia vào danh sách bầu cử, đây là một giải pháp. Và hầu như các địa phương đã thực hiện tốt. Tuy nhiên, cũng vì nhiều lý do khác nhau, cho nên tỉ lệ đạt chỉ mới 28%. Trong thời gian tới, chuẩn bị cho Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026, chúng ta cần cố gắng nhiều hơn mới cải thiện được mục tiêu đề ra là tăng tỉ lệ nữ trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp lên khoảng 30%.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa phát biểu tại Hội trường

Chúng ta đã xác định tham gia bầu cử Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp cũng như là ứng cử vào các cơ quan dân cử, là quyền nhưng cũng là nghĩa vụ, cho nên các nữ ứng cử viên và các nữ cử tri phải xác định rõ quyền và trách nhiệm của mình để tham gia một cách tích cực nhất. Đối với các nữ ứng cử viên, nếu được giới thiệu để ứng cử vào Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 thì trước hết đó là vinh dự của các cá nhân cử viên nhưng đồng thời đó cũng là trách nhiệm của những nữ ứng cử viên đối với mục tiêu tăng tỉ lệ nữ tham gia vào các cơ quan dân cử cũng như là nâng cao vị thế của phụ nữ. Vì vậy, cho nên các nữ ứng cử viên phải nhập cuộc một cách tích cực và phải tự tin để làm tròn vai của mình. Việc trúng cử là một mục tiêu khó nếu mình làm tốt vai trò nữ ứng cử viên, chuẩn bị chương trình hành động thật tốt và thể hiện bản lĩnh, sự tự tin của mình trong quá trình vận động bầu cử, thì việc trúng hay không trúng không quan trọng bằng việc thể hiện hình ảnh, uy tín của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị. Đại biểu cho rằng, đó là mục tiêu lớn hơn, quan trọng hơn. Mỗi một nữ ứng cử viên, qua quá trình vận động bầu cử là cách để thể hiện tốt nhất tiếng nói của mình, vị thế của mình và uy tín của mình. Thứ hai nữa, đối với các cử tri nữ, việc có mặt trong các hoạt động bầu cử, từ vai trò tham gia vào công tác vận động bầu cử, hay trực tiếp tham gia bầu cử, thì các nữ cử tri cũng phải xác định rõ, quyền và trách nhiệm của mình. Phải làm sao để khái thác tốt nhất quyền này cũng như thể hiện tốt nhất trách nhiệm của mình đối với việc bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Phải thấy được rằng, nếu các cử tri nữ, thực hiện tốt quyền và trách nhiệm của mình, thì có nghĩa họ sẽ tham gia lựa chọn được những người uy tín nhất, những người đại diện xứng đáng nhất của mình trong các cơ quan dân cử. Vì vậy, đại biểu rất mong muốn các nữ ứng cử viên, các nữ cử tri phải tham gia tích cực các hoạt động của mình, phát huy tốt nhất vai trò của  mình và đặc biệt lựa chọn những người xứng đáng tham gia vào các cơ quan dân cử. Trong đó phải lưu ý đến chỉ tiêu đạt được đó là tăng tỉ lệ nữ tham gia vào các cơ quan dân cử. Đó là trách nhiệm của các nữ ứng cử viên cũng như các nữ cử tri.

Việc tăng tỉ lệ nữ trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 không chỉ được các Đại biểu Quốc hội quan tâm mà còn nhận được rất nhiều sự quan tâm của cử tri. Luật sư Tạ Thu Phong, nhà sưu tầm và nghiên cứu Báo chí Việt Nam cho rằng cần phát huy tư tưởng bình đẳng bình quyền trong ứng cử và bầu cử vì đây là một di sản quý giá của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho đất nước. “Xuyên suốt trong tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh là quan điểm bình đẳng, bình đẳng giới, bình đẳng về tất cả các mặt, vậy tại sao có thể nói Chủ tịch Hồ Chí Minh đi sớm so với các nước về vấn đề bình đẳng giới như vậy. Trong quá trình bôn ba hoạt động, Hồ Chủ tịch đã có định hướng sau này xây dựng nước Việt Nam như thế nào, đó là bình đẳng vì vậy Quốc hội đầu tiên phải thể hiện quyền bình đẳng này rồi, các ứng cử viên trong Quốc hội khoá I có nhiều thành phần, dân tộc thiểu số, phụ nữ có và tất cả phụ nữ không phân biệt nam nữ, có thể gọi là cuộc cách mạng thực sự vào thời điểm đó vì trước cuộc bầu cử, nước Việt Nam chưa bước ra vũ đài chính trị. Bác không chỉ yêu thương phụ nữ, nâng đỡ phụ nữ đâu mà Bác coi trọng phụ nữ, đó là điều từ trong tâm khảm của Bác”. Phó Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Lê Mậu Hãn nhắc lại lịch sử Quốc hội khóa I “Trong thành phần đại biểu Quốc hội khóa I có cả đại biểu nữ và đoàn Hà Nội cũng có đó là cô giáo Nguyễn Thị Thục Viên. Đối với việc bầu cử Quốc hội trên thế giới thì ở nước ta là một điển hình của tư tưởng văn minh. Nước Mỹ sau khi thoát Anh, bầu cử Quốc hội nhưng phải mất hàng mấy chục năm sau phụ nữ mới được đi bầu cử và ứng cử, cách mạng Pháp cũng thế...”

Bầu cử và ứng cử có thể nói là một quyền hạn thiêng liêng của mỗi cử tri. Với tư tưởng Hồ Chí Minh và ý chí của nhân dân Việt Nam được ghi trong Hiến pháp năm 1946, tư tưởng bình đẳng, bình quyền trong bầu cử, ứng cử ở nước ta đã được phát huy trong suốt chặng đường 75 năm xây dựng, đổi mới và phát triển đất nước; cùng với những dấu ấn đặc biệt của Quốc hội khóa XIV, Quốc hội thành công dưới sự dẫn dắt của một nữ Chủ tịch Quốc hội đầu tiên, đây chính là những nền tảng quan trọng để chúng ta tiếp tục tin tưởng vào sự thành công của tư tưởng bình đẳng, bình quyền trong cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV và Hội đồng Nhân dân các cấp giai đoạn 2021-2026 sắp tới./.

(Theo Trang Hội đồng bầu cử Quốc gia)