ĐBQH QUÁCH THẾ TẢN: CẦN XỬ LÝ NGHIÊM TẬP THỂ, CÁ NHÂN SAI PHẠM TRONG QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TÀI SẢN CÔNG

06/05/2021

Tại phiên thảo luận của Quốc hội về Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Kiểm toán nhà nước, đại biểu Quách Thế Tản cho rằng cần phải xử lý trách nhiệm các tập thể, cá nhân sai phạm trong vấn đề quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công nhằm siết chặt kỷ cương, sử dụng hiệu quả nguồn lực của đất nước.

Đồng tình với Báo cáo của Tổng Kiểm toán nhà nước cũng như Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, đại biểu Quách Thế Tản cho rằng, trong nhiệm kỳ của Quốc hội vừa qua, Kiểm toán nhà nước đã nỗ lực rất lớn để thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Hiến pháp cũng như nhiệm vụ phân công của Quốc hội. Kiểm toán nhà nước đã thể hiện được vai trò, vị trí trong công tác quản lý tài chính công, tài sản công và đặc biệt góp phần rất to lớn vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Đại biểu Quách Thế Tản – Đoàn ĐBQH tỉnh Hoà Bình phát biểu tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV. 

Kết quả kiểm toán qua theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng, cũng như trong các chương trình kỳ họp Quốc hội được dư luận quan tâm, nhất là những kết quả trong báo cáo của Tổng kiểm toán, cũng như những tài liệu do kiểm toán cung cấp cho Quốc hội và đại biểu Quốc hội. Trên cơ sở đó, đại biểu Quốc hội nắm được tình hình chung và có những kiến nghị với Quốc hội, đề nghị với Chính phủ. Đại biểu Quốc hội nêu chất vấn đối với Chính phủ và các bộ, ngành cũng do một số tài liệu Tổng Kiểm toán nhà nước cung cấp, cho thấy số liệu rất khách quan, trung thực và có ý nghĩa thực tiễn.

Đại biểu Quách Thế Tản cũng bày tỏ sự nhất trí cao với báo cáo cũng như đánh giá hoạt động của ngành kiểm toán, đồng thời cho rằng không những đối với tầm quốc gia mà đối với địa phương cũng giúp cho vấn đề quản lý tài chính, vấn đề điều hành ngân sách của Ủy ban và Hội đồng nhân dân, góp phần làm lành mạnh công tác tài chính và đã góp phần trong thực hiện cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở các cấp, các ngành.

Cũng theo đại biểu Đoàn Hòa Bình, trong nhiệm kỳ qua, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính là 353.733 tỷ đồng, tức là 300/350.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2015 - 2020. Báo cáo có nêu kết quả thực hiện được 237.578 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 73,6%; liên quan vấn đề này, đại biểu Quách Thế Tản đề nghị Kiểm toán Nhà nước cần xem lại số liệu trên. Theo đại biểu, nếu chia ra thì số liệu 353.000 tỷ đồng đề nghị xử lý tài chính mới đạt 237.000 tỷ đồng, như vậy, nếu tính ra mới đạt được khoảng 67,2%, không biết con số nào đúng.

Tại Phụ lục số 7, số liệu được Kiểm toán Nhà nước lại đề ra rất đúng, khớp, tức là trong kiến nghị của Tổng Kiểm toán Nhà nước là có 322.000 tỷ đồng (lấy tròn số) và thực hiện 237.000 tỷ đồng; nếu như vậy mới đạt được 73,6%. Đề nghị các đồng chí xem lại con số là 322.000 tỷ đồng hay là 353.000 tỷ đồng, nó chênh lệch nhau khoảng 39.000 tỷ đồng”, đại biểu Quách Thế Tản nêu rõ.

Về kỷ luật tài chính, tỷ lệ xử lý các văn bản mà Tổng Kiểm toán nhà nước đề nghị sang Chính phủ, các bộ, ngành, các địa phương để hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung theo kiến nghị của Tổng Kiểm toán nhà nước mới đạt có 17,3%. Đại biểu Đoàn Hòa Bình cho rằng tỷ lệ này là quá thấp, qua đó cho thấy kỷ luật, kỷ cương trong vấn đề quản lý tài chính cũng như thực hiện các Nghị quyết của Kiểm toán nhà nước là chưa nghiêm.

Từ nhận định trên, đại biểu Quách Thế Tản đề nghị Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ, các cơ quan của địa phương thực hiện nghiêm các kiến nghị của Kiểm toán nhà nước. Đồng thời xử lý trách nhiệm các tập thể, cá nhân sai phạm trong vấn đề quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công nhằm siết chặt kỷ cương, sử dụng hiệu quả nguồn lực của đất nước.

Song song với đó, đại biểu Quách Thế Tản cũng đề nghị bên cạnh việc thực hiện kế hoạch kiểm toán hằng năm đã được phê duyệt thì Kiểm toán nhà nước cần tăng cường thực hiện các kiểm toán chuyên đề, như kiểm toán các dự án BT, BOT; hiệu quả sử dụng vốn của các dự án ODA; quản lý, sử dụng đất sau cổ phần hóa các doanh nghiệp…

Đặc biệt, thời gian tới, Kiểm toán nhà nước cần tiếp tục kiểm toán vấn đề sử dụng, quản lý đất đai, bởi đây là một tài nguyên rất lớn của đất nước và cũng đã có nhiều thiếu sót, vi phạm. Chính vì vậy, Kiểm toán nhà nước cần phát huy những thành tích đã đạt được trong giai đoạn qua, đồng thời đẩy mạnh hơn nữa hoạt động này trong thời gian tới.

Hồ Hương