LỰA CHỌN ỨNG CỬ VIÊN NGOÀI ĐẢNG CÓ ĐỨC CÓ TÀI THAM GIA QUỐC HỘI

07/05/2021

Theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự kiến số lượng, cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội khóa XV, số lượng đại biểu là người ngoài Ðảng từ 25 đến 50 người trong tổng số 500 đại biểu. Tính đến thời điểm này, trong số 868 ứng cử viên đại biểu Quốc hội Khóa XV có 74 người ngoài Đảng.

Theo Nghị quyết số 1185 ngày 11/01/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự kiến số lượng, cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội khóa XV, số lượng đại biểu là người ngoài Ðảng từ 25 đến 50 người trong tổng số 500 đại biểu.

Tại buổi họp báo công bố danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội Khóa XV vào ngày 27/4, có tổng số 74 người ngoài Đảng ứng cử đại biểu Quốc hội.

Ngày 24/02, Ban Tổ chức Trung ương đã có Công văn số 35 về công tác nhân sự đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dâncác cấp, gửi Hội đồng bầu cử Quốc gia, Ban Thường vụ các tỉnh uỷ, thành uỷ.

Theo đó, đối với người ngoài Đảng ứng cử, Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, huyện chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xem xét báo cáo ban thường vụ cấp uỷ có thẩm quyền (nơi nhân sự cư trú, làm việc hoặc ứng cử) kết luận về tiêu chuẩn chính trị.

Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Nêu quan điểm về vấn đề này, ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, việc tăng tỉ lệ người ngoài Đảng trong Quốc hội sẽ góp phần tăng dân chủ trong xã hội. Với những cá nhân tiêu biểu trong nhiều lĩnh vực chưa phải là đảng viên, có thể vì nhiều lý do họ chưa trở thành đảng viên. Tuy nhiên, mỗi người đều tán thành với đường lối đổi mới của Đảng, đưa đất nước phát triển giàu đẹp, văn minh. Chính vì vậy, nếu có đủ điều kiện và tiêu chuẩn thì cũng nên quan tâm và tạo điều kiện cho họ được ứng cử đại biểu Quốc hội.

Ông Nguyễn Túc nêu ví dụ nhiều người ngoài Đảng là đại biểu Quốc hội khóa XIV đã được cử tri tín nhiệm. Các đại biểu là những trí thức, có kinh nghiệm hoạt động trên các lĩnh vực nên các ý kiến đóng góp của họ trên nghị trường đều rất sâu sắc, tích cực. Họ đều thể hiện tâm huyết, trách nhiệm cao trước nhân dân. Một điểm đáng chú ý ở người ngoài Đảng tham gia Quốc hội là sự thẳng thắn, tinh thần trách nhiệm và ý thức xây dựng. Trước hết, phải kiên quyết không để lọt những người không xứng đáng, những người chạy chức, chạy quyền tham gia ứng cử Quốc hội.

Để lựa chọn được những đại biểu ngoài Đảng thật sự chất lượng tham gia Quốc hội, trước hết phải kiên quyết không để lọt những người không xứng đáng, những người chạy chức, chạy quyền tham gia ứng cử Quốc hội. Theo ông Nguyễn Túc, quy trình giới thiệu và hiệp thương cần chặt chẽ. Trong đó, tất cả những ai ứng cử hay tự ứng cử, người ngoài Đảng hay đảng viên đều bình đẳng trước pháp luật. Dù là đại biểu ngoài Đảng, đại biểu tự ứng cử hay đại biểu được giới thiệu cũng đều phải nhận được sự tín nhiệm của cử tri nơi công tác cũng như nơi cư trú theo đúng quy trình. Đây cũng là một trong những khâu đầu tiên rà soát, phát hiện những người không đủ điều kiện, tiêu chuẩn.

Những người được giới thiệu, người tự ứng cử đều bảo đảm đáp ứng đầy đủ điều kiện, tiêu chuẩn khi đã đưa ra công khai ở các hội nghị cử tri, hội nghị hiệp thương. Trong đó, các quy trình để giới thiệu thực sự dân chủ, công khai, các bước trong quy trình được tuân thủ thì không lý gì người đủ điều kiện, tiêu chuẩn lại không được lựa chọn để giới thiệu cho nhân dân bầu cử. Qua các hoạt động tiếp xúc sau các vòng hiệp thương, người dân theo dõi, nhận xét, đánh giá cũng là một cơ sở để có thể đánh giá ứng cử viên.

“Dù có là đảng viên hay không thì bất kỳ đại biểu nào cũng đều có quyền, có trách nhiệm đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước. Đại biểu trong hay ngoài Đảng không quan trọng, vấn đề ở chỗ họ có đủ năng lực, phẩm chất, có làm tròn được trách nhiệm, tâm huyết đối với cơ quan dân cử hay không. Theo tôi, nếu đạt được tỉ lệ 25-50 đại biểu là người ngoài Đảng trong Quốc hội khóa này là rất tốt. Khi họ được tạo điều kiện tối đa thì tôi tin tưởng với tỉ lệ này, sẽ phát huy được trí tuệ và tinh thần đoàn kết của tất cả các giai tầng, thành phần trong Quốc hội”, ông Nguyễn Túc nói.

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XIV.

Về vấn đề này, đại biểu Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng việc cơ cấu đại biểu Quốc hội là người ngoài Đảng là rất cần thiết. Nếu những người đó thực sự có phẩm chất, năng lực thì cần khuyến khích, tạo điều kiện tối đa cho người ngoài Ðảng tham gia Quốc hội. Trong đó, ngoài những tiêu chuẩn chung, người ứng cử làm đại biểu Quốc hội sẽ phải đáp ứng các yêu cầu cụ thể về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ học vấn, lĩnh vực chuyên môn, vị trí công tác và độ tuổi theo quy định của pháp luật về công chức, viên chức. Ngoài ra, người ngoài Đảng ứng cử đại biểu Quốc hội phải được kết luận về tiêu chuẩn chính trị. Bản thân họ phải nắm vững đường lối, quan điểm của Đảng, am hiểu pháp luật và có năng lực xây dựng pháp luật; đồng thời những người này cần có trình độ chuyên môn sâu và kiến thức thực tiễn.

Điều đáng chú ý trong dự kiến cơ cấu đại biểu Khóa XV, người ngoài Đảng có thể từ 25 đến 50 đại biểu, góp phần tăng tính dân chủ trong cơ quan dân cử. Nếu người ngoài Đảng thực sự có tâm huyết, trí tuệ, sẵn sàng cống hiến, vì nước, vì dân đều xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân và sẽ có những đóng góp rất lớn cho đất nước.

Cùng chung quan điểm này, Tiến sỹ Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, người ngoài Đảng hay người trong Đảng thì đại biểu dân cử vẫn phải là người đại diện cho quyền lợi, ý chí và nguyện vọng chính đáng của Nhân dân và phải bảo đảm tiêu chí chung để hoàn thành nhiệm vụ, chức năng của Quốc hội là giám sát tối cao, lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Đại biểu trong Đảng hay ngoài Đảng đều phải đáp ứng yêu cầu đó, không vì mục tiêu quy định % số đại biểu là người ngoài Đảng, mà lựa chọn những người không phù hợp, không xứng đáng vào cơ quan dân cử.

“Tôi tin rằng, các cơ quan có trách nhiệm đã giới thiệu những người xứng đáng vào danh sách người ứng cử. Thực tế, có nhiều người không phải là đảng viên nhưng đã tham gia và hoàn thành tốt nhiệm vụ của đại biểu dân cử, được cử tri tin tưởng như Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, đại biểu Quốc hội các khóa X, XI, XII. Những ý kiến của ông đóng góp trên nghị trường có chất lượng, góp phần vào các hoạt động của Quốc hội. Đảng không phân biệt người trong Đảng hay ngoài Đảng mà phải đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng của ứng cử viên”, Tiến sỹ Nguyễn Viết Chức cho biết.

Hệ thống chính trị ở Việt Nam có đặc biệt là Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, Đảng không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của giai cấp công nhân, Nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam. Vì vậy, người ngoài Đảng hay Đảng viên đều phải thống nhất tiêu chuẩn là đáp ứng nguyện vọng chính đáng của Nhân dân và đáp ứng yêu cầu phát triển của thời kỳ mới, thời kỳ đang thực hiện khát vọng của toàn thể dân tộc Việt Nam thông qua Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Đó là ngay trong nhiệm kỳ 2021-2026 xây dựng đất nước thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và đến năm 2030 phải trở thành nước có thu nhập cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển và tham gia vào top 30 nền kinh tế đứng đầu thế giới.

Tiến sỹ Nguyễn Viết Chức cũng cho biết, tổ chức quốc tế New Economic Foundation đã đánh giá Việt Nam đứng thứ 5 thế giới về chỉ số hạnh phúc và đứng thứ 2 ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Điều này yêu cầu đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp phải quán triệt, nắm vững tình hình hiện nay để đưa khát vọng lớn lao, khát vọng ngàn đời của dân tộc phát triển, tránh bẫy tụt hậu mà hiện nay đang có nhiều thách thức cần phải vượt qua./.

Theo hoidongbaucu.quochoi.vn