ĐBQH TÔ ÁI VANG THẢO LUẬN VỀ BÁO CÁO CÔNG TÁC NHIỆM KỲ 2016-2021 CỦA CHỦ TỊCH NƯỚC, CHÍNH PHỦ

25/05/2021

Tại phiên thảo luận của Quốc hội về Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chủ tịch nước, Chính phủ, đại biểu Tô Ái Vang – Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng cho rằng, nhiệm kỳ 2016 - 2021 có rất nhiều khó khăn, nhưng vì thế mà bản lĩnh, trí tuệ, tinh thần đoàn kết, chung sức đồng lòng của nhân dân Việt Nam càng được khẳng định.

Nhắc lại câu nói của Thủ tướng Chính phủ: Đầu kỳ thì Formosa, cuối kỳ virus Corona hoành hành, đại biểu Tô Ái Vang đánh giá cao sự chủ động, tích cực, năng động, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Chủ tịch nước, Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ đã cùng với Quốc hội, các cơ quan trong hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng vượt qua mọi khó khăn, thách thức, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020, đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, tạo nhiều dấu ấn nổi bật, được các tầng lớp nhân dân, cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.

Đại biểu Tô Ái Vang – Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng phát biểu tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV. 

Đại biểu Tô Ái Vang cho biết bà rất tâm đắc với những kết quả đạt được trong 5 năm điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong đó bà nhấn mạnh sự nỗ lực của Chính phủ với sự đồng hành của Quốc hội đã ban hành cơ chế đặc thù đối với thành phố Hà Nội, thành phố Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh. Điều này đã tạo tiền đề thúc đẩy cải cách thể chế, nhất là về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của 3 thành phố.

Đại biểu Tô Ái Vang kiến nghị Chính phủ nhiệm kỳ tới sớm quy hoạch và triển khai quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, liên vùng để khai thác hiệu quả tối đa các mô hình chính quyền đô thị với vai trò là trung tâm kinh tế, văn hóa khoa học của cả nước. Các đô thị cần phải thay đổi hệ thống tổ chức để nâng cao hiệu quả quản lý, tập hợp nguồn lực cho sự phát triển.

Bên cạnh đó, phát triển vùng, phân vùng phù hợp, nâng cao chất lượng quy hoạch vùng theo hướng tích hợp đa ngành, khai thác và phát huy tốt nhất các lợi thế của mỗi vùng về kết cấu hạ tầng, điều kiện tự nhiên, vị trí địa kinh tế, chính trị, nguồn nhân lực; tăng cường liên kết nội vùng và liên vùng để tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu, tạo không gian phát triển mới.

Vùng Đồng bằng sông Cửu Long đẩy mạnh liên kết phát triển và phát triển hạ tầng giao thông, kết nối vùng Đông Nam Bộ và thành phố Hồ Chí Minh. Khai thác lợi thế, phát triển có hiệu quả sản xuất lương thực, thủy sản, hoa quả gắn với công nghiệp chế biến, thị trường tiêu thụ, xây dựng thương hiệu sản phẩm; phát triển du lịch sinh thái, du lịch biển và du lịch văn hóa lễ hội, dịch vụ và kinh tế biển, đảo. Phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, chủ động thích ứng, thực hiện hiệu quả các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Giải quyết vấn đề xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông, bờ biển; xây dựng chiến lược tổng thể bảo vệ và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mê Kông.

Về hạ tầng giao thông, đến năm 2025 đầu tư các công trình giao thông trọng yếu theo quy hoạch, nhất là tuyến vành đai đô thị lớn, các tuyến đường bộ cao tốc, quốc lộ quan trọng, đầu tư nâng cao năng lực của hệ thống cảng biển, chuẩn bị để triển khai một số đoạn đường cao tốc Bắc - Nam, kết nối đồng bộ hệ thống giao thông với các khu kinh tế, khu công nghiệp, cảng biển hàng không, đặc biệt quan tâm sớm triển khai cầu Đại Ngãi.

Hồ Hương