''NGƯỜI ĐẠI BIỂU TÂM HUYẾT SẼ TÌM THẤY CÁCH TIẾP CẬN CỬ TRI HIỆU QUẢ''

31/05/2021

Theo Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII Lê Văn Cuông, người đại biểu có tâm huyết, trách nhiệm sẽ tìm ra cách thức, tìm ra con đường đến với cử tri hiệu quả nhất.

Một hội nghị tiếp xúc cử tri của đoàn ĐBQH khóa XIV TPHCM (Ảnh: Hà Khánh)

Hiệu quả từ hoạt động tiếp xúc cử tri, giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri là yếu tố quan trọng giúp cử tri đặt niềm tin mạnh mẽ hơn vào vai trò của người đại biểu dân cử. Qua đó cũng giúp cho hoạt động của các cơ quan trong bộ máy Nhà nước tốt hơn, thể hiện rõ ràng, cụ thể, kịp thời trách nhiệm của mình với cử tri và nhân dân.

4 lần tiếp xúc mỗi năm, cử tri vẫn chưa hài lòng

Giữ mối liên hệ chặt chẽ với cử tri là cách thức quan trọng giúp đại biểu Quốc hội thu nhận được tiếng nói sâu sắc, tâm tư, nguyện vọng của cử tri, những đòi hỏi của cuộc sống, từ đó đại biểu mới có những đóng góp xác thực, có tính đúng đắn, phát hiện tại nghị trường. Vì thế, làm thế nào để đến với cử tri, tiếp xúc cử tri một cách chất lượng, hiệu quả, giữ mối liên hệ chặt chẽ giữa đại biểu dân cử với cử tri vẫn là điều khiến không ít đại biểu Quốc hội suy nghĩ trong suốt quá trình thực hiện vai trò của mình.

Thực tế, mỗi năm, theo quy định của pháp luật, đại biểu dân cử có 4 lần tiếp xúc cử tri. Chỉ riêng 4 lần tiếp xúc đó có những điều cử tri vẫn chưa thật hài lòng, vẫn thấy không ít các cuộc tiếp xúc bị “nhạt”, kém hiệu quả. Tại sao vậy?

Có ý kiến cho rằng, đó là do các cuộc tiếp xúc cử tri chưa thu hút được đa dạng thành phần người dân tham gia. Trong các cuộc tiếp xúc, phát biểu của đại biểu Quốc hội rất dài, có những người dùng thuật ngữ chuyên ngành, khiến người dân khó hiểu. Ý kiến khác thừa nhận việc tiếp xúc cử tri diễn ra khá đều đặn, thường kỳ, nhưng phản hồi ý kiến từ phía người dân còn chưa kịp thời…

Đây có thể là những ý kiến nhận xét khắt khe nhưng phản ánh đúng phần nào các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND. Những cuộc tiếp xúc tổ chức ở Hội nghị, đại biểu đứng trên bục trình bày báo cáo, nghe một vài ý kiến cử tri hoặc đại diện cử tri, có không ít ý kiến cử tri đại biểu đã từng nghe đi nghe lại. Đó là không khí và cách thức quen thuộc ở nhiều cuộc tiếp xúc cử tri lâu nay. Bên cạnh đó có sự tham gia của đại diện chính quyền địa phương để giải thích, xử lý hoặc giải quyết những vấn đề cử tri nêu ra ngay tại buổi tiếp xúc.

Đại biểu Quốc hội khóa XIV Nguyễn Tiến Sinh

Chủ động gắn bó, lắng nghe, đồng cảm với cử tri

Có lẽ vì thế đến với cử tri bằng cách nào, nói với cử tri cái gì, với cách thức ra sao cho hiệu quả để cử tri cảm nhận được rõ ràng đại biểu lắng nghe tiếng nói của họ, đồng cảm với họ và giúp họ giải quyết những vấn đề họ đang vướng mắc là trăn trở của không ít đại biểu. Đây cũng là tâm sự của ông Nguyễn Tiến Sinh, đại biểu Quốc hội khóa XIV, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình.

“Làm thế nào cơ quan dân cử đáp ứng được nguyện vọng của cử tri rằng khi anh đến gặp chúng tôi, những vấn đề của các anh được lắng nghe, được nghiên cứu và giải quyết. Người ta muốn gặp người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước, thủ trưởng cơ quan để nguyện vọng của họ dù là cá nhân hay của cộng đồng được giải quyết nhanh hơn đến gặp một vị dân biểu. Đây là một thực trạng, nó làm cho việc tiếp xúc cử tri trở nên hình thức”, ông Sinh phân tích.


Ông Lê Văn Cuông, đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII (Ảnh: Soha)

Làm thế nào để đại biểu Quốc hội tìm đến cử tri, nói với cử tri, lắng nghe cử tri và đưa được tiếng nói, kiến nghị của cử tri trong quá trình hoàn thiện chính sách, pháp luật, để từ đó các quyết sách của Quốc hội hợp với lòng dân. Đó là tâm tư mà ông Lê Văn Cuông cảm nhận sâu sắc trong hai nhiệm kỳ làm đại biểu Quốc hội khóa XII và XIII của mình.

Ông cho rằng, muốn tìm hiểu về xóa đói giảm nghèo thì phải đến tận nơi nghèo khổ, những gia đình nghèo khổ để gặp gỡ, trao đổi, nghe người dân thể hiện tâm tư nguyện vọng hay đề xuất; chứng kiến cuộc sống thực tế của họ, chia sẻ thông cảm, có nhận thức, ý kiến xác đáng để chuyển lên Quốc hội. Nếu hoạt động tiếp xúc cử tri vẫn mang tính chất xuân thu nhị kỳ, tổ chức những cuộc tiếp xúc cử tri nhưng ý kiến chung chung nhiều khi đại biểu không đi tiếp xúc cũng biết đến đó người dân nói gì. Người đại biểu có tâm huyết, trách nhiệm mới tìm ra cách thức, tìm ra con đường đi hiệu quả nhất.

Để nâng cao chất lượng công tác dân nguyện của đại biểu dân cử, nhiều ý kiến cũng cho rằng, đại biểu dân cử cần chủ động tìm đến với cử tri và cũng phải chủ động hơn, sáng tạo, linh hoạt hơn trong việc lựa chọn những vấn đề báo cáo với cử tri cũng như tổng hợp ý kiến của cử tri.

Nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu từng nhận định: cử tri bầu ra mình, mình là đại diện của cử tri nên việc gắn bó, liên hệ mật thiết, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của cử tri, còn cử tri giám sát lại mình, đó là thuộc tính của chế độ bầu cử. Để cử tri đóng góp với Quốc hội, theo ông Uông Chu Lưu, cần có sự cải tiến trong mối quan hệ gắn bó, liên hệ với cử tri.

Bên cạnh đề cao tính chủ động, trách nhiệm cá nhân của đại biểu Quốc hội trong mối liên hệ với cử tri, tại mỗi cuộc tiếp xúc cần đa dạng các thành phần tham dự, tránh tình trạng cử tri là lãnh đạo cơ sở, cán bộ khu dân cư… Theo ông Phan Xuân Dũng, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khóa XIV, để đại biểu dân cử gần dân, giữ mối liên hệ chặt chẽ với cử tri thì trước hết phụ thuộc vào cách thức đến với cử tri của mỗi đại biểu Quốc hội. Đại biểu không nên bó hẹp chỉ với 4 lần tiếp xúc cử tri đã được tổ chức sẵn.

Theo ông Phan Xuân Dũng, không nên bó hẹp thời gian với những khu dân cư mà ở đấy có nhiều công nhân, có nhiều thành phần phải đi làm cả ngày mà khi họ tranh thủ thời gian họ muốn hỏi, muốn chất vấn đại biểu về những việc liên quan hoặc khi vấn đề Quốc hội bàn tác động trực tiếp đến quyền lợi của họ.

Chủ động tìm đến cử tri, không lệ thuộc vào những buổi tiếp xúc tập thể, theo ông Ngọ Duy Hiểu, đại biểu Quốc hội khóa XIV, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, thì tính hình thức của mỗi cuộc tiếp xúc sẽ không còn khi cử tri cảm nhận được đó chính là đại diện của mình.

“Trong nhiều vụ việc cụ thể, đại biểu xuống tận địa phương nắm tình hình để bà con nhận thấy đó đúng là người đang lo cho mình. Tiếp xúc ở đây là đại biểu có thể xuống tận bàn mà cử tri đang ngồi để cùng trao đổi, thảo luận thì mới dễ lắng nghe và giải quyết vấn đề của dân hơn”, ông Ngọ Duy Hiểu nêu quan điểm.


Ông Nguyễn Minh Thuyết (Ảnh: Đại Đoàn Kết)

Cử tri cần "khó tính" hơn khi giám sát đại biểu

Một sự thay đổi khác, cũng không kém phần quan trọng, đó là đại biểu dân cử nên nói gì, nói như thế nào với cử tri trong mỗi buổi tiếp xúc cử tri. Theo ông Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, bên cạnh việc đại biểu dân cử đổi mới cách nói để dân nghe, cách nghe để dân nói thì cũng cần có sự thay đổi từ phía cử tri, trong việc tiếp xúc, đặt câu hỏi và góp ý với đại biểu để họ làm tốt hơn vai trò đại diện.

Ông Nguyễn Minh Thuyết dẫn chứng, trong những lần đại biểu tiếp xúc, cử tri nên hỏi thẳng về vấn đề gì, quan điểm của ông bà như thế nào; với dự án A, B thái độ của ông bà như thế nào, tại sao lại biểu quyết như thế. Nếu cử tri giám sát chặt chẽ như thế thì đại biểu cũng phải tự thay đổi mình. Để đại biểu hoạt động tốt hơn thì cử tri cũng cần khó tính hơn trong chọn lựa đại biểu Quốc hội, khó tính trong tiếp xúc, giám sát đại biểu Quốc hội.

Hiệu quả của việc tiếp xúc cử tri, giữ mối liên hệ với cử tri của đại biểu dân cử không phải chỉ dừng ở việc đến, lắng nghe, thu nhận và chuyển tải ý kiến cử tri mà thước đo chất lượng của các buổi tiếp xúc đó chính là các ý kiến cử tri được xử lý, giải quyết như thế nào. Sự tin tưởng và gần gũi của cử tri với đại biểu cũng chỉ có được khi họ thấy rằng hoạt động của người đại biểu xuất phát từ chính quyền và lợi ích chung của cử tri./.

(Theo VOV.vn)