GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: CẦN GIẢI PHÁP KHƠI THÔNG TIÊU THỤ VÀ XUẤT KHẨU NÔNG SẢN

17/06/2021

5 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông sản chính của nước tăng khoảng 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, theo ý kiến một số ĐBQH, nước ta đang bước vào mùa thu hoạch của một số loại nông sản chính, trong khi dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp.

Nhiều mặt hàng nông sản mất giá do dịch bệnh Covid-19.

Từ đầu năm đến nay, dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp đã làm đứt gãy, gián đoạn nhiều kết nối thương mại nông sản của nước ta với các quốc gia trên thế giới. Chính vì vậy, nhiều vùng quê đến mùa thu hoạch lại ùn ứ nông sản, doanh nghiệp và người dân càng thêm khó khăn.

Trái cây cũng là mặt hàng nông sản khiến nhiều bà con đứng ngồi không yên. Tại tỉnh Đồng Nai nhiều loại trái cây xuất khẩu chủ lực như: sầu riêng, thanh long, chôm chôm… song do dịch Covid-19 trên thế giới vẫn chưa được khống chế triệt để nên tiếp tục là nguyên nhân khiến trái cây của tỉnh khó tiêu thụ.

Tại tỉnh Bắc Ninh, địa phương đang phải thực hiện giãn cách xã hội do dịch Covid-19 bùng phát, chính vì vậy việc tiêu thụ nông sản càng thêm phần khó khăn hơn. Ông Đoàn Xuân Thuyên, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh cho biết, chính quyền địa phương phải huy động các tổ chức, cá nhân cùng chung tay giải cứu dưa hấu để giúp bà con bớt phần nào thiệt hại. Đơn cử, với các trường học trong địa bàn xã, mỗi giáo viên đều ủng hộ từ 5-10 kg dưa cho bà con nông dân.         

Ông Đoàn Xuân Thuyên, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh.

Theo ước tính của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, tổng sản lượng 10 loại trái cây chủ lực năm 2021 sẽ đạt 8,3 triệu tấn. Thực tiễn lâu nay nông sản của nước ta có tính chất mùa vụ, điều này càng dễ gặp khó khăn, áp lực tiêu thụ khi đến vụ thu hoạch, đặc biệt khi dịch Covid-19 vẫn chưa được kiểm soát ở những thị trường xuất khẩu chủ lực nên việc xuất khẩu ra các nước bị đứt gãy càng khiến nhiều mặt hàng nông sản rơi vào nguy cơ ùn tắc khâu lưu thông, phân phối.

Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, thời điểm hiện tại thì quy trình phòng chống dịch Covid-19 là ưu tiên số 1 và tiếp đó mới là các công việc thu mua tiêu thụ nông sản. Để thúc đẩy tiêu thụ nông sản, đơn vị đã yêu cầu các Chi cục kiểm dịch thực vật tại các tỉnh có đường biên giới với Trung Quốc chủ động làm việc với phía bạn để đảm bảo sự thông quan hàng hoá nông sản một cách nhanh nhất.

Nhiều khó khăn vướng mắc trong tiêu thụ nông sản.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu năm đến nay tình hình tiêu thụ nông sản xuất khẩu gặp khó khăn, trong đó có các vướng mắc kỹ thuật về kiểm dịch động thực vật, vệ sinh an toàn thực phẩm, quy định về bao gói, truy xuất nguồn gốc...Nông sản gặp vướng các rào cản kỹ thuật ở ngay tại các thị trường đạt kim ngạch xuất khẩu lớn, đơn cử như Trung Quốc, nước này áp dụng các biện pháp kiểm soát hàng đông lạnh nhập khẩu do lo ngại rủi do lây truyền dịch bệnh Covid-19.

Không chỉ bị đứt gãy bởi dịch bệnh Covid-19 mà lâu nay nông sản nước ta cũng đối diện với nhiều khó khăn, vướng mắc. Theo ông Hồ Thanh Bình, Trưởng Khoa Nông nghiệp - Tài nguyên thiên nhiên, Trường Đại học An Giang, Đại biểu Quốc hội Khoá XIV, nhiều năm qua, công nghiệp chế biến đã làm nâng cao giá trị hàng nông sản Việt Nam, góp phần xây dựng nền nông nghiệp hiện đại. Tuy nhiên, đầu tư cho công nghệ chế biến còn chưa tương xứng với tốc độ phát triển của ngành nông nghiệp. Hiện nay, 20% đến 30% nông sản trong nước được chế biến xuất khẩu, do đó các sản phẩm chủ yếu xuất khẩu dưới dạng thô nên giá trị gia tăng vẫn thấp hơn so với các nước khác.

Mặt khác, việc hình thành chuỗi liên kết để kiểm soát chặt từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm với sự tham gia tích cực của “4 nhà” nhà doanh nghiệp, nhà nông, nhà khoa học và Nhà nước vẫn còn lỏng lẻo. Việc kết nối các khâu của chuỗi, giữa cơ sở sản xuất với cơ sở kinh doanh còn chưa thống nhất, chưa ký kết được những hợp đồng ổn định lâu dài nên sản phẩm không đồng nhất, không đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Ông Hồ Xuân Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng hội nhập kinh tế quốc tế mang lại những cơ hội to lớn cho nước ta trong việc mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản, nhất là các mặt hàng có chất lượng cao song các nước này ngày càng yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm nhưng sản xuất nông nghiệp của nước ta vẫn còn theo hướng tự phát, nhỏ lẻ và vẫn còn phụ thuộc nhiều vào thuốc bảo vệ thực vật nên việc xuất khẩu vẫn gặp những trở ngại nhất định về rào cản kỹ thuật.

Ông Hồ Xuân Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Để nâng cao vị thế nông sản Việt không thể thiếu sản xuất hữu cơ, sản xuất nông sản an toàn. Tuy nhiên, hiện sản xuất hữu cơ ở nước ta còn khá khiêm tốn, cả nước mới có khoảng 60 doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm hữu cơ với kim ngạch 500 triệu USD/năm. Nhiều ý kiến cho rằng đây là con số khá khiếm tốn với một nước thế mạnh về nông nghiệp như nước ta. Nếu đẩy nhanh việc xây dựng và tạo lập một nền nông nghiệp hữu cơ với sản phẩm là hàng hóa “sạch” sẽ có tác động mạnh mẽ ra thị trường thế giới..

Tại hội nghị trực tuyến với các địa phương thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch Covid-19 mới đây do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức, các đại biểu cũng đã chỉ ra những khó khăn, vướng mắc trong việc tiêu thụ nông sản hiện nay là áp lực về thuế và phí. Do thương mại gián đoạn nên nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong xuất khẩu, dẫn đến chi phí lưu kho, nhất là kho lạnh tăng cao tạo áp lực về tài chính đối với các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, hệ thống logictics và kho lạnh cũng chưa đáp ứng đủ nhu cầu bảo quản quả tươi và chế biến xuất khẩu. Ngoài ra, cách điều tiết, phân luồng nông sản ở các cửa khẩu, nhất là ở các tỉnh biên giới cũng chưa được hiệu quả. Do vậy, để thúc đẩy xuất khẩu nông sản trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hiện nay đòi hỏi chúng ta phải giải quyết được những khó khăn, vướng mắc này.

Đẩy mạnh tiêu thụ nông sản trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.

Ngành nông nghiệp trong nước tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, trong đó có thách thức từ đại dịch Covid-19 khi chưa có chiều hướng thuyên giảm. Thách thức này đòi hỏi ngành nông nghiệp Việt Nam tiếp tục chuyển mình mạnh mẽ, không ngừng đổi mới, nâng cao năng lực cạnh tranh hơn nữa để hội nhập. Phóng viên đã ghi lại ý kiến của một số đại biểu Quốc hội về vấn đề này.

Ông Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội.

Phóng viên: Thưa ông, hiện nay nhiều địa phương đang vào chính vụ thu hoạch nông sản trái cây, tuy nhiên một số tỉnh thành phố đang đối diện với dịch bệnh Covid-19 khiến cho hoạt động giao thương chưa thể trở lại bình thường. Quan điểm của ông về thực trang này như thế nào?

Ông Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Từ tháng 5 đến nay, dịch bệnh diễn ra hết sức phức tạp, điều này ảnh hưởng tới việc tiêu thụ nông sản của nước ta, đặc biệt như Bắc Giang, Bắc Ninh là những khu vực trọng tâm sản xuất nông nghiệp song lại đang đối diện với dịch bệnh, điều này gây khó khăn, thách thức lớn cho việc tiêu thụ nông sản. Tuy nhiên, trong khó khăn thách thức, cũng có những cơ hội và thị trường sẽ mở ra nếu như chúng ta tận dụng được hiệu quả lợi thế của các hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA...

Thực tế thời gian qua tỉnh Bắc Giang tiêu thụ trái vải thiều rất thành công ở cả thị trường trong nước và trên thế giới. Tại thị trường thế giới năm nay vải thiều của tỉnh Bắc Giang được bảo hộ nhãn hiệu tại 8 quốc gia, gồm: Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc, Singapore, Lào, và Campuchia. Và cho đến thời điểm này chúng ta thấy việc tiêu thụ vải thiều ở Bắc Giang khá ổn định không có tình trạng giá vải xuống thấp ảnh hưởng đến đời sống sản xuất của người dân dù tỉnh đang trong tâm dịch.

Có thể thấy, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng nhờ sự chuẩn bị chu đáo của các cấp chính quyền và nhân dân, việc tiêu thụ vải thiều của Bắc Giang vẫn diễn ra thuận lợi. Và từ thực tiễn của tỉnh Bắc Giang có thể thấy nếu chúng ta có giải pháp đồng bộ và có cách làm chủ động, sáng tạo thì chúng ta sẽ giải quyết được những khó khăn.

Ông Trần Văn Lâm, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang: Ảnh hưởng của dịch bệnh Covid19 tác động tới tất cả các ngành, các lĩnh vực kinh tế- xã hội. Sản xuất nông nghiệp không phải ngoại lệ. Nếu như trong công nghiệp, sự lo ngại là đứt gãy chuỗi cung ứng; trong dịch vụ, du lịch là đóng băng thị trường thì trong nông nghiệp lại là trở ngại của khâu tiêu thụ sản phẩm vì nhiều loại nông sản thu hoạch theo mùa vụ, đòi hỏi tiêu thụ nhanh, số lượng lớn trong thời gian ngắn.

Công tác phòng chống dịch bệnh tạo ra nhiều trở ngại cho quá trình này, từ khâu thu hoạch, sơ chế, vận chuyển, lưu thông, đến thị trường tiêu thụ các loại nông sản, nhất là tại các địa phương có dịch bệnh đang hoành hoành. Nhưng nhiệm vụ kép mà Chính phủ đặt ra, là vừa phải phòng chống dịch có hiệu quả, vừa phải đảm bảo phát triển kinh tế-xã hội. Do vậy vấn đề tiêu thụ nông sản trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn ra cũng là nhiệm vụ quan trọng song song cùng với phòng chống dịch bệnh khi mà nhiều loại nông sản trái cây đang vào vụ thu hoạch chính, do đó đòi hỏi Chính phủ, các bộ ngành liên quan và các địa phương phải có biện pháp đồng bộ, thống nhất, hiệu quả để giải quyết.

Với tỉnh Bắc Giang, vải thiều là sản phẩm đã có thương hiệu trong và ngoài nước đã nhiều năm, tuy nhiên dịch bệnh diễn biến phức tạp trên thế giới ít nhiều đã ảnh hưởng tới việc xuất khẩu. Song với sự đồng hành của Chính phủ, các bộ ban ngành, sự vào cuộc của các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp, cá nhân, vải thiều Bắc Giang đã lưu thông thông suốt ở nhiều nước trên thế giới và ở trong nước trái vải thiều đã tới mọi miền đất nước.

Năm nay, nhiều tổ chức cá nhân trong nước đã có cách làm sáng tạo, ứng dụng công nghệ số trong tiêu thụ, phân phối nông sản khi Bắc Giang đối diện với dịch bệnh Covid-19. Nhiều bạn trẻ bán vải thiều cho Bắc Giang thông qua các tổ chức thiện nguyện dưới hình thức online “Đồng hành online – Bán vải Bắc Giang”. Ngoài ra, năm nay cũng là năm đầu tiên vải thiều Bắc Giang được tổ chức phân phối một cách bài bản, có hệ thống và đồng loạt ở 6 sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam, do đó vải thiều Bắc Giang đến tay người tiêu dùng ở cả 63 tỉnh thành trong cả nước một cách nhanh nhất, đảm bảo chất lượng tươi, ngon, giá cả phù hợp.

Phóng viên: Thưa ông, để tháo gỡ cũng như khơi thông mạch nối liền nông sản giữa bão dịch Covi 19, ông có đề xuất kiến nghị gì?

Ông Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Dịch bệnh chưa biết đến khi nào mới dập được hoàn toàn, do vậy các địa phương có vùng nguyên liệu nông sản lớn sắp và đang cho thu hoạch cần tiếp tục có các phương án kế hoạch cụ thể hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất, người nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp để đẩy nhanh tiêu thụ nông sản, tránh việc ứ đọng hàng hóa cục bộ.

Để tiêu thụ nông sản vượt qua được khó khăn không xảy ra tình trạng được mùa mất giá hoặc vướng mắc do dịch bệnh thì chúng ta phải đẩy mạnh tiêu thụ, đặc biệt là tiêu thụ thông qua hệ thống online. Và để thực hiện tiêu thụ online, phải giải quyết được vấn đề đảm bảo sự tin cậy về chất lượng sản phẩm. Chính vì vậy, đứng về phía sản xuất thì chúng ta phải làm bài bản, đảm bảo chặt chẽ quy trình, đảm bảo chất lượng uy tín sản phẩm tạo ra sản phẩm có tiếng có thương hiệu. Và khi chúng ta đưa sản phẩm này đến tay người tiêu dùng thì nó sẽ đảm bảo được niềm tin của người tiêu dùng.

Về mặt tổ chức thương mại, tôi cho rằng việc tổ chức này không chỉ dừng lại ở các doanh nghiệp mà cần có sự tham gia vào cuộc của các ngành, các cấp và của chính quyền để làm thế nào tạo điều kiện tốt nhất cho hàng hóa được ưu tiên như nông sản chính vụ được lưu thông một cách dễ dàng nhất không qua các khâu kiểm soát, kiểm tra gây ách tắc sản phẩm. Nếu chúng ta thực hiện kết nối được thì tôi cho rằng chúng ta giải quyết quyết được các khâu tiêu thụ nông sản ở thời điểm chính vụ như hiện nay. Song chúng ta cũng cần phải chuẩn bị tốt nhất các điều kiện về sản xuất, đáp ứng yêu cầu về chất lượng, truy xuất nguồn gốc, vệ sinh an toàn thực phẩm…để đảm bảo hàng hoá không bị ảnh hưởng về mặt rào cản kỹ thuật.

Ông Trần Văn Lâm, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang: Khó khăn hiện nay rất nhiều, trên tất các khâu từ thu hoạch, sơ chế, bảo quản, vận chuyển, lưu thông, thị trường, tâm lý người tiêu dùng … Do đó yêu cầu phải phải phát hiện, tháo gỡ, giải quyết đồng bộ các khó khăn trên từng khâu. Có việc thuộc trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp nhưng cũng có việc cần cộng đồng, xã hội ủng hộ, chung tay; có việc chính quyền địa phương phải lo và cũng có việc thì các bộ, ngành, Chính phủ phải vào cuộc mới có thể tháo gỡ được.

Ông Trần Văn Lâm, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang.

Ví dụ: Các địa phương phải có biện pháp quản lý phù hợp để không làm cản trở người lao động, nhân công thu hái, sơ chế; doanh nhân thu mua, phương tiện vận chuyển ra vào vùng nông sản thu hoạch vẫn đảm bảo yêu cầu phòng dịch và an toàn dịch bệnh. Hay việc vận chuyển, lưu thông sản phẩm từ nơi sản xuất đến các thị trường tiêu thụ phải làm sao để sản phẩm và con người, phương tiện khi ra khỏi vùng có dịch đều an toàn, không mang theo mầm bệnh. Như vậy, phải có các qui định và biện pháp quản lý, kiểm soát chặt chẽ từ khâu sơ chế, đóng gói, đến khử khuẩn, vệ sinh, xét nghiệm an toàn cho người vận chuyển.

Những người tham gia khâu lưu thông nên được ưu tiên tiêm phòng vắc xin. Ở đây cần có sự quản lý thống nhất toàn quốc để lưu thông không bị ách tắc ở các trạm kiểm dịch các địa phương khác. Như vậy, chính phủ, các bộ ngành liên quan phải có qui định, hướng dẫn cụ thể, để không xảy ra tình trạng mỗi nơi đặt ra các yêu cầu riêng làm khó cho lưu thông.

Cộng đồng, xã hội, truyền thông cần có cái nhìn khách quan, ứng xử đúng mức với các nông sản ra từ vùng dịch, không kỳ thị, nghi ngờ về mức độ an toàn. Thực tế hiện nay, Bắc Giang là vùng dịch nghiêm trọng của cả nước nhưng sản phẩm vải thiều của tỉnh đang được tiêu thụ và nhận được đánh giá rất cao từ các thị trường khắt khe hàng đầu thế giới, như Nhận Bản, Singgapo; thị trường Trung Quốc truyền thống thì cũng đang có những phản hồi rất tích cực. Đặc biệt cộng đồng cũng ủng hộ, quan hệ thương mại bình thường, bình đẳng, không nặng tâm lý “giải cứu”, không để một số phần tử lợi dụng khó khăn do dịch bệnh để ép giá người sản xuất.

Người sản xuất các doanh nghiệp hợp tác xã, hộ sản xuất cũng cần có sự liên kết và tăng cường các phương thức bán hàng mới như các kênh thương mại điện tử, sẵn sàng các phương án chế biến bảo quản tiêu thụ lâu dài. Chính quyền địa phương, các tổ chức tín dụng có thể hỗ trợ doanh nghiệp nông dân ở khâu này. Các cơ quan chức năng cũng cần hỗ trợ liên kết sản xuất tiêu thụ mở rộng thị trường ngoài nước hay khâu lưu thông, thông quan qua các cửa khẩu được thuận lợi.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!

Theo ý kiến của các đại biểu, trong điều kiện dịch bệnh Covid-19, bên cạnh việc mở rộng thị trường xuất khẩu cả ở thị trường truyền thống lẫn thị trường mới, nhiều tiềm năng thì việc đẩy mạnh và tăng cường các kênh tiêu thụ tại thị trường nội địa có vai trò rất quan trọng. Bởi lẽ thị trường trong nước với 100 triệu dân sẽ giải quyết một phần rất lớn trong tiêu thụ nông sản. Theo đó, chúng ta không chỉ kết nối tiêu thụ, tạo dựng lại một hình ảnh cho nông sản Việt Nam xuất khẩu, mà cần kết nối tiêu thụ tạo dựng lại hình ảnh nông sản Việt Nam tại chính thị trường nội địa dưới con mắt của 100 triệu dân. Điều này không chỉ trong ngắn hạn của đại dịch mà là chuyển động trong dài hạn, giúp nông sản Việt Nam có hướng phát triển bền vững hơn./.

Lan Hương