ĐBQH BÙI THANH SƠN: THÚC ĐẨY NGOẠI GIAO VACCINE - VIỆT NAM CÓ THÊM 3 TRIỆU LIỀU VACCINE VÀO 25/7/2021

25/07/2021

Đề xuất một số biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 đưa vào Nghị quyết của Quốc hội vừa được bổ sung tại chương trình Kỳ họp thứ Nhất là sự kiện mang tính cấp thiết. Và vấn đề “ngoại giao vaccine” thời gian qua cũng luôn là một trong những nội dung quan trọng không chỉ với Chính phủ mà ngay cả với các hoạt động đối ngoại của Quốc hội, từ song phương đến đa phương.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hội đàm trực tuyến với Chủ tịch Quốc hội Singapore Tan Chuan-Jin ngày 14/7/2021

Xác định vaccine có tính chất quyết định, chiến lược, lâu dài trong phòng chống dịch COVID-19, Chính phủ đang đẩy mạnh triển khai chiến lược vaccine gồm 3 nội dung lớn: Tiếp cận, mua vaccine nhiều nhất, nhanh nhất có thể; Đẩy nhanh tiếp cận, chuyển giao công nghệ, nghiên cứu và sản xuất vaccine tại Việt Nam; Thực hiện chiến dịch tiêm chủng nhanh chóng, kịp thời, an toàn, hiệu quả. Trong đó, "ngoại giao vaccine" được xác định là một mũi nhọn để thực hiện chiến lược trên, trong bối cảnh nguồn vaccine trên thế giới tiếp tục là vấn đề cấp bách mang tính toàn cầu.

Bên hành lang Quốc hội, phóng viên Truyền hình Quốc hội Việt Nam đã có cuộc trao đổi với đại biểu Quốc hội Bùi Thanh Sơn – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, xung quanh nội dung này.

Đại biểu Quốc hội Bùi Thanh Sơn – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao

Phóng viên: Thưa đại biểu, xác định vaccine có tính chất quyết định, chiến lược lâu dài trong phòng chống dịch COVID-19, thời gian qua, cùng với Quốc hội, vấn đề "Ngoại giao Vacine" đã được Chính phủ triển khai như thế nào?

Đại biểu Quốc hội Bùi Thanh Sơn – Bộ trưởng Bộ Ngoại giao: Với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, của Chính phủ, chúng tôi đã vận động chiến dịch ngoại giao Vaccine. Tôi có thể khẳng định rằng ngoại giao Vaccine được triển khai từ cấp cao nhất. Tất cả các đồng chí lãnh đạo Nhà nước, từ Quốc hội đến Chính phủ, trong tất cả các cuộc điện đàm, tất cả các cuộc gặp, qua nhiều hình thức thư, từ, đều đề cập đến việc các nước và các tổ chức Quốc tế có thể hỗ trợ cung cấp Vaccine cho Việt Nam. Qua đó, các nước và các tổ chức Quốc tế cũng nhận thức được nhu cầu rất lớn của chúng ta trong việc tiêm Vaccine và nguồn Vaccine.

Thứ hai, chúng ta triển khai cũng một đợt ngoại giao, phối hợp giữa Bộ Ngoại giao với Bộ Y tế, triển khai rất tích cực không phải chỉ ở Thủ đô mà còn tiếp cận các cơ quan đại diện, các cơ quan tổ chức Quốc tế. Ở đây, tôi cũng chỉ đạo 98 cơ quan đại diện của chúng ta ở nước ngoài, tiếp cận các đối tác, đặc biệt những nơi mà có dư thừa Vaccine, sản xuất được Vaccine, qua các kênh, các hình thức, và như vậy, kết quả đạt được thời gian qua đạt được rất là tích cực. Cho đến nay nguồn cung cấp Vaccine cho Việt Nam được trên 8 triệu liều.

Phóng viên: Trong quá trình ngoại giao đàm phán có gặp những thuận lợi, khó khăn gì không, thưa đại biểu?

Đại biểu Quốc hội Bùi Thanh Sơn – Bộ trưởng Bộ Ngoại giao: Khi triển khai chiến dịch này cũng gặp 2 thách thức rất lớn. Một là nguồn cung Vaccine, trên thế giới hiện nay rất khan hiếm, như Tổ chức Y tế thế giới đã thông báo. Nếu như nhu cầu chính thức của thế giới từ nay đến cuối năm là 10 tỷ liều Vaccine thì hiện nay mới sản xuất được 4,5 tỷ liều. Nguồn cung khan hiếm lại không đều, tập trung ở các nước phát triển, nơi họ sản xuất được Vaccine. Nỗ lực phòng chống Covid-19 cũng được huy động ở cấp Quốc tế, cho nên tất cả đều thông qua nguồn Covax của Tổ chức Y tế thế giới cũng như ở các nước có nguồn sản xuất được Vaccine hoặc có Vacine dư thừa. Với tinh thần đó, chúng ta cũng phải tiếp cận cả về song phương, là những đối tác mà có nhiều nguồn Vaccine; Và thông qua cơ chế COVAX của Liên Hợp Quốc, nơi mà đang cung cấp Vaccine cho chúng ta.

Thứ hai là phải nói thực sự trong thời gian qua, công tác chống dịch của chúng ta đạt được kết quả rất tốt đẹp. Chính vì thế mà khi chúng tôi đi vận động “Ngoại giao Vaccine” cùng với các bộ ngành, đặc biệt là Quốc hôi, rồi Bộ Y tế, các nước lúc đầu cũng nghĩ rằng là Việt Nam đạt được kết quả tốt như thế cho nên chưa phải là nước ưu tiên để nhận Vaccine. Đó là hai thách thức kể cả trong và ngoài.

Phóng viên: Cho đến nay, chúng ta đã có thêm những kết quả nào trong chiến dịch Ngoại giao Vaccine, thưa đại biểu?

Đại biểu Quốc hội Bùi Thanh Sơn – Bộ trưởng Bộ Ngoại giao: Từ nay đến tháng 10, chúng ta đang tiếp cận tiếp thông qua COVAX, rồi tổ chức Y tế thế giới, các tổ chức LHQ như là Quỹ nhi đồng Liên hợp Quốc v.v…Đồng thời tiếp cận với các tổ chức song phương với các đối tác quan trọng của chúng ta.

Cách đây không lâu, tôi cũng đã điện đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Pháp và đề nghị Pháp với quan hệ đối tác chiến lược, quan hệ truyền thống giữa hai bên; đề nghị Pháp hỗ trợ Việt Nam trong lúc khó khăn này. Bộ trưởng Ngoại giao Pháp cũng phản hồi rất tích cực và nói rằng sẽ thông qua COVAX của Liên Hợp Quốc, đề nghị COVAX chuyển được sớm nhất, nhiều nhất Vaccine cho Việt Nam thông qua cơ chế này. Ngoài ra, các đoàn vào thăm Việt Nam gần đây khi lãnh đạo cấp cao của Việt Nam đề xuất, ví dụ như Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Anh khi Thủ tướng Chính phủ tiếp gần đây, cũng đề cập đến vấn đề này và nhận được phản hồi tích cực.

Tôi tin rằng chỉ trong một thời gian nữa, từ nay đến tháng 10 sẽ có nhiều Vaccine hơn về Việt Nam. Trước mắt, chúng tôi cũng nhận được lời khẳng định của COVAX là ngày  25/7/2021 sẽ chuyển 3 triệu liều Moderna cho Việt Nam. Đây là thỏa thuận về phía Mỹ. Còn Nhật Bản, ngoài cung cấp 2 triệu liều hỗ trợ Việt Nam, Bạn cũng hứa sẽ cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam.

Phóng viên: xin trân trọng cảm ơn đại biểu!

Thanh Nga