ĐBQH NGUYỄN THỊ QUYÊN THANH: CẦN HỖ TRỢ, ĐỘNG VIÊN KỊP THỜI LỰC LƯỢNG TUYẾN ĐẦU CHỐNG DỊCH

03/08/2021

Trước thực tế số ca nhiễm Covid-19 gia tăng mạnh, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long, đề nghị nghiên cứu bổ sung, sửa đổi Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, trong đó, quan tâm đến chế độ, chính sách cho lực lượng tuyến đầu.


Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long thảo luận tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV. 

Theo đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh, dịch bệnh Covid-19 bùng phát lần thứ tư đã xuất hiện nhiều chùm ca bệnh lây nhiễm trong cộng đồng tại nhiều địa phương với tính chất phức tạp hơn, tác động mạnh đến mọi mặt của đời sống.

Trước khó khăn và thách thức đó, cả hệ thống chính trị, toàn dân, toàn quân ta đoàn kết, đồng lòng, chung tay hành động với phương châm 4 tại chỗ, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch ở mức cao nhất. Tuy nhiên, số ca nhiễm gia tăng mạnh đã tạo áp lực lớn lên công tác điều trị của hệ thống y tế, một số nơi có dấu hiệu quá tải về nhân lực và thiết bị y tế, cần sự hỗ trợ đặc biệt của Bộ Y tế và các địa phương khác.

Từ thực tiễn đó, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh đề nghị Chính phủ quan tâm nghiên cứu bổ sung, sửa đổi Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Trong đó, quan tâm đến chế độ, chính sách cho lực lượng tuyến đầu, đặc biệt là đội ngũ y, bác sĩ, nhằm hỗ trợ, động viên kịp thời.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh, ngoài việc thực thi nhiệm vụ được phân công, những gì lực lượng này đã làm trong thời gian qua tiêu biểu cho hình ảnh người công dân trong giai đoạn hội nhập và phát triển của đất nước. Là những người có ý thức và trách nhiệm cao với đồng bào và cộng đồng, họ đã bất chấp rủi ro, nguy hiểm đối với bản thân, gia đình và người thân để tham gia vào cuộc chiến chống dịch Covid-19 bằng tinh thần, trách nhiệm, thời gian, sức lực và đạo đức nghề nghiệp cao quý.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh cũng bày tỏ thống nhất cao với đề xuất của Chính phủ trình Quốc hội cho cơ chế đặc biệt, đặc cách trong mua sắm thuốc, vaccine, trang thiết bị y tế, hóa chất, đầu tư cơ sở vật chất, trang bị đầy đủ hệ thống xét nghiệm Realtime PCR, đăng ký lưu hành, thử nghiệm lâm sàng thuốc, phát triển sản xuất vaccine Covid-19 trong nước, nội địa hóa trang thiết bị y tế, thuốc để bảo đảm tự chủ, tự lực, tự cường trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Qua thực tiễn phòng, chống dịch cho thấy hệ thống y tế cấp huyện còn thiếu nhiều trang thiết bị cần thiết, như hệ thống ôxy trung tâm, máy thở, xét nghiệm… Theo đại biểu, nếu được đầu tư thì hiệu quả trong phối hợp, phân tầng điều trị sẽ tốt hơn. Tiếp tục đầu tư hệ thống y tế dự phòng, đặc biệt là các trung tâm kiểm soát bệnh tật để củng cố, nâng cao năng lực, nhằm phát hiện sớm, can thiệp kịp thời, có hiệu quả các dịch bệnh nguy hiểm, dịch bệnh mới nổi, giảm tỷ lệ mắc, tử vong và tàn tật.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh cho biết, hiện tại dịch bệnh đang diễn biến vô cùng phức tạp; toàn hệ thống y tế, trong đó có hệ thống dự phòng đang chiến đấu hết mình từng phút, từng giây, nhưng phụ cấp, chế độ lại ít, thủ tục thanh quyết toán phức tạp, chế độ đãi ngộ có sự khác biệt giữa hệ dự phòng và điều trị. Nghị quyết 16 và Nghị quyết 73 giới hạn số lượng cán bộ điều tra, trong khi số ca mắc rất nhiều, nhân lực lại ít, lực lượng dự phòng không có hỗ trợ, cắt giảm và cắt chế độ làm việc thêm ban đêm do quy định hệ dự phòng không có trực đêm ở tuyến tỉnh.

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh đề nghị Chính phủ quan tâm đầu tư hệ thống y tế cơ sở. Theo nữ đại biểu Đoàn Vĩnh Long, mặc dù được Quốc hội, Chính phủ địa phương và các nhà tài trợ quốc tế quan tâm, dành nhiều nguồn lực đầu tư, song vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập chưa được giải quyết, trong đó khó khăn lớn nhất là cơ chế, chính sách và phát triển nguồn nhân lực chưa thật sự tạo điều kiện phát huy khả năng và tiềm năng, do đó người dân lại sẽ tiếp tục vượt tuyến. Các bệnh viện tuyến trên tiếp tục quá tải, sự hài lòng khó được cải thiện.

Do đó, đại biểu cho rằng cần đầu tư đồng bộ trang thiết bị y tế chuyên sâu để thực hiện các kỹ thuật y tế tiên tiến, đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ y tế chất lượng cao của người bệnh. Phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh, tăng cường đào tạo, đào tạo lại, luân phiên cán bộ y tế, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới. Song song đó, đề nghị quan tâm đến lực lượng y tế học đường trong phòng, chống dịch Covid-19 trong các trường học trong thời gian tới.

Ngoài ra, Chính phủ cũng cần sớm sơ kết, đánh giá việc xét xử các trường hợp vi phạm liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 để đưa ra chế tài xử lý mạnh hơn, kịp thời hơn, nhằm răn đe và nâng cao nhận thức của cộng đồng; xử lý nghiêm các trường hợp thông tin sai lệch, gây hoang mang trong xã hội. Bởi lẽ, trong cuộc phòng, chống dịch Covid-19, nhận thức của mỗi cá nhân là chìa khóa quan trọng để ngăn chặn và kiểm soát tốt dịch bệnh.

Bên cạnh những chính sách đã ban hành, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh đề nghị Chính phủ cần bổ sung thêm các giải pháp mới, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trụ vững, vượt qua các tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, góp phần tăng trưởng kinh tế. Sớm đề xuất, nghiên cứu, ban hành chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trong nước, đặc biệt, quan tâm cụ thể đến những vấn đề thiết thực đối với hoạt động của doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay, như các khoản thuế, chậm nộp hợp lý các khoản theo trách nhiệm, nghĩa vụ của doanh nghiệp, chi phí các thủ tục hành chính quy định, quy trình thực hiện hỗ trợ theo hướng đơn giản, dễ thực hiện, có cách thức hỗ trợ phù hợp đối với các doanh nghiệp ở từng ngành, từng lĩnh vực và trong từng giai đoạn; thực hiện hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp duy trì được tỷ lệ người lao động cao, chi phí đào tạo lao động trên cơ sở đánh giá một cách toàn diện những thiệt hại và dự báo nguy cơ dịch bệnh sẽ kéo dài trong thời gian tới, do vậy cần có những chính sách hỗ trợ mang tính dài hạn hơn.

Song song đó, Chính phủ cần quan tâm đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm quốc gia, các công trình ngăn mặn, giữ ngọt phục vụ sản xuất ở đồng bằng sông Cửu Long, bố trí nguồn vốn giai đoạn 2021-2026, thực hiện các dự án còn dang dở, như Quốc lộ 57, Quốc lộ 54, Quốc lộ 53 hiện nay chỉ được duy trì sửa chữa nhưng đã xuống cấp rất trầm trọng. Đây là những công trình trọng điểm mang tính kết nối vùng, tạo động lực quan trọng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững khi Đồng bằng sông Cửu Long chịu ảnh hưởng nặng nề từ biến đổi khí hậu và dịch bệnh.

Cuối cùng, đại biểu kiến nghị cần đổi mới mạnh mẽ cơ chế tài chính, tập trung nguồn lực nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ trong phòng, chống dịch bệnh, trong đó có Covid-19 và đẩy nhanh tiến độ mua, tổ chức tiêm vaccine cho nhân dân sớm đạt miễn dịch cộng đồng.

Vũ Hà