ĐBQH TRẦN HOÀNG NGÂN: ĐÁNH GIÁ CAO CHƯƠNG TRÌNH GIÁM SÁT TRÌNH QUỐC HỘI CỦA UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

06/08/2021

Bày tỏ sự nhất trí cao với Tờ trình về chương trình giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tại nghị trường Kỳ họp thứ nhất, ĐBQH Trần Hoàng Ngân, Đoàn ĐBQH Tp.HCM, cho ràng cần quan tâm hơn nữa các bước tiền giám sát và hậu giám sát nhằm đạt hiệu quả cao trong giám sát

 

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân 

Phát biểu tại nghị trường, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho biết, về chương trình giám sát Quốc hội vào năm 2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá rất sát những bài học rút ra từ quá trình thực hiện các đoàn giám sát vừa qua. Đại biểu cho rằng cần bổ sung một số điểm, kinh nghiệm được rút ra từ những bài học trước. Cụ thể:

Thứ nhất, hiện nay dịch COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, cho nên nó có khả năng gây khó khăn cho các đoàn giám sát trong thời gian tới. Do đó, đề nghị khi thực hiện, các đoàn giám sát phải có những kịch bản cho việc giãn cách, cho việc đi lại. Vì vậy, bố trí nhân sự tham gia các đoàn giám sát cũng như là lãnh đạo các đoàn giám sát đó phải có từ các địa phương, tức là danh sách phải là danh sách mở, là khi có dịch ở tại khu vực đó thì có thể phân công một đồng chí ở tại khu vực đó làm đại diện cho đoàn để thực hiện giám sát ở tại khu vực. Danh sách đoàn phải là danh sách mở.

Thứ hai, về tài liệu giám sát. Thời gian vừa qua, các báo cáo của các đơn vị gửi về khi tham gia đoàn giám sát nhận thấy chưa được đảm bảo về mặt chất lượng. Do đó, yêu cầu khâu "tiền giám sát" là phải có đầy đủ số liệu báo cáo, phải hết sức đầy đủ và gửi về sớm cho các thành viên tham gia trong đoàn giám sát. Báo cáo có thể mở rộng thêm các cơ quan chuyên môn, các chuyên gia chuyên môn về lĩnh vực đó thẩm định, tư vấn thêm cho đoàn giám sát, để khi thực địa địa điểm giám sát đã có đầy đủ cơ sở thực tiễn, có đầy đủ cơ sở khoa học thì hoạt động giám sát mới hiệu quả cao.

Thứ ba, về vấn đề hậu giám sát. Sau khi giám sát xong nhận thấy các báo cáo hậu giám sát không nhiều, thậm chí có những nội dung địa phương đó thực hiện theo yêu cầu của Đoàn giám sát như thế nào không được báo cáo về cho đoàn giám sát. Đó chính là khâu hậu kiểm của giám sát mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ ra. Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội đã đề cập và đề cập rất đúng, rất trúng, cho nên phải rút kinh nghiệm trong quá trình triển khai.

Thứ tư là chúng ta cần sớm xây dựng cơ chế, quy trình cho các đại biểu Quốc hội hoặc tổ đại biểu Quốc hội muốn thực hiện việc giám sát của mình. Tham gia đại biểu Quốc hội khóa XIII, XIV và bây giờ là khóa XV, nhận thấy việc thực hiện quyền giám sát của người đại biểu Quốc hội, khi thực hiện quy trình đó chúng ta còn rất lúng túng. Do đó, rất mong có một cơ chế, có hướng dẫn cụ thể đối với những vẫn đề “nóng” mà cử tri quan tâm để kịp thời báo cáo.

Vũ Hà