ĐBQH LÊ THANH HOÀN: CẦN CỤ THỂ HƠN PHẠM VI GIÁM SÁT

06/08/2021

Thảo luận về chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022, đại biểu Lê Thanh Hoàn – Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hoá, bày tỏ nhất trí cao với Nghị quyết giám sát chuyên đề của Quốc hội nhưng đề nghị cần cụ thể hơn phạm vi giám sát.

 

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Hoàn 

Phát biểu tại phiên thảo luận Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XV, về Chương trình giám sát năm 2022 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội, đại biểu Lê Thanh Hoàn bày tỏ sự tán thành với Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Qua báo cáo cho thấy một Quốc hội chủ động, một Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội linh hoạt trong điều hành, kịp thời, đổi mới những cách thức tiến hành giám sát, nhờ đó công tác giám sát vừa qua đã đạt những kết quả nhất định, được cử tri, nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, bất cập trong hoạt động giám sát của Quốc hội để tiếp tục nghiên cứu, khắc phục và đổi mới.

Đối với giám sát chuyên đề, đại biểu Lê Thanh Hoàn việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021. Qua thuyết minh, tại Phụ lục 3 cho thấy có nhiều vấn đề được nêu ra, như: quản lý sử dụng ngân sách nhà nước, mua sắm tài sản công; quản lý, sử dụng vốn tài sản nhà nước tại một số doanh nghiệp; quy hoạch triển khai các dự án đầu tư; quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên đất đai cho đến cả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong hoạt động sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân. Đại biểu cho rằng, chỉ riêng nội dung quản lý khai thác, sử dụng đất đai, tài nguyên đã là quá rộng. Bởi, theo Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thì nội dung này đã gồm cả quản lý, sử dụng đất, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, khai thác, sử dụng khoáng sản, tài nguyên rừng, năng lượng tái tạo v.v. Trong khi đó, tại tờ trình cũng nêu ra các lý do chưa thực hiện giám sát trong lĩnh vực đất đai, khoáng sản, môi trường, bảo vệ và phát triển rừng. Do đó, đề nghị trong Nghị quyết giám sát chuyên đề của Quốc hội cần cụ thể hơn phạm vi giám sát nên tập trung vào một số vấn đề, lĩnh vực nhất định để tránh dàn trải, giám sát chuyên sâu, đảm bảo đạt chất lượng, hiệu quả.

Theo đại biểu, trước mắt cần tập trung giám sát về vấn đề được cử tri và dư luận đặc biệt quan tâm như quản lý, mua sắm tài sản công; quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại một số đơn vị sự nghiệp công lập hoặc việc quy hoạch, triển khai thực hiện các dự án đầu tư công. Với quản lý, sử dụng vốn, tài sản doanh nghiệp Nhà nước thì đã được Quốc hội giám sát năm 2018.

Đối với chuyên đề về thực hiện chính sách pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch được ban hành. Theo đại biểu, Luật Quy hoạch được Quốc hội thông qua năm 2017 và hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019. Với các quy hoạch về lập, thẩm định các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh thì có hiệu lực từ tháng 3/2018. Đây là một đạo luật quan trọng, là bước đột phá trong công tác quy hoạch và giải pháp quan trọng để phân bổ các nguồn lực một cách hiệu quả, cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, thực tế cho thấy sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Luật Quy hoạch thì tiến độ triển khai lập quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030 rất chậm so với yêu cầu đặt ra. Theo báo cáo thì các quy hoạch đến giai đoạn đến năm 2020 được cấp có thẩm quyền phê duyệt đã hết hiệu lực vào năm 2020, trong khi các quy hoạch mới thì chưa được phê duyệt, gây khó khăn khi thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về quy hoạch, cũng như việc triển khai các kế hoạch phát triển.

Việc chậm triển khai Luật Quy hoạch trên thực tế là điều đã thấy rõ, tuy nhiên việc đưa nội dung này vào giám sát chuyên đề năm 2022 đã thực sự hợp lý hay chưa cũng cần được Quốc hội thảo luận và đánh giá kỹ lưỡng hơn, bởi các lý do sau.

Thứ nhất, ngay khi ban hành Luật Quy hoạch thì đã có rất nhiều luật liên quan đến Luật Quy hoạch đã phải sửa đổi, bổ sung. Năm 2018, Quốc hội đã thông qua 2 dự án luật sửa đổi, bổ sung 48 luật có liên quan đến Luật Quy hoạch để đảm bảo tính đồng bộ với Luật Quy hoạch. Năm 2019 thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 751 giải thích một số điều của Luật Quy hoạch trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, qua đó cho thấy sự phức tạp, khó khăn trong việc triển khai thực hiện.

Mặt khác, đến tháng 10/2020 Chính phủ ban hành Nghị quyết 143 phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050. Như vậy, quỹ thời gian để các cơ quan triển khai sau khi Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch không nhiều. Cùng với việc tổ chức Đại hội Đảng các cấp và đặc biệt là từ đầu năm 2020 đến nay các cơ quan trung ương cũng như các bộ ngành, địa phương vừa phải tập trung đối phó với dịch bệnh Covid-19, vừa phải tập trung triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, điều này cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc triển khai thực hiện công tác quy hoạch.

Trong phụ lục 1 với 127 đề xuất thuộc 10 nhóm giám sát thì chủ yếu là giám sát về quản lý quy hoạch sử dụng đất đai, quy hoạch sử dụng thủy điện, năng lượng tái tạo. Theo đại biểu, vào thời điểm này nếu Quốc hội chọn chuyên đề giám sát này thì song song với đó đề nghị Quốc hội yêu cầu Chính phủ tập trung quyết liệt chỉ đạo triển khai Luật Quy hoạch và báo cáo với Quốc hội tại kỳ họp thứ hai tới đây. Đồng thời, Chính phủ cũng cần cam kết về thời điểm trình Quốc hội các quy hoạch cấp quốc gia. Vì vậy, đại biểu đề nghị nên chọn chuyên đề 1 và chuyên đề 3 liên quan đến việc thực hiện chính sách pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, vì đây là những nội dung cần thiết trên thực tế bao gồm rất nhiều lĩnh vực khác nhau.

Vũ Hà