Đại biểu Phan Đức Hiếu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình thảo luận tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.
Nhận xét về các báo cáo của Chính phủ và dự thảo Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội của Quốc hội, đại biểu Phan Đức Hiếu thống nhất với tính khách quan, thẳng thắn, toàn diện và khoa học của các báo cáo, trong đó, các báo cáo đã đưa ra những chỉ tiêu đạt được, chưa đạt được, 8 nhóm giải pháp cho kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021, 12 nhóm giải pháp cho giai đoạn 5 năm.
Tuy nhiên, đại biểu cũng cho rằng, các báo cáo nên nhấn mạnh đến đóng góp của lực lượng doanh nghiệp và người dân trong quá trình phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Theo đại biểu, đây là những đóng góp rất thiết thực cho việc thực hiện mục tiêu kép vừa qua.
Liên quan đến giải pháp thực hiện mục tiêu kép, đại biểu Phan Đức Hiếu đề nghị bổ sung nội dung tăng cường phối hợp, hợp tác giữa các cơ quan, địa phương trong triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, áp dụng nguyên tắc “công nhận lẫn nhau” và công khai thông tin về các biện pháp phòng dịch, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin.
Theo đại biểu Phan Đức Hiếu, hiện nay, do bối cảnh dịch bệnh ở các địa phương khác nhau nên các biện pháp phòng, chống dịch rất khác nhau. Trong hoàn cảnh nào đó, đây là các biện pháp cần thiết; nhưng sự khác biệt giữa các biện pháp phòng, chống dịch lại dẫn đến ùn tắc về việc lưu thông hàng hóa và con người. Việc phối hợp giữa các địa phương trong trường hợp này sẽ giảm tối đa những điều kiện, biện pháp khác biệt không cần thiết.
Về đề xuất công khai thông tin về các biện pháp phòng dịch, đại biểu Phan Đức Hiếu nêu dẫn chứng về phần mềm đăng ký tiêm vaccine phòng Covid-19, đồng thời cho rằng, nếu có thể ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, công khai các thông tin về các biện pháp phòng, chống dịch, các chính sách hỗ trợ, thậm chí cho người dân góp ý, phản biện trực tiếp thông qua phần mềm sẽ làm tăng niềm tin của người dân, tăng thông tin chính thống, thậm chí còn giảm bớt được những thông tin xuyên tạc, sai sự thật.
Về các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, ngoài những biện pháp hỗ trợ trực tiếp về mặt tài chính, đại biểu Phan Đức Hiếu đề nghị bổ sung nội dung xây dựng các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp trong việc nâng cao năng lực quản trị, chuyển đổi, tái cơ cấu lại doanh nghiệp.
Đại biểu nhấn mạnh, các biện pháp hỗ trợ tài chính cần thiết nhưng về mặt dài hạn, nếu không có chương trình hỗ trợ cho các doanh nghiệp nâng cao năng lực, kể cả khi nhận được hỗ trợ về mặt tín dụng, doanh nghiệp không có khả năng "hấp thụ" cũng không thể phát huy đầy đủ tác dụng.
Liên quan đến dự thảo Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm của Quốc hội, đại biểu Phan Đức Hiếu đề nghị, cần bổ sung thêm nội dung rà soát, nhanh chóng bãi bỏ các quy định cản trở đổi mới sáng tạo, hoàn thiện các quy định nhằm tạo thuận lợi cho việc gia nhập, rút lui khỏi thị trường, cơ cấu lại doanh nghiệp, thúc đẩy cạnh tranh, thúc đẩy mô hình kinh doanh xã hội hướng tới một nền kinh tế năng động, hiệu quả và bền vững."
Theo đại biểu, bối cảnh hiện nay là cơ hội lớn để tái cơ cấu nền kinh tế, hướng đến một nền kinh tế năng động, hiệu quả và bền vững hơn. Như vậy, việc cải cách thể chế là cần thiết, tạo nền tảng cho việc đổi mới căn cơ và cơ bản nền kinh tế.