ĐBQH HÀ SỸ ĐỒNG ĐỀ NGHỊ DÙNG 1 LUẬT ĐỂ SỬA CÁC QUY ĐỊNH GÂY KHÓ KHĂN CHO HỒI PHỤC KINH TẾ

08/08/2021

Bày tỏ quan điểm tại nghị trường kỳ họp thứ nhất, đại biểu Hà Sỹ Đồng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị, cho rằng với bối cảnh đặc biệt hiện nay, ngay từ kỳ họp thứ hai, Quốc hội có thể dùng 1 luật để sửa các quy định đang gây khó khăn cho công cuộc phục hồi kinh tế sau đại dịch.


Đại biểu Hà Sỹ Đồng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị thảo luận tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.

Phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội về kinh tế - xã hội, đại biểu Hà Sỹ Đồng chia sẻ, ông đã có ba nhiệm tham gia Quốc hội, nhưng chưa có nhiệm kỳ nào mà ngay ở kỳ họp thứ nhất đã tiếp cận những báo cáo, kế hoạch chứa đựng nhiều khó khăn và thách thức đến vậy.

Theo đại biểu Hà Sỹ Đồng, Quốc hội họp khi dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, nhưng trước đó ảnh hưởng của dịch bệnh đã bào mòn sức khỏe của doanh nghiệp và cuộc sống của nhân dân.

Đại biểu viện dẫn tình hình tại địa phương, dù tình hình dịch bệnh không quá phức tạp, song 6 tháng đầu năm, số doanh nghiệp thành lập mới, tổng vốn đăng ký và số vốn đăng ký bình quân của doanh nghiệp đều giảm, và số doanh nghiệp ngừng hoạt động lại tăng. Đó có lẽ cũng là bức tranh chung của nhiều tỉnh thành khác.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng đánh giá, tăng trưởng quý III khả năng sẽ tiếp tục thấp hơn so với kế hoạch, do chịu tác động tiêu cực từ đợt dịch bệnh mới này khiến triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2021 trở nên kém lạc quan. Động lực chính cho tăng trưởng kinh tế năm 2021 đến từ nguồn lực đầu tư công, dòng vốn đầu tư nước ngoài và hoạt động xuất nhập khẩu đều đang và sẽ bị ảnh hưởng đáng kể.

Theo đại biểu Hà Sỹ Đồng, dịch bệnh đợt 4 đang diễn biến rất phức tạp, có thể ngăn cản nền kinh tế đạt mục tiêu tăng trưởng trên 6% trong năm nay. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân cả năm có thể chỉ tăng từ 2-2,5%, cách xa mục tiêu Quốc hội đặt ra. Rủi ro cho dự báo lạm phát này chủ yếu nằm ở yếu tố chi phí đẩy đang rất khó lường, trong khi đó, dư địa của chính sách tài khóa để thực hiện các chương trình hỗ trợ đang hạn hẹp dần.  

Dù ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm vẫn tạm kết dư 81.000 tỷ đồng, nhưng chủ yếu chi cho đầu tư phát triển, giải ngân lại quá chậm, thu ngân sách nhà nước nhiều khả năng sẽ gặp khó khăn trong các tháng tiếp theo. Đặc biệt, ở một số địa phương trọng điểm, kinh tế tập trung ở các khu công nghiệp lớn cùng với việc triển khai gia hạn một số khoản thuế tiền thuê đất theo Nghị định 52 và các biện pháp tài khóa ứng phó với dịch Covid-19 khác như Nghị định 44, Nghị định 68 của Chính phủ.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng phân tích, khó khăn, thách thức đang bủa vây, dư địa của hai chính sách kinh tế vĩ mô quan trọng là chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ không còn nhiều, trong khi chính sách cơ cấu chắc chắn sẽ gặp nhiều trở ngại để triển khai theo tiến độ dự tính.

Với chính sách tài khóa, hoạt động giải ngân vốn đầu tư công đang vấp phải 2 khó khăn lớn là dịch bùng phát, phát triển tiến độ thi công nhiều dự án, bao gồm các dự án gắn với yếu tố nước ngoài bị đình trệ, không có khối lượng nghiệm thu để làm thủ tục thanh toán, giá cả nguyên vật liệu tăng cao đột biến so với thời điểm đấu thầu, ảnh hưởng đến huy động nguồn lực và tiến độ thi công của các nhà thầu và nghiệm thu thanh toán.

Trong khi đó, ngân quỹ nhà nước bị ứ đọng, không thể đưa vào nền kinh tế, thể hiện số dư tiền gửi kho bạc tại hệ thống ngân hàng còn tồn cao, tương đương 26 tỷ USD. Kho bạc nhà nước vẫn trong tình trạng đạt tỷ lệ hoàn thành huy động vốn cho ngân sách năm 2021 ở mức thấp, dù điều kiện thị trường trong nước lẫn quốc tế đang còn thuận lợi.

Về chính sách tiền tệ, đại biểu Hà Sỹ Đồng cho rằng, việc dòng vốn đang bị phân tán mạnh vào những kênh thu hút vốn khác ngoài ngân hàng là chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, các sản phẩm liên kết, bảo hiểm, đầu tư, quỹ hưu trí của các công ty chứng khoán, công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư đang gây ra những méo mó, sai lệch, mất cân bằng tài chính, đã có những cảnh báo từ các cơ quan nhà nước phụ trách. Tuy nhiên, vai trò, trách nhiệm của Ngân hàng nhà nước trong việc hóa giải rủi ro thị trường tài chính, tiền tệ là rất lớn. Áp lực nợ xấu ngân hàng đang gia tăng.

Tuy nhiên, đại biểu Hà Sỹ Đồng cho rằng vẫn còn tín hiệu lạc quan khi mà Chính phủ vừa trình Quốc hội các biện pháp đặc biệt để chống dịch Covid-19. Cùng với đó là những kế hoạch dài hơi về tài chính công, nợ công, đầu tư công với những cân đối hướng tới mục tiêu tổng quát của cả 5 năm tại kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm đến GDP bình quân vẫn được xác định khoảng 6,5-7% và tăng trưởng năm nay vẫn đang phấn đấu ở mức trên 6%.

Để đạt được mức tăng trưởng như vậy, theo đại biểu, một trong những giải pháp quan trọng là thường xuyên rà soát, kịp thời có biện pháp hiệu quả tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thể chế để huy động mọi nguồn lực phục vụ phát triển đất nước. Theo đại biểu, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế vẫn là công việc vô cùng quan trọng của Quốc hội.

Trước kỳ họp này, các địa phương đã tiến hành rà soát tình hình triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong đầu tư, kinh doanh trên địa bàn các địa phương theo yêu cầu của Văn phòng Chính phủ. Đại biểu Hà Sỹ Đồng cho rằng, với bối cảnh đặc biệt hiện nay, ngay từ kỳ họp thứ hai Quốc hội có thể dùng một luật để sửa các quy định đang gây khó khăn cho công cuộc phục hồi kinh tế sau đại dịch, và việc đó cần được chuẩn bị ngay từ bây giờ, với sự vào cuộc của tất cả đại biểu Quốc hội chứ không chỉ riêng Chính phủ.

Vũ Hà