ĐBQH BÙI SỸ HOÀN: CẦN TẬP TRUNG CÁC NGUỒN TIỀN ĐỂ MUA VÀ SẢN XUẤT VACCINE TRONG NƯỚC

09/08/2021

Bàn về các giải pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đại biểu Bùi Sỹ Hoàn - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần tính toán để tiết kiệm tối đa các khoản chi thường xuyên chưa cần thiết, tạm dừng các dự án đầu tư công chưa thiết thực nhằm tập trung các nguồn tiền phục vụ cho cuộc chiến phòng, chống dịch.


Đại biểu Bùi Sỹ Hoàn - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV. 

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Bùi Sỹ Hoàn cho rằng, trước yêu cầu bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, việc đầu tư mua sắm sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế kịp thời, hiệu quả là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách hiện nay.

Tuy nhiên theo đại biểu, việc này đang có những vướng mắc về mặt pháp lý, đồng thời xuất hiện tâm lý sợ trách nhiệm, trông chờ, dựa vào cấp trên của một bộ phận cán bộ chủ trì ở những cấp có quyết định đầu tư mua sắm trực tiếp.

Mặc dù Chính phủ đã ra nghị quyết, chỉ thị liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19, nhưng theo đại biểu Bùi Sỹ Hoàn, dưới góc độ quản lý nhà nước, các quy định chỉ đạo của Chính phủ vẫn chưa đủ mạnh, quy trình, thủ tục vẫn còn những độ trễ lớn.

Trong bối cảnh đó, Quốc hội đã thể hiện sự đồng hành với Chính phủ bằng Nghị quyết về công tác phòng, chống dịch. Hoàn toàn nhất trí với việc này, tuy nhiên, đại biểu Bùi Sỹ Hoàn đề nghị không đưa nội dung phòng, chống dịch Covid-19 vào nghị quyết chung của kỳ họp mà nên có nghị quyết chuyên đề riêng về phòng, chống dịch Covid trong tình hình hiện nay, nhằm tạo thuận lợi cho việc viện dẫn, áp dụng.

Đại biểu phân tích, nhiều vấn đề liên quan đến luật chưa thể sửa đổi, bổ sung, trong khi độ trễ của việc thực hiện các quy định của pháp luật thường kéo dài, do vậy việc ra một nghị quyết chuyên đề của Quốc hội là cần thiết, khách quan, tạo sự chủ động, linh hoạt cho Chính phủ trong điều hành, tập trung xử lý các tình huống khẩn cấp trong phòng, chống dịch. Hơn nữa, đây là nghị quyết mang tính lịch sử của Quốc hội, ban hành trong thời điểm lịch sử và cho một giai đoạn lịch sử. Với sứ mệnh lịch sử như vậy, nghị quyết xứng đáng có tên gọi riêng.

Cũng theo đại biểu Bùi Sỹ Hoàn, trong tình hình dịch bệnh diễn biến rất phức tạp, khó lường, mặc dù nước ta kiên định thực hiện mục tiêu kép, tuy nhiên tình hình sản xuất, kinh doanh còn nhiều khó khăn. Ông quan ngại, nguồn thu ngân sách không vững chắc, có thể suy giảm không chỉ năm nay mà còn cả những năm sau. Do vậy, tiết kiệm chi ngân sách là việc làm rất cần thiết.

Đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần tính toán để tiết kiệm tối đa các khoản chi thường xuyên chưa cần thiết, giảm thiểu các hội họp, hội thảo, đi công tác đông người, tạm dừng các dự án đầu tư công chưa thiết thực, không trọng điểm, tập trung các nguồn tiền để phục vụ cho cuộc chiến phòng, chống dịch.

Cụ thể, tập trung tiền để mua vaccine cũng như sản xuất vaccine trong nước. Bố trí đủ kinh phí mua sắm trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế cho hệ thống phòng, chống dịch bệnh toàn quốc, bao gồm các bệnh viện, các Trung tâm y tế từ Trung ương đến các xã, phường, đến các cơ sở quân y và y tế công an các cấp, tạo thành thế trận phòng, chống dịch Covid toàn diện, phủ kín cả nước. Đây cũng chính là điều kiện vật chất để thực hiện phương châm 4 tại chỗ và thực hiện phương án 4 tầng, 5 tầng phòng dịch mà một số địa phương đang nghiên cứu áp dụng, cũng là một bài học mạng lưới y tế trong chiến tranh đã rất thành công ở Việt Nam.

Về việc đảm bảo sản xuất và lưu thông lương thực, thực phẩm, nông sản thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân, đại biểu Bùi Sỹ Hoàn đề nghị cần kết hợp những chuỗi sản xuất và lưu thông sản phẩm nông nghiệp đến các đô thị và các vùng dịch, bảo đảm việc vận chuyển nông sản, thực phẩm nhanh nhất, ngắn nhất, hiệu quả nhất.

Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Bộ Công Thương, Bộ Tài chính xem xét báo cáo của Chính phủ về việc xuất khẩu gạo phải đảm bảo an ninh lương thực trong tình huống xấu nhất.

Đại biểu Bùi Sỹ Hoàn đề nghị giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các tỉnh có rừng điều tra, đánh giá thực hiện Dự án 661 trồng mới 5 triệu ha rừng sau 10 năm kết thúc dự án. Đề nghị tiếp tục xây dựng chương trình trồng rừng tương tự như Chương trình 327 và Dự án 661 trước đây để trình Quốc hội ngay trong nửa đầu nhiệm kỳ này.

Đồng thời, đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ trên tinh thần làm việc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với Thủ tướng Israel gần đây, cần có chương trình làm việc với Chính phủ Israel việc nhận chuyển giao công nghệ tưới giọt đại trà quy mô công nghiệp cho các tỉnh Tây Nguyên như là một giải pháp tiết kiệm nguồn nước.

Vũ Hà