ĐBQH TRẦN VĂN TIẾN: CHÍNH PHỦ ĐÃ RẤT NỖ LỰC, QUYẾT LIỆT ĐỂ THỰC HIỆN MỤC TIÊU KÉP

09/08/2021

Phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu Trần Văn Tiến – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc, cho rằng Chính phủ đã hết sức nỗ lực, quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ “mục tiêu kép”, đạt được những kết quả tích cực, củng cố niềm tin của nhân dân.


Theo đó, Chính phủ đã thực hiện nhiều chính sách, gói hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch bệnh gây nên. Kinh tế tiếp tục phát triển, tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước, là động lực cho tăng trưởng những quý tiếp theo. 6 tháng đầu năm tăng trưởng GDP đạt 5,6 và 6,4%, được đánh giá là nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực. Trong tăng trưởng chung của nền kinh tế, công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là động lực để dẫn dắt tăng trưởng. Khu vực nông, lâm, thủy sản tiếp tục tăng trưởng cao và là bệ đỡ cho nền kinh tế, góp phần ổn định đời sống, an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Đại biểu Trần Văn Tiến - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc thảo luận tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV. 

Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực theo đúng hướng. Tăng tỷ trọng công nghiệp dịch vụ và giảm tỷ trọng nông, lâm, thủy sản. Kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, các cân đối lớn được đảm bảo, lạm phát được kiểm soát và chỉ số giá tiêu dùng tăng 1,47% so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động tăng cao. Bình quân mỗi tháng có 15,5 nghìn doanh nghiệp, cao hơn so với bình quân cùng kỳ khoảng 1.000 doanh nghiệp/tháng. Điều này đã khẳng định niềm tin của nhân dân vào doanh nghiệp, vào chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong thời gian qua.

Vốn đầu tư phát triển tiếp tục tăng, cơ cấu đầu tư, tiếp tục chuyển dịch, đầu tư khu vực Nhà nước tiếp tục giảm, đầu tư khu vực ngoài nhà nước tiếp tục tăng. Qua đó cho thấy hiệu quả của các chính sách và gói hỗ trợ của Nhà nước đối với cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Thu ngân sách đạt cao, hầu hết các khoản thu đều tăng trưởng cao và đạt trên 50% dự toán, đã góp phần vào ổn định các cân đối lớn của nền kinh tế. Thu nhập bình quân của người lao động có việc làm tăng cao hơn cùng kỳ, các chính sách, gói hỗ trợ được triển khai tương đối kịp thời, phần nào tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.

Tuy nhiên, đại biểu Trần Văn Tiến cũng nhận định, nền kinh tế nước ta vẫn còn nhiều hạn chế như: tổng vốn đầu tư phát triển tăng cao nhưng chỉ đạt 29,22% GDP, cùng thời kỳ là đạt 33% GDP. Phân bổ vốn kế hoạch đầu tư công đến nay chưa hết. Chi đầu tư phát triển đạt thấp, bằng 28,1% kế hoạch, thấp hơn cùng kỳ. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt 29,02% kế hoạch, cùng kỳ đạt 33,04%. Đặc biệt, phần giải ngân vốn ngoài Nhà nước đạt tỷ lệ rất thấp, 7,4% kế hoạch.

Việc cổ phần hóa, sắp xếp doanh nghiệp nhà nước đạt kết quả thấp 6 tháng. Đầu năm thoái vốn đưa được 12 doanh nghiệp, tình trạng nợ đọng thuế tiếp tục tăng cao, số doanh nghiệp rút khỏi thị trường trung bình mỗi tháng có khoảng 11,7 nghìn doanh nghiệp, cao hơn nhiều so với cùng kỳ. Đã có 622 doanh nghiệp có vốn trên 100 tỷ đồng rút khỏi thị trường. Bình quân mỗi tháng số doanh nghiệp tham gia hoạt động phát sinh tăng là 3.836 doanh nghiệp, thấp hơn so với 5.166 doanh nghiệp cùng kỳ.

Theo đại biểu Trần Văn Tiến, thực tiễn cho thấy năng lực và sức chống chọi của doanh nghiệp còn yếu ớt, thu hút FDI giảm, số dự án cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần giảm mạnh cho thấy môi trường đầu tư chưa thực sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Một số dự án quốc gia chậm tiến độ, 4 chương trình mục tiêu quốc gia chưa được giao kế hoạch và không có khả năng giải ngân. Tăng trưởng xuất nhập khẩu dựa nhiều vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, chiếm 74,1% cán cân thương mại, hàng hóa nhập siêu 1,47 tỷ USD, giải ngân các gói hỗ trợ đạt thấp. Gói hỗ trợ cho người sử dụng lao động vay đạt 0,26%, số người thiếu việc làm và số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động tăng cao so với cùng kỳ. Một bộ phận doanh nghiệp và người dân còn gặp nhiều khó khăn về việc làm và đời sống.

Đồng tình với các nhiệm vụ, giải pháp cho những tháng còn lại của năm 2021 được nêu trong báo cáo, tuy nhiên đại biểu Trần Văn Tiến đề nghị, Chính phủ cần tiếp tục quan tâm, ưu tiên và tập trung cho công tác phòng, chống dịch, đồng thời, huy động mọi nguồn lực để phòng ngừa và khống chế dịch lây lan, đảm bảo hiệu quả nhất.

Bên cạnh đó, cũng cần chủ động điều hành chính sách tiền tệ, tài chính linh hoạt, hợp lý, có trọng tâm nhằm hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi để sản xuất kinh doanh; tập trung nghiên cứu và ban hành cơ chế, chính sách không chỉ hỗ trợ cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh giảm bớt khó khăn mà còn phải phục hồi để sản xuất kinh doanh.

Đại biểu Trần Văn Tiến cho rằng Chính phủ cũng cần phải tập trung rà soát và khắc phục ngay những vướng mắc về thể chế nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Đồng thời, tạo môi trường thông thoáng để thu hút đầu tư, đặc biệt là thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Kết thúc nội dung phát biểu, đại biểu bày tỏ mong muốn Chính phủ đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư, giải ngân các gói hỗ trợ, đồng thời quản lý chặt chẽ việc thu, chi ngân sách nhà nước và mua sắm tài sản công bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Vũ Hà