ĐBQH MA THỊ THÚY: NHIỀU QUYẾT SÁCH CỦA CHÍNH PHỦ RẤT KỊP THỜI

10/08/2021

Tại phiên thảo luận của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu Ma Thị Thúy – Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang, đã nêu ý kiến về một số vấn đề như giải pháp phòng, chống dịch bệnh, chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo, phát triển kinh tế rừng…


Đại biểu Ma Thị Thúy - Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang thảo luận tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.

Trước hết, đại biểu Ma Thị Thúy bày tỏ tán thành với nhiều nội dung trong Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021 trình Quốc hội tại kỳ họp này. Đại biểu đánh giá, mặc dù dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, nhưng trong những tháng đầu năm 2021, với sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành kịp thời nhiều chính sách, biện pháp với mục tiêu hàng đầu là chăm lo, bảo vệ sức khỏe và tính mạng của nhân dân; duy trì ổn định các hoạt động sản xuất, kinh doanh, không đứt gãy chuỗi cung ứng, ổn định việc làm, hỗ trợ người dân, người lao động và các doanh nghiệp khó khăn; bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, được nhân dân và cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Những ngày gần đây, dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương trên cả nước. Chính phủ yêu cầu căn cứ tình hình diễn biến dịch bệnh trên địa bàn, các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội chủ động, sáng tạo, linh hoạt, áp dụng các biện pháp phù hợp và có thể áp dụng các biện pháp với yêu cầu cao hơn, chặt chẽ hơn quy định tại Chỉ thị 16.

Vừa qua, Chính phủ đã có Tờ trình số 262 về việc đề xuất một số biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đưa vào nghị quyết của kỳ họp Quốc hội. Đại biểu Ma Thị Thúy bày tỏ đồng tình và cho rằng, đó là giải pháp cần thiết hiện nay để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 có hiệu quả cao hơn, để sớm ngăn chặn, kiểm soát được dịch bệnh, đưa đất nước và cuộc sống của người dân trở về trạng thái bình thường mới.

Đề cập đến chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, đại biểu Ma Thị Thúy cho biết hiện nay, do chưa ban hành các văn bản quy định hướng dẫn cụ thể về định mức, đối tượng, phạm vi để triển khai thực hiện chương trình của các bộ, ngành Trung ương, do đó quá trình triển khai xây dựng đề án cả giai đoạn và kế hoạch năm 2021 ở địa phương gặp không ít khó khăn, vướng mắc.

Đại biểu Ma Văn Thuý đề nghị Chính phủ bố trí đầy đủ, kịp thời nguồn vốn để đảm bảo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo nguyên tắc đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, bền vững, dân chủ, công khai, minh bạch, tập trung cho các xã, thôn, bản khó khăn nhất và giải quyết các vấn đề bức xúc, cấp bách nhất cho các hộ nghèo, nhóm dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù.

Về lĩnh vực giáo dục và đào tạo, đại biểu Ma Thị Thúy đề nghị trong 5 năm tới, Chính phủ và ngành giáo dục cần kiên trì, kiên quyết triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI.

Đại biểu mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm ban hành Chiến lược phát triển giáo dục - đào tạo giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045 để tạo sự thống nhất trong triển khai các nhiệm vụ, kế hoạch giáo dục, đào tạo của toàn ngành và từng địa phương. Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo ngay trong năm 2021 cần quan tâm triển khai thật tốt lộ trình thay sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới.  

Về phát triển kinh tế rừng, đại biểu Ma Thị Thúy phản ánh, hiện nay còn có quy định không thống nhất trong Luật Lâm nghiệp và Luật Đất đai nên cơ sở rất khó triển khai thực hiện. Đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm sửa đổi, bổ sung hoặc hướng dẫn cụ thể về quy định cho thuê rừng phòng hộ, đặc dụng, đảm bảo thống nhất giữa Luật Lâm nghiệp và Luật Đất đai nhằm tạo thuận lợi cho người dân.

Ngoài ra, hiện nay một số chính sách tín dụng ưu đãi nhưng lãi suất vẫn cao so với lãi suất cho vay của ngân hàng thương mại như: chính sách tín dụng đối với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn và chính sách tín dụng đối với thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn… Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục xem xét giảm lãi suất cho vay đối với các chương trình tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội cho phù hợp.

Vũ Hà