Theo Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hoà, bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Phiên Khai mạc Kỳ họp thứ Nhất mang ý nghĩa định hướng cho cả nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV. Trong đó, đặc biệt yêu cầu cần phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò, vị trí của Quốc hội theo hướng quyết định các vấn đề quan trọng ngày càng chính xác, thực chất hơn, chú trọng hậu giám sát, có cơ chế ràng buộc trách nhiệm của cơ quan, tổ chức nhất là người đứng đầu trong tiếp thu, giải quyết kiến nghị sau giám sát.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV - Ảnh: Trí Dũng
Ngày càng chính xác, thực chất hơn
- Thưa ông, trong Phiên khai mạc Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có bài phát biểu quan trọng, đặt ra nhiều vấn đề trong tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Ông nhìn nhận như thế nào về những nội dung của bài phát biểu này?
- Kỳ họp thứ Nhất có ý nghĩa đặt nền móng cho cả nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV. Vì vậy, bài phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Phiên khai mạc mang ý nghĩa định hướng, chỉ ra những vấn đề mà Quốc hội, các đại biểu Quốc hội Khóa XV cần tập trung thực hiện tốt trong 5 năm tới.
Tôi cho rằng, từng đại biểu Quốc hội cần suy nghĩ, nghiền ngẫm ý kiến phát biểu chỉ đạo của Người đứng đầu Đảng ta, phải làm sao để xứng đáng với vai trò người đại biểu nhân dân. Thực hiện đúng lời hứa trong chương trình hành động khi tham gia ứng cử, nêu cao tinh thần trách nhiệm vì nước, vì dân, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân - điều được Tổng Bí thư đặc biệt nhấn mạnh trong bài phát biểu. Cùng với đó, đại biểu đã hứa với cử tri thì phải thực hiện cho bằng được, thường xuyên gần gũi, lắng nghe ý kiến của cử tri và Nhân dân.
- Trong bài phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư với Quốc hội, ông tâm đắc nội dung nào nhất?
- Bài phát biểu của Tổng Bí thư nêu yêu cầu về sự cần thiết phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò, vị trí của Quốc hội trong công tác lập pháp, giám sát, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Tôi đặc biệt tâm đắc nội dung Quốc hội phải nâng cao chất lượng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước theo hướng ngày càng chính xác, thực chất hơn. Muốn vậy, đại biểu Quốc hội phải tập trung quan tâm, nghiên cứu kỹ và sâu về các vấn đề kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, đối ngoại của đất nước, đặc biệt là chú trọng công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Trách nhiệm của Quốc hội là phải tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động của đất nước, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tạo cơ sở pháp lý để các cơ quan hành pháp, tư pháp triển khai, tổ chức thực hiện. Trước mắt, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phải thực hiện cho được Nghị quyết Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV, chủ động bám sát tình hình thực tế, tiếp tục tăng cường các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả hơn nữa để vừa kiểm soát tốt dịch Covid-19, vừa duy trì, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Trong hoạt động giám sát cần tập trung vào những vấn đề lớn, quan trọng của đất nước, những bất cập, bức xúc của cuộc sống, thúc đẩy các cơ quan nhà nước phát huy thành tích, ưu điểm, thẳng thắn chỉ ra những khuyết điểm, hạn chế để Chính phủ sửa đổi, khắc phục, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước.
Ảnh: Hoàng Ngọc
Ràng buộc chặt hơn trách nhiệm của cơ quan, tổ chức chịu sự giám sát
- Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư, được biết một Đề án về tiếp tục đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội đang được xây dựng. Là người có nhiều năm hoạt động nghị trường, ông có đề xuất gì không?
- Ngay tại Kỳ họp thứ Nhất, khi thảo luận về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022, các đại biểu đã chỉ ra những hạn chế trong hoạt động giám sát, đặc biệt là hậu giám sát. Chúng ta chưa có cơ chế cụ thể để ràng buộc trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, nhất là người đứng đầu trong tiếp thu, giải quyết kiến nghị sau giám sát. Thực tế, thông qua giám sát, Quốc hội ban hành Nghị quyết giám sát yêu cầu khắc phục những vấn đề còn vướng mắc. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp thực hiện không “đến nơi, đến chốn”. Cho nên, điều được Tổng Bí thư nhấn mạnh, đó là phải làm sao giám sát rồi, nhưng vẫn có sự đôn đốc, nhắc nhở, đeo bám thường xuyên, đưa ra các kiến nghị đúng và trúng, để các cơ quan chức năng sửa đổi những thiếu sót. Đây là vấn đề rất thực tiễn.
- Theo ông, hoạt động giám sát của Quốc hội cần được triển khai tổ chức thực hiện như thế nào trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp?
- Tôi cho rằng, dù ở bối cảnh nào, giám sát cũng phải đi vào chiều sâu, bám sát sườn thực tiễn cuộc sống. Đơn cử, vừa qua Quốc hội nhất trí thông qua một số nội dung liên quan đến phòng, chống Covid-19, mở ra những giải pháp chưa từng có tiền lệ. Đó là: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được quyết định và tổ chức thực hiện các biện pháp chưa được luật quy định hoặc khác với quy định trong các luật, pháp lệnh hiện hành để đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Trong chương trình giám sát năm 2022, Quốc hội sẽ giám sát tối cao hai chuyên đề: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021; Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch được ban hành. Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát hai chuyên đề: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1.7.2016 đến ngày 1.7.2021; Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021. Nếu kiểm soát tốt tình hình dịch Covid-19, giám sát sẽ được tiến hành đúng kế hoạch và tổ chức các Đoàn giám sát trực tiếp đến các địa phương. Nếu chưa kiểm soát được dịch, cần thực hiện giám sát bằng báo cáo, nơi nào nóng nhất, bức xúc nhất phải được đôn đốc, xử lý. Giám sát với phương châm bảo đảm sức khỏe và tính công khai, minh bạch.
- Thưa ông, cũng trong bối cảnh đại dịch Covid-19, làm thế nào để duy trì được sự gắn bó, liên kết giữa đại biểu Quốc hội với cử tri và nhân dân?
- Những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên cả nước phần nào hạn chế các hoạt động tiếp xúc trực tiếp giữa cử tri, nhân dân với đại biểu Quốc hội. Ngay sau Kỳ họp thứ Nhất, hầu hết các Đoàn Đại biểu Quốc hội phải tiếp xúc cử tri bằng hình thức trực tuyến hoặc báo cáo bằng văn bản, báo cáo kết quả kỳ họp thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên. Tuy nhiên, tôi cho rằng, những trở ngại này có thể khắc phục được. Có rất nhiều kênh để các đại biểu lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, ý kiến của cử tri.
Trong bối cảnh hiện nay, cần phát huy mạnh hơn vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, qua đó, cử tri và nhân dân có thể gửi ý kiến, kiến nghị bằng văn bản qua các cơ quan này tổng hợp và gửi đến đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội. Đồng thời, lắng nghe ý kiến của cử tri và nhân dân thông qua báo chí, các phương tiện truyền thanh, không để “đứt gãy” cầu nối giữa cử tri với nghị trường Quốc hội, với đại biểu.
- Xin cảm ơn ông!