ĐBQH HOÀNG ĐỨC THẮNG GÓP Ý VỀ DỰ KIẾN CHƯƠNG TRÌNH GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI NĂM 2022

15/08/2021

Tham gia ý kiến tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV về dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022, đại biểu Quốc hội Hoàng Đức Thắng, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị cho rằng đề án cần nêu rõ định hướng, xác định nội dung có tính tổng quan cho hoạt động giám sát của cả nhiệm kỳ khóa XV của Quốc hội.

 

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Quốc hội Hoàng Đức Thắng, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị nhấn mạnh giám sát là một trong những chức năng cơ bản và quan trọng của Quốc hội. Hoạt động giám sát tối cao nói riêng và tổng thể hoạt động giám sát của Quốc hội là nhiệm vụ trọng tâm để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội nhằm bảo đảm cho chính sách pháp luật được thực thi quyền, lợi ích hợp pháp của công dân được bảo vệ đúng pháp luật.

Theo đại biểu, trong nhiều năm qua, hoạt động giám sát không ngừng được tăng cường và đổi mới. Nội dung tập trung vào những vấn đề lớn quan trọng của đất nước, những bất cập, bức xúc của cuộc sống. Phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân nhất là hoạt động chất vấn và giám sát chuyên đề.

Việc xây dựng các chuyên đề giám sát được xây dựng theo kế hoạch hàng năm và được kỳ họp giữa năm của năm trước xem xét quyết định tương tự như xây dựng chương trình xây dựng pháp luật hàng năm của Quốc hội. Với cách làm như vậy, Quốc hội sẽ chọn ra những vấn đề cấp thiết, bức xúc mà thực tiễn cuộc sống đặt ra để quyết định lựa chọn nội dung chuyên đề giám sát.

Tuy nhiên, theo đại biểu, cách làm này chỉ giải quyết những vấn đề có tính ngắn hạn hàng năm mà chưa nhìn thấy định hướng rõ nội dung giám sát cho cả một giai đoạn, một nhiệm kỳ của Quốc hội có tầm nhìn bao quát và tổng thể. Vì vậy, đại biểu thống nhất với đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần chủ trì xây dựng đề án về đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội và cần thực hiện ngay trong năm đầu nhiệm kỳ. Theo đó, đề án cần nêu rõ định hướng, xác định nội dung có tính tổng quan cho hoạt động giám sát của cả nhiệm kỳ khóa XV của Quốc hội. Trên cơ sở đó, hàng năm Quốc hội sẽ xem xét, lựa chọn, quyết định các nội dung chuyên đề giám sát cụ thể, có lộ trình, bảo đảm có tầm nhìn toàn diện và căn bản hơn. Trong trường hợp tình hình phát sinh đột xuất thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo với Quốc hội để điều chỉnh, bổ sung nội dung giám sát một cách linh hoạt và phù hợp.

Đại biểu Hoàng Đức Thắng bày tỏ thống nhất cao với báo cáo tờ trình về dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022, nhất là 4 chuyên đề mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổng hợp, phân tích, lựa chọn trình Quốc hội. Theo đại biểu, đó là những vấn đề cấp thiết đặt ra hiện nay, được đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân quan tâm, gắn với công tác lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Đóng góp ý kiến về Chuyên đề 3, việc thực hiện chính sách pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021, đại biểu đề nghị bổ sung thêm nội dung: Giám sát việc giải quyết các vấn đề, vụ việc, vụ án bức xúc kéo dài, những vấn đề cử tri ở nhiều địa phương quan tâm được các đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội kiến nghị qua nhiều kỳ họp Quốc hội mà chưa được giải quyết hoặc giải quyết không dứt điểm, thỏa đáng./.

Bùi Hùng