ĐBQH NGUYỄN HẢI DŨNG ĐÓNG GÓP Ý KIẾN VỀ DỰ KIẾN CHƯƠNG TRÌNH GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI NĂM 2022

15/08/2021

Tham gia ý kiến tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV về dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022, đại biểu Quốc hội Nguyễn Hải Dũng, Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định bày tỏ ủng hộ thực hiện chuyên đề giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021.

 

Nghiên cứu dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022, đại biểu Quốc hội Nguyễn Hải Dũng, Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định cho rằng đối với chuyên đề 1, việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021, theo phụ lục 03 đã chỉ ra nhiều lĩnh vực còn xảy ra lãng phí, vi phạm định mức tiêu chuẩn, chế độ, vi phạm kế hoạch, tiến độ gây ảnh hưởng đến các kế hoạch, đề án phát triển khác. Đây là những vấn đề rất lớn của đất nước.

Lấy dẫn chứng từ việc sử dụng tiết kiệm điện, đại biểu cho rằng việc sử dụng điện tiết kiệm và hợp lý trong sinh hoạt hàng ngày không chỉ tiết kiệm chi phí cho cá nhân và hộ gia đình, mà còn giúp dự trữ nguồn năng lượng đó cho các hoạt động cấp thiết hơn, có nhu cầu cao hơn của xã hội, từ đó đem lại lợi ích cho cộng đồng. Đại biểu cho rằng với sự phát triển kinh tế như hiện nay, sự tiết kiệm của mỗi cá nhân, hộ gia đình và doanh nghiệp sẽ mang tới sự phồn vinh cho đất nước.

Đại biểu Nguyễn Hải Dũng hy vọng qua giám sát chuyên đề này, chúng ta không chỉ chấn chỉnh và hoàn thiện khung pháp lý trong công tác thực hành tiết kiệm chống lãng phí, mà còn ghi vào tâm thức mỗi cá nhân rawngf việc thực hành tiết kiệm không chỉ làm lợi cho chính mình, cho gia đình mà còn làm lợi cho cộng đồng và xã hội. Đại biểu bày tỏ ủng hộ chuyên đề này, đề nghị Quốc hội đưa vào chương trình giám sát tối cao năm 2022.

Đối với chuyên đề 4, việc thực hiện các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2016-2021, đại biểu bày tỏ ý kiến về trường hợp tỉnh Nam Định. Cụ thể, Nam Định là tỉnh có một số xã thuộc diện sắp xếp trong giai đoạn 2016-2021. Sau khi có chỉ đạo của Trung ương, lãnh đạo tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, quyết liệt, cụ thể, sâu sát, chặt chẽ và thường xuyên, nhưng có đơn vị chưa thành công trong sắp xếp, thực sự đã có những vướng mắc trên thực tế dẫn đến việc chưa thành công này.

Thứ nhất là về thống kê dân số, có sự chênh lệch giữa con số cơ quan thống kê đưa ra và con số ước tình của người dân địa phương. Từ đó, người dân chưa ủng hộ việc sắp xếp vì cho rằng số dân của xã mình đã đáp ứng tiêu chuẩn mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định.

Thứ hai, về lấy ý kiến cử tri. Mặc dù cả hệ thống chính trị vào cuộc nhưng tỷ lệ cử tri ủng hộ việc sắp xếp chưa cao. Ngoài ra, còn có những khó khăn khác như: việc quy định tên gọi của đơn vị hành chính sau khi sắp xếp, vị trí đặt trụ sở ủy ban xã, việc xử lý đất đai trụ sở dôi dư tạo dư luận trong nhân dân. Vì những khó khăn, vướng mắc đó, đại biểu cho rằng cần thiết lựa chọn chuyên đề này đưa vào chương trình giám sát tối cao của Quốc hội năm 2022./.

Bùi Hùng