GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: CẦN GIẢI PHÁP, CHÍNH SÁCH PHÙ HỢP CHĂM LO CHO CÁC ĐỐI TƯỢNG YẾU THẾ TRONG BỐI CẢNH DỊCH BỆNH

24/08/2021

Trong bối cảnh Covid -19 diễn biến phức tạp, rất nhiều người, đặc biệt là những đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương chịu ảnh hưởng nặng nề bởi vô số các tác động dài hạn tiềm ẩn của đại dịch. Vì vậy, theo đại biểu Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm để có những giải pháp, có những chính sách phù hợp.

 

Đối tượng yếu thế chịu tác động nặng nề từ đại dịch Covid-19

Đại dịch Covid-19 làm trầm trọng hơn những vấn đề xã hội hiện có liên quan đến sinh kế, nghèo đói, mất an ninh lương thực và phân biệt đối xử. Tác động của đại dịch đối với những lao động di cư, lao động phi chính thức, phụ nữ và các nhóm yếu thế khác là rất nghiêm trọng.

Theo đại biểu Nguyễn Thanh Cầm, Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang, cần phải kịp thời giải quyết các vấn đề xã hội phát sinh, tăng cường công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em, chăm lo cho các đối tượng yếu thế những người khuyết tật, người cao tuổi, phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con nhỏ, đảm bảo bình đẳng giới.

Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm, Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang

Đại biểu cho biết, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng đại dịch Covid-19 làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng vốn có trong thị trường lao động và đã tạo ra một những bất bình đẳng giới mới. Đơn cử như việc phụ nữ sẽ phải đối mặt với tình trạng giảm số giờ làm, phải làm các công việc thiếu ổn định và dễ rơi ra khỏi lực lượng lao động hơn so với nam giới. Và theo một cái báo cáo quốc gia Việt Nam, một xã hội đang già hóa, do trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cũng như một Đại học của Đức đồng nghiên cứu cho thấy rằng, trong số 13,4 triệu người già khoảng 64,4% không có lương hưu, trợ cấp phải sống dựa vào con cháu, người thân và hoặc trực tiếp phải lao động để mưu sinh. Vì vậy, trong bối cảnh dịch bệnh tác động đến toàn xã hội, đối tượng này sẽ bị tác động nhiều hơn nên rất cần Chính phủ quan tâm để có những giải pháp, có những chính sách phù hợp.

Đồng tình với quan điểm nêu trên, đại biểu Hà Thị Nga , Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho biết, trong 6 tháng đầu năm tổng đài tư vấn của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam ở 20 Thụy Khuê tăng 140% so với cùng thời điểm này và chủ yếu những tư vấn của phụ nữ đều liên quan đến các vấn đề về gia đình, bạo lực gia đình, những khủng hoảng trong gia đình.

Đại biểu nêu dẫn chứng, năm nay đúng vào ngày gia đình Việt Nam (28/06) có những vụ thảm sát rất đau lòng xảy ra như: ở Thái Bình, con rể giết bố mẹ vợ và giết vợ mình. Như vậy, những vấn đề tác động, đặc biệt những vấn đề gia đình trong bối cảnh Covid có những tác động hết sức nặng nề. Do vậy, đề nghị cần phải có đánh giá sâu và thỏa đáng hơn về nội dung này. Và cũng theo đó, chúng ta cần phải có những giải pháp đủ mạnh để tăng cường công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực gia đình, đảm bảo quyền của người phụ nữ, chăm sóc tốt cho đối tượng trẻ em trong 6 tháng còn lại cũng như trong giai đoạn tiếp theo.

Đại biểu Hà Thị Nga , Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp

Đại biểu Trịnh Xuân An, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai cho rằng, trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch bệnh Covid -19 nghiêm trọng như hiện nay, thì đối tượng học sinh, các cháu nhỏ cần đặc biệt quan tâm. Theo đại biểu, học sinh cấp 1, cấp 2 phải nghỉ học kéo dài do đó, hầu như các bạn nhỏ phải ở nhà trong môi trường không có giao lưu, không có học tập, không có bạn bè, đó cũng là vấn đề cần phải quan tâm thêm. Hệ lụy từ việc trẻ không đến trường, không được giao tiếp với bạn bè,… cần có nghiên cứu tác động ảnh hưởng cụ thể đến tâm sinh lý của trẻ nhỏ. Đại biểu kiến nghị, ngành giáo dục cũng như ngành y tế cũng cần phải có một chiến lược, quyết sách để chúng ta xây dựng một môi trường an toàn cho trẻ nhỏ.

Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định cũng đề nghị Chính phủ cũng quan tâm hơn đến công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em trong đại dịch. Cụ thể các bộ ngành có liên quan như: Bộ Giáo dục, Bộ Thông tin, Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;…. Có thể xây dựng những website trong đó tập hợp các chương trình cũng như ngoại khóa về dạy đàn, dạy vẽ, dạy tiếng Anh, kỹ năng sống;.... Nếu nơi nào khó khăn không có internet, chúng ta dùng truyền hình để giáo dục trẻ em trong thời gian này là rất quan trọng, bởi đây là tương lai của đất nước, cần có sự chăm lo và phát triển thường xuyên.

Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị cần có chính sách chăm lo cho đối tượng là người cao tuổi trong bối cảnh đại dịch. Hiện tại chúng ta có khoảng 10 triệu người cao tuổi và trong thời gian tới tỷ lệ này sẽ tăng lên. Tuy nhiên, công tác quan tâm chăm sóc người già hiện nay chưa có hệ thống và hiệu quả chưa cao. Đại biểu đề nghị Chính phủ cần đổi mới, có lộ trình thực hiện trong công tác chăm sóc người cao tuổi; có nhiều hoạt động chăm lo cho người cao tuổi, tạo điều kiện giúp người cao tuổi sống vui, sống khỏe, sống có ích cho bản thân, gia đình và xã hội. Trước hết, quan tâm tạo không gian vui chơi của người cao tuổi, sau đó tới những nơi chăm sóc sức khỏe, tiến tới là các viện dưỡng lão cho người cao tuổi;…/.

Lê Anh