GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: PHẢI ĐẨY NHANH CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG GIÁO DỤC

25/08/2021

Đại dịch Covid-19 đã và đang tác động đến mọi mặt đời sống, kinh tế - xã hội trong đó, có cả lĩnh vực dạy và học. Vì vậy, để thích ứng với thực tế, các đại biểu Quốc hội đề nghị cần đẩy nhanh chuyển số đổi số trong giáo dục.

 

Việc tiếp cận với học trực tuyến đã được triển khai đồng bộ tại nhiều địa phương trên cả nước

Đại dịch Covid-19 đang thay đổi mọi thói quen, cách sống, cách thức làm việc, sinh hoạt truyền thống của con người. Để giữ vững được mục tiêu vừa bảo vệ sức khỏe người dân, vừa bảo vệ sức khỏe nền kinh tế, chúng ta buộc phải áp dụng những biện pháp ứng phó chưa từng có. Do đó, việc học sinh cần thích ứng với phương pháp học trực tuyến là điều tất yếu và cần thiết.

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2020-2021, triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 đối với giáo dục Tiểu học, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: “Ngành Giáo dục cần chuyển trạng thái để thích ứng với tình hình dịch bệnh, giảm thiểu các tổn thương, tác động tiêu cực đến giáo dục; đảm bảo an toàn phòng chống dịch và các yêu cầu chất lượng cốt lõi”.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương, trong 18 tháng qua, việc dạy và học trực tuyến đã được triển khai trên diện rộng, khắp các tỉnh, thành trên cả nước, ở hầu hết các bậc học, các lớp học. Cũng không thể phủ nhận trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát, ngành giáo dục đã có những nỗ lực và rất nhiều sáng tạo trong dạy và học, đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn việc tăng cường các hình thức dạy học qua internet và trên truyền hình. Đây cũng lần đầu tiên việc dạy học trực tuyến được triển khai rộng rãi trên phạm vi toàn quốc. Vì vậy, cơ bản đã bảo đảm được việc dạy và học liên tục theo chương trình. Tuy nhiên, vấn đề bảo đảm chất lượng dạy và học trực tuyến cũng chưa thực sự được khẳng định. Trong điều kiện bình thường, giáo dục trực tuyến là rất ưu việt. Với điều kiện đây là một hình thức giáo dục hỗ trợ cho các hoạt động giáo dục chính thức. Bởi vì, giáo dục trực tuyến tạo ra một môi trường bình đẳng để tất cả mọi người học đều được tiếp cận các nguồn lực giáo dục của xã hội. Tuy nhiên, khi được sử dụng để thay thế hoàn toàn hình thức giáo dục trực tiếp, sẽ có rất nhiều vấn đề đặt ra, nhất là ở nước ta.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa nhấn mạnh, chất lượng cơ sở hạ tầng, công nghệ kỹ thuật không đồng đều, trang thiết bị của cả người dạy và người học không đầy đủ, ổn định, đặc biệt ở các huyện, các xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Các hộ nghèo, cận nghèo, trang thiết bị cho người học còn rất thiếu thốn. Bên cạnh đó, công tác quản lý học sinh trong đào tạo trực tuyến còn gặp khó khăn khi các phần mềm quản lý chưa hoàn thiện. Sĩ số lớp học lớn, học sinh có thói quen học tập thụ động, ít tương tác và về mặt tâm lý, sự đơn điệu khi phải giãn cách và cách ly xã hội có thể khiến cho các em trở nên uể oải trong một thời gian dài. Rất dễ dẫn đến trầm cảm và cho dù tham gia các lớp học trực tuyến cũng rất khó để tập trung. Bên cạnh đó, sự xa cách qua màn hình giữa giáo viên và học sinh cũng làm cho các giáo viên rất khó nắm bắt tình hình để khơi dậy cái sự hứng thú và nhiệt tình tham gia bài của học sinh, nhất là ở các bậc học thấp như lớp 1, lớp 2, lớp 3 mà thời gian qua đã có rất nhiều địa phương phải ngừng việc tổ chức dạy học, dạy và học trực tuyến đối với các đối tượng này.

Trước tình hình đó, bên cạnh việc đánh giá rất cao nỗ lực của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 09 quy định về quản lý tổ chức dạy và học trực tuyến trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên. Đại biểu cho rằng, còn rất nhiều vấn đề khó đặt trên vai lực lượng giáo viên và cơ sở giáo dục phải giải quyết và cũng còn nhiều vấn đề bức xúc của thực tiễn cần phải được Bộ Giáo dục Đào tạo tiếp tục quan tâm, giải quyết để bảo đảm chất lượng giáo dục trực tuyến trong điều kiện dịch bệnh còn có thể kéo dài. Trong đó, cần đặc biệt lưu ý việc đẩy nhanh hơn nữa tốc độ chuyển đổi số toàn diện trong ngành giáo dục trên phạm vi cả nước để bảo đảm sẵn sàng tổ chức học trực tuyến thường xuyên trong thời gian lâu dài và đảm bảo chất lượng.

Cùng quan điểm nêu trên, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình đề nghị đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục, từng bước hình thành hệ thống giáo dục mở linh hoạt và liên thông và tập trung trước hết ở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học. Xây dựng và triển khai chương trình đào tạo và chính sách trong trọng dụng nhân tài trong các lĩnh vực đặc biệt hình thành, phát triển đội ngũ chuyên gia đầu ngành.

Cũng về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Văn Thi, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang cho rằng, việc chuyển từ dạy trực tiếp sang dạy trực tuyến để phòng, chống dịch Covid là cần thiết nhưng đang nảy sinh nhiều bất cập cần sớm được khắc phục. Ở nhiều nơi việc dạy trực tuyến phụ thuộc nhiều vào thiết bị, đường truyền và tính tự giác của học sinh. Thực tiễn cho thấy, việc dạy học và học trực tuyến ở bậc đại học và bậc THPT có lẽ triển khai rất phù hợp, nhưng ở bậc thấp hơn phải nói trong thời gian qua cũng còn nhiều bất cập. Bên cạnh đó, tùy vào điều kiện kinh tế - xã hội mỗi địa phương, tùy vào điều kiện mỗi gia đình nên cơ sở vật chất phục vụ cho việc học trực tuyến một số nơi không đảm bảo, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng dạy và học. Tình trạng này nếu để kéo dài, không có giải pháp phù hợp để khắc phục trong thời gian tới sẽ tạo lỗ hổng về kiến thức ở một số lớp học sinh. Do đó, đề nghị các cơ quan chức năng nghiên cứu có giải pháp cụ thể hơn để khắc phục tình trạng này trong thời gian tới.

Đại dịch Covid-19 đang thay đổi mọi thói quen, cách sống, cách thức làm việc, sinh hoạt truyền thống của con người. Để giữ vững được mục tiêu vừa bảo vệ sức khỏe người dân, vừa bảo vệ sức khỏe nền kinh tế, chúng ta buộc phải áp dụng những biện pháp ứng phó chưa từng có. Do đó, việc học sinh cần thích ứng với phương pháp học trực tuyến là điều tất yếu và cần thiết. Vừa qua, phát biểu tại Hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2020-2021, triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 đối với giáo dục Tiểu học, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: “Ngành Giáo dục cần chuyển trạng thái để thích ứng với tình hình dịch bệnh, giảm thiểu các tổn thương, tác động tiêu cực đến giáo dục; đảm bảo an toàn phòng chống dịch và các yêu cầu chất lượng cốt lõi”. Để thực hiện “thích ứng” thì yêu cầu đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục, từng bước hình thành hệ thống giáo dục mở linh hoạt là yêu cầu cấp thiết./.

Lê Anh