ĐBQH NGUYỄN THỊ MAI PHƯƠNG: HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ SỞ HỮU TRÍ TUỆ, KHẮC PHỤC NHỮNG ĐIỂM NGHẼN CẢN TRỞ SỰ PHÁT TRIỂN CỦA ĐẤT NƯỚC

14/09/2021

Theo đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, trong lần thứ 3 sửa đổi bổ sung, có 94 điều của Luật Sở hữu trí tuệ được sửa đổi, bổ sung nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập đặt ra trong quá trình thi hành Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành...

 

Tại Phiên họp thứ 3, tháng 9/2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Sau hai lần sửa đổi bổ sung vào năm 2009 và năm 2019, đây là lần thứ 3, Luật Sở hữu trí tuệ được sửa đổi, bổ sung với phạm vi và số lượng các điều luật sửa đổi khá lớn nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập đặt ra trong quá trình thi hành Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành, đồng thời bảo đảm thực hiện các cam kết trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Về những nội dung đáng chú ý trong Dự thảo luật, phóng viên Truyền hình Quốc hội Việt Nam phỏng vấn đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Ủy ban được giao chủ trì thẩm tra Dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ: 

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội

Phóng viên: Xin bà cho biết quan điểm về việc sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ với số lượng các điều luật được sửa đổi bổ sung khá lớn, 94 điều trong Dự thảo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 3?

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội: Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 9 này có số lượng điều sửa đổi bổ sung là 93 điều và bãi bỏ 01 điều, bao quát cả 3 lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan, sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và phần hỗ trợ bảo vệ quyền và thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Tôi cho rằng việc sửa đổi, bổ sung này là rất cần thiết. Luật Sở hữu trí tuệ được ban hành năm 2005 (sửa đổi, bổ sung 2 lần vào năm 2009, 2019). Trong hai lần sửa đổi, bổ sung này số lượng điều được sửa đổi, bổ sung không nhiều, tập trung chủ yếu vào việc thực hiện nghĩa vụ theo lộ trình các cam kết quốc tế về sở hữu trí tuệ trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên…

Trải qua hơn 15 năm thi hành và trong điều kiện phát triển mới của đất nước, Luật Sở hữu trí tuệ cần được sửa để đáp ứng các yêu cầu sau:

Thứ nhất, thể chế hóa chủ trương của Đảng tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, trong đó xác định hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là pháp luật về bảo hộ sở hữu trí tuệ, khắc phục những điểm nghẽn cản trở sự phát triển của đất nước.”;

Thứ hai, khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập đã được nhận diện rõ của Luật hiện hành để thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, chủ động, tích cực ứng dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư thông qua việc tăng cường khai thác và thực thi quyền sở hữu trí tuệ, giúp hoạt động này ngày càng tiệm cận với thực tiễn và thông lệ tiến bộ của thế giới;

Thứ 3, tiếp tục nội luật hóa theo lộ trình các cam kết liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ đã được ghi nhận trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đặc biệt là Hiệp định CPTPP và Hiệp định EVFTA với những yêu cầu cao về chuẩn mực thực thi quyền sở hữu trí tuệ;

Thứ tư, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với các luật có liên quan đã được Quốc hội ban hành trong thời gian qua.

Do vậy, việc Chính phủ quyết tâm sửa đổi một số lớn nội dung Luật là rất cần thiết. Đồng thời, tôi cho rằng việc triển khai các hoạt động để đưa dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2021 nhằm nội luật hóa các cam kết quốc tế là còn chậm so với yêu cầu vì có một số cam kết quốc tế có hiệu lực áp dụng từ ngày 01/8/2020 (đối với Hiệp định EVFTA) và ngày 14/01/2022 (đối với Hiệp định CPTPP)

Phóng viên: Qua quá trình thẩm tra sơ bộ, Nhóm nghiên cứu nhận định thế nào về tổng thể Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ?

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội: Qua quá trình thẩm tra sơ bộ, thì chúng tôi nhận thấy sau khi dự án Luật được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2021, Cơ quan soạn thảo đã tích cực, chủ động triển khai nhiều hoạt động nhằm chuẩn bị Hồ sơ dự án Luật chất lượng, trình đúng thời hạn. Trong điều kiện gặp nhiều khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, Cơ quan soạn thảo vẫn có hình thức phù hợp để tham vấn ý kiến các chuyên gia, tổ chức, cá nhân, đối tượng chịu sự tác động trực tiếp để có thêm thông tin phục vụ quá trình xây dựng, hoàn thiện dự án Luật.

Về cơ bản, các tài liệu trong Hồ sơ đã bảo đảm theo yêu cầu quy định tại Điều 64 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, về nội dung cụ thể của Hồ sơ, cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện thêm một số tài liệu nhằm nâng cao chất lượng hơn nữa trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2(tháng 10/2021). Chẳng hạn như Báo cáo rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến sở hữu trí tuệ chưa phản ánh được đầy đủ quy định của các luật liên quan đến quy định của dự thảo Luật để xác định được sự mâu thuẫn, chồng chéo, từ đó đề xuất phương án xử lý để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật; một số nội dung đánh giá, nhận định trong Báo cáo đánh giá tác động còn định tính, thiếu định lượng nên tính thuyết phục chưa cao,...

Về nội dung dự án Luật, qua nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy về cơ bản các nội dung của dự thảo Luật đã bám sát chủ trương, đường lối của Đảng để thể chế hóa, nhất là chủ trương của Đảng trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, nhận diện được nhiều những hạn chế bất cập của thực tiễn để có giải pháp xử lý, chú trọng xây dựng các quy định nhằm đáp ứng yêu cầu cũng như ứng dụng các thành tựu của khoa học công nghệ, đặc biệt là của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đáp ứng được yêu cầu của các cam kết quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, nhất là Hiệp định CPTPP và Hiệp định EVFTA cũng như có những quy định tận dụng được quy định của điều ước quốc tế theo hướng có lợi cho người dân Việt Nam.

Mặc dù vậy, Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ cũng còn nhiều nội dung cần được tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý để bảo đảm đáp ứng toàn hoàn các yêu cầu đặt ra cho việc soạn thảo Luật, thể chế hóa đầy đủ 7 chính sách đã được chấp thuận khi đề xuất xây dựng Luật. Đồng thời, trong Dự luật có nhiều nội dung nội luật hóa quy định của các điều ước quốc tế có liên quan, do đó về văn phong, kỹ thuật lập pháp cần phải được tiếp tục rà soát, chỉnh lý, hoàn thiện để bảo đảm logic, chặt chẽ, dễ hiểu, tránh trường hợp dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau, đồng thời có những nội dung dự thảo Luật quy định chưa rõ ràng, minh bạch cần tiếp tục chỉnh lý.

Phóng viên: Những vấn đề nào trong Dự luật còn có nhiều quan điểm khác nhau, cần đưa ra xin ý kiến trong phiên họp thưa bà?

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội: Đối với dự án Luật lần này, Chính phủ đề xuất 03 nội dung xin ý kiến:

- Về tên gọi của Luật: Chính phủ đề xuất tên gọi của Luật được đổi thành Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi) do số lượng điều luật được sửa đổi tương đối nhiều chứ dự thảo Luật không mở rộng phạm vi chính sách so với đề xuất dự án Luật khi đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Chúng tôi nhận thấy không nhất trí với đề xuất này vì các lý do sau đây:

(1) Lý do “việc tiếp tục sửa đổi, bổ sung lần thứ ba với nhiều nội dung và số lượng điều lớn sẽ dẫn đến những bất cập nhất định trong tuyên truyền, phổ biến, thi hành và áp dụng pháp luật” là không thuyết phục vì chất lượng thi hành, áp dụng pháp luật phụ thuộc vào chất lượng của Luật và trách nhiệm tổ chức thực hiện.

(2) Nếu thay đổi tên gọi thành Luật sửa đổi, cần phải nghiên cứu toàn bộ 222 điều của Luật hiện hành để có phương án sửa đổi, bổ sung toàn diện, đáp ứng tối đa yêu cầu thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về sở hữu trí tuệ ngoài 07 chính sách nêu trong Tờ trình.

 (3) Với quỹ thời gian còn lại của quá trình xây dựng Luật để thực thi các cam kết quốc tế sẽ tạo thách thức không nhỏ cho việc hoàn thiện đồng bộ hệ thống văn bản pháp luật về sở hữu trí tuệ vì trường hợp sửa đổi toàn diện sẽ đồng thời nghiên cứu sửa đổi 222 điều của Luật hiện hành và sửa đổi, bổ sung, thay thế 44 văn bản hướng dẫn thi hành Luật Sở hữu trí tuệ, ngoài ra còn có 39 văn bản pháp luật khác có quy định liên quan đến sở hữu trí tuệ.

- Về quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước. Chính phủ đề xuất 2 phương án:

- Phương án 1: sửa đổi quy định theo hướng trao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng toàn bộ ngân sách nhà nước hoặc một phần ngân sách cho tổ chức chủ trì nhiệm vụ đó một cách tự động và không bồi hoàn, tổ chức chủ trì có quyền sở hữu sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí khi được cấp văn bằng bảo hộ, trừ các đối tượng thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh quốc gia.

- Phương án 2: giữ nguyên quy định pháp luật hiện hành. Theo đó, trường hợp sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được tạo ra trên cơ sở Nhà nước đầu tư toàn bộ hoặc một phần kinh phí, phương tiện vật chất, kỹ thuật thì quyền đăng ký thuộc về Nhà nước toàn bộ hoặc một phần tương ứng với tỷ lệ góp vốn. Tổ chức, cơ quan nhà nước được giao quyền chủ đầu tư có trách nhiệm đại diện cho Nhà nước thực hiện quyền đăng ký và trở thành chủ văn bằng bảo hộ.

Chúng tôi cơ bản nhất trí Phương án 1 về việc giao quyền đăng ký cho tổ chức chủ trì một cách tự động và không bồi hoàn, tổ chức chủ trì có quyền sở hữu sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí khi được cấp văn bằng bảo hộ. Tuy nhiên, đề nghị cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện Phương án này theo hướng bổ sung, làm rõ “cơ chế phân chia hợp lý lợi ích giữa Nhà nước, cơ quan chủ trì và tác giả” để thể chế hóa đầy đủ chủ trương tại Nghị quyết số 20-NQ/TW; nghiên cứu mở rộng cơ chế giao quyền sở hữu tương tự đối với giống cây trồng, quyền tác giả và quyền liên quan; khắc phục sự không thống nhất giữa quy định về quyền đăng ký, sở hữu đối với kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước trong các luật hiện hành để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

- Về xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Chính phủ đề xuất 2 phương án:

- Phương án 1: Sửa đổi theo hướng: Không áp dụng biện pháp xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, tên thương mại, bí mật kinh doanh và hành vi cạnh tranh không lành mạnh (các hành vi xâm phạm quyền đối với các đối tượng này chỉ xử lý bằng biện pháp dân sự). Chỉ áp dụng các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền đối với quyền tác giả, quyền liên quan, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, giống cây trồng. 

- Phương án 2: Giữ nguyên quy định của pháp luật hiện hành, theo đó, áp dụng biện pháp xử phạt hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Chúng tôi nhận thấy Phương án 1 có một số điểm chưa hợp lý sau đây:

(1) Biện pháp xử phạt vi phạm hành chính được áp dụng để xử lý các vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm. Biện pháp này có phạm vi áp dụng riêng và không loại trừ quyền của các bên khởi kiện ra tòa theo thủ tục tố tụng dân sự để yêu cầu bồi thường thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây ra.

(2) Phương án này có nguy cơ làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, giảm vai trò chủ động của cơ quan nhà nước trong việc phát hiện và xử lý mọi hành vi vi phạm pháp luật để duy trì trật tự công; đây là việc làm thường xuyên, liên tục, không phụ thuộc vào việc khởi kiện của đương sự.

(3) Quan hệ sở hữu trí tuệ là quan hệ dân sự có tính chất đặc thù; hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không chỉ ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của chủ thể quan hệ sở hữu trí tuệ mà còn ảnh hưởng sâu rộng đến quyền lợi của người tiêu dùng và toàn xã hội. Do đó, thu hẹp phạm vi các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bị xử phạt bằng biện pháp hành chính với lý do đây là quan hệ dân sự như nêu trong Tờ trình là chưa thuyết phục cả về cơ sở lý luận và thực tiễn.

(4) Việc loại bỏ biện pháp xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí sẽ dẫn đến việc không kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm pháp luật và sẽ tạo thách thức không nhỏ cho hệ thống tòa án và đương sự khi sử dụng biện pháp tố tụng dân sự.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn bà!

Thu Quỳnh