ĐẠI BIỂU VŨ THỊ LIÊN HƯƠNG: CẦN QUY ĐỊNH ĐẦY ĐỦ CÁC HÀNH VI XÂM PHẠM QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ BỊ XỬ PHẠT VPHC

22/10/2021

Tham gia thảo luận đóng góp ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, đại biểu Vũ Thị Liên Hương, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi, Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Lê Khiết, Ủy viên Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo quy định đầy đủ các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bị xử phạt vi phạm hành chính.

Đại biểu Vũ Thị Liên Hương, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi

Theo quan điểm của đại biểu Vũ Thị Liên Hương, Điều 211 quy định về hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bị xử phạt vi phạm hành chính đối với 03 nhóm hành vi. Tuy nhiên, tại các Điều 28, 35, 127, 129, 130, 213 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 cũng quy định các hành vi vi phạm về sở hữu trí tuệ, nhưng không nằm trong 03 nhóm hành vi bị xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Điều 211.

Đối với nội dung về bản quyền, theo quy định tại khoản 10a (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 1 Điều 1 dự thảo) thì “Tiền bản quyền là khoản tiền trả cho việc sáng tạo hoặc chuyển giao quyền tác giả, quyền liên quan đối với tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng. Tiền nhuận bút, tiền thù lao cũng thuộc tiền bản quyền”. Do đó đại biểu đề nghị bỏ cụm từ “các quyền lợi vật chất khác” trong khoản 2 điều 20 (sửa đổi) do không phù hợp.

Nhằm quy định cụ thể hơn quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước, đại biểu thống nhất chọn Phương án 1 để bổ sung các Điều 86a, Điều 133a, Điều 136a (tại khoản 36 Điều 1 dự thảo).

Đại biểu Vũ Thị Liên Hương cũng đề nghị làm rõ khái niệm “dụng ý xấu” tại khoản 43 Điều 1. Bởi vì, việc quy định không cụ thể, rõ ràng sẽ làm cho cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân gặp khó khăn khi chứng minh có “dụng ý xấu” để yêu cầu hủy bỏ hiệu lực toàn bộ của văn bằng bảo hộ. Đồng thời, việc sửa đổi khoản 1 (văn bằng bảo hộ bị hủy bỏ toàn bộ hiệu lực) và bổ sung khoản 1a (Văn bằng bảo hộ bị hủy bỏ toàn bộ hoặc một phần hiệu lực) là chưa phù hợp, không xác định được văn bằng bảo hộ bị hủy bỏ toàn bộ hiệu lực sẽ áp dụng tại khoản 1 hay áp dụng tại khoản 1a.

Đại biểu nhận định, tại phần giải thích từ ngữ đã quy định cụ thể: “Quyền sở hữu trí tuệ là là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng”; “Quyền sở hữu công nghiệp là quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh”, do đó thống nhất chọn Phương án 2 cho khoản 89 Điều 1 (sửa đổi, bổ sung Điều 211) như báo cáo thẩm định của Ủy ban Tư pháp nhằm đảm bảo quy định đầy đủ các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ./.

Nguyễn Hùng