ĐẠI BIỂU LƯƠNG VĂN HÙNG: DỰ THẢO LUẬT THI ĐUA, KHEN THƯỞNG CẦN ĐỒNG BỘ, BAO QUÁT

23/10/2021

Tham gia góp ý dự thảo luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), đại biểu Lương Văn Hùng, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đề nghị sửa đổi luật thi đua khen thưởng phải bảo đảm công tác thi đua, khen thưởng phải mang tính bao quát, đồng bộ, toàn diện giữa các cơ quan, tổ chức.

Đại biểu Lương Văn Hùng phát biểu thảo luận về Dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) 

Đại biểu Lương Văn Hùng nhận định dự thảo luật quy định một số danh hiệu thi đua chưa bao quát hết các phong trào từ cơ sở; một số đối tượng chưa được xem xét khen thưởng; một số quy định về thẩm quyền phát động thi đua chưa toàn diện trong hệ thống chính trị; thẩm quyền xét tặng danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng còn thể hiện sự bất cập, cộng dồn, chưa hợp lý; quy định tiêu chuẩn của một số danh hiệu thi đua chưa phù hợp; căn cứ để xét tặng là sáng kiến, đề tài khoa học chưa rõ ràng, không thực chất…

Cụ thể, về Nguyên tắc thi đua, khen thưởng quy định tại điều 6, đại biểu đề nghị bổ sung nguyên tắc khen thưởng là: “Đúng người, đúng việc, ưu tiên người lao động trực tiếp”, để khắc phục những bất cập, hạn chế hiện nay trong công tác thi đua, khen thưởng là còn hạn chế đối với những người lao động trực tiếp. Đại biểu cũng nhận xét Điều 12 dự thảo luật chỉ tập trung quy định các hành vi bị nghiêm cấm đối với nhóm đối tượng tổ chức thực hiện công tác thi đua, khen thưởng và nhóm được đề nghị khen thưởng mà chưa đề cập đến nhóm đối tượng trung gian là những người thực hiện thủ tục thi đua, khen thưởng. Vì vậy, đại biểu đề nghị bổ sung hành vi cố tình nhũng nhiễu, gây khó khăn trong thực hiện thủ tục, hồ sơ đề nghị khen thưởng của đội ngũ cán bộ, công chức cơ quan chuyên trách công tác thi đua, khen thưởng các cấp.

Về Tiêu chí thi đua của các danh hiệu tại Điều 19, 20, 21, đại biểu cho biết dự thảo luật quy định việc xét tặng các danh hiệu thi đua mang tính tiếp nối, kế thừa, khen từ thấp đến cao, như: danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc” được xét tặng cho cá nhân có thành tích tiêu biểu xuất sắc được lựa chọn trong số những cá nhân có 2 lần liên tục được tặng thưởng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cấp bộ, ban, ngành, tỉnh”.…Hơn nữa, việc quy định về tỷ lệ % được xét, đề nghị khen thưởng của từng cơ quan, đơn vị, địa phương đã làm cho công tác thi đua mang tính “hình thức, phong trào”, tập thể xây dựng “lộ trình khen thưởng”, cá nhân có sự “nhường nhau” để cá nhân có thể theo đuổi đạt được danh hiệu thi đua cao hơn. Để khắc phục hạn chế nêu trên kích thích, động viên tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của cá nhân, tập thể…đề nghị nên xem xét quy định một cách cụ thể về các tiêu chí danh hiệu thi đua, không phải là sự “gối đầu” như trên.

Ngoài ra, đại biểu Lương Văn Hùng cũng đề nghị bổ sung quy định thẩm quyền khen thưởng đối với đại biểu dân cử, trong đó có đại biểu Quốc hội chuyên trách và đại biểu Quốc hội không chuyên trách, đại biểu HĐNDcấp và Hội thẩm TAND cấp tỉnh, cấp huyện. Bên cạnh đó, xem xét bổ sung thẩm quyền phát động, tổ chức các phong trào thi đua của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vào dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi)./.

Nguyễn Hùng