ĐẠI BIỂU TRẦN ĐÌNH CHUNG: SỬA ĐỔI LUẬT ĐỂ GIẢI QUYẾT YÊU CẦU CẤP THIẾT VỀ TRÁCH NHIỆM CỦA CÔNG AN XÃ

25/10/2021

Trao đổi bên lề phiên thảo luận trực tuyến sáng nay về Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi), đại biểu Trần Đình Chung, đoàn ĐBQH Tp. Đà Nẵng cho rằng, Dự thảo luật gồm 3 Điều, được xây dựng theo trình tự thủ tục rút gọn nhằm đảm bảo giải quyết các yêu cầu cấp thiết trong việc bổ sung trách nhiệm của công an xã trong hoạt động điều tra hình sự, bổ sung một số quy định đảm bảo phù hợp. Bộ luật Tố tụng hình sự (khoản 1 điều 148, khoản 1 điều 229, khoản 1 điều 247 đảm bảo yêu cầu của hoạt động tố tụng trong điều kiện dịch bệnh thiên tai). Qua nghiên cứu các tài liệu liên quan đến dự thảo luật, nhất là các báo cáo các quy định pháp luật liên quan và báo cáo đánh giá tác động của chính sách của dự án luật của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Công an, cũng như đối chiếu với thực tiễn công tác, đại biểu nhận thấy việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự là cần thiết; đồng thời, thống nhất với các nội dung giải trình của Viện kiểm sát nhân dân tối cao tại tờ trình số 17 ngày 01/10/2021.

Đại biểu cơ bản thống nhất với tên gọi, bố cục và các nội dung của Dự thảo luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật tố tụng hình sự. Dự án Luật đi đúng với định hướng của Đảng, Chính phủ về xây dựng lực lượng công an, nhất là lực lượng công an cơ sở; thể chế hóa các quy định pháp luật phù hợp với các hiệp định đa phương, song phương, phù hợp với các quy định pháp luật có liên quan (nhất là Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015, Luật Công an nhân dân năm 2018, Pháp lệnh Công an xã 2008, luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009, 2019. Ngoài ra, đại biểu tham gia góp ý một số nội dung cụ thể như:

Thứ nhất: Dự thảo Luật bổ sung trường hợp tạm đình chỉ giải quyết tố giác, tin báo tội phạm; tạm đình chỉ điều tra vụ án hình sự; tạm đình chỉ vụ án vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh. Tuy nhiên, các hoạt động của công an xã trong giai đoạn ban đầu như tại khoản 1, điều 1 của dự thảo luật (tiếp nhận tố giác, tin báo tội phạm, thực hiện kiểm tra, xác minh sơ bộ, chuyển tố giác, tin báo tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan) cũng có thể bị ảnh hưởng bởi các lý do bất khả kháng do thiên tai dịch bệnh dẫn đến việc kéo dài thời gian thực hiện, không đảm bảo được thời hạn như quy định hiện hành (theo quy định khoản 5 Điều 8 Thông tư liên tịch số 01/ 2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNTngày 29/12/2017) thì trong vòng 24 giờ sau khi tiếp nhận, công an xã, phường thị trấn, đồn công an phải chuyển tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho cơ quan điều tra có thẩm quyền. Đối với các xã ở vùng núi xa xôi, hẻo lánh hải đảo điều kiện đi lại khó khăn thì thời hạn chuyển tố giác, tin báo về tội phạm không quá 48 giờ. Vì vậy đại biểu đề nghị ban soạn thảo cân nhắc, đánh giá thêm về việc bổ sung yếu tố “vì lý do bất khả kháng do thiên tai dịch bệnh” cho cả giai đoạn này.

Thứ hai: Theo quy định tại Điều 2 của Luật thì “trường hợp công an xã, phường thị trấn, đồn công an phát hiện, bắt giữ, tiếp nhận người phạm tội quả tang, người đang bị truy nã thì thu giữ, tạm giữ vũ khí, hung khí và bảo quản tài liệu, đồ vật có liên quan, lập biên bản bắt người, lấy lời khai ban đầu, bảo vệ hiện trường theo quy định của pháp luật; giải ngay người bị bắt đến cơ quan công an cấp trên trực tiếp hoặc báo ngay cho cơ quan điều tra có thẩm quyền”. Tuy nhiên trong thực tế, nhiều trường hợp công an xã phát hiện, bắt giữ, tiếp nhận người phạm tội quả tang, người đang bị truy nã nhưng không đảm bảo được các điều kiện để giải ngay người bị bắt đến cơ quan công an cấp trên và phải giữ đối tượng, người phạm tội quả tang, người bị truy nã tại trụ sở công an xã để chờ cơ quan cấp trên đến tiếp nhận (do điều kiện đi lại khó khăn, xa xôi; không đảm bảo về phương tiện, trang bị phục vụ việc áp giải trong khi đó, việc giữ đối tượng tại trụ sở công an xã cần phải đảm bảo quy định pháp luật về tạm giữ cũng như các điều kiện liên quan. Vì vậy, đại biểu Chung đề nghị ban soạn thảo cân nhắc, đánh giá thêm về vấn đề này để quy định chặt chẽ hơn trong Dự thảo luật.
Thứ ba: Khi các cơ quan có thẩm quyền triển khai các hoạt động điều tra hình sự, thì cần các trang bị về phương tiện, trang thiết bị, cơ sở vật chất đi kèm. Ví dụ: các điều kiện về khu vực, trang thiết bị phục vụ việc tạm giữ vũ khí, hung khí, bảo quản tài liệu, đồ vật liên quan, phục vụ hoạt động lấy lời khai, bảo vệ hiện trường, trong khi đó một số công an xã hiện nay điều kiện công tác còn nhiều hạn chế, hiện đang trong quá trình tiếp tục đầu tư xây dựng trang bị./.

Hoàng Yến