Từ điểm cầu Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thị Minh Trang nêu rõ, Luật Sở hữu trí tuệ 2005 có vai trò quan trọng trong hệ thống pháp luật dân sự và đầu tư kinh doanh của Việt Nam, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và cách mạng công nghiệp 4.0 và cũng là một yếu tố tác động không nhỏ đến thu hút FDI và phát triển thương mại quốc tế.
Nhất trí về sự cần thiết việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ, đại biểu cho biết, qua thực tiễn 16 năm thi hành, Luật Sở hữu trí tuệ 2005 đã có nhiều quy định thể hiện sự mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập với một số luật khác, làm giảm hiệu quả và chất lượng điều chỉnh pháp luật nói chung. Một số quy định của Luật Sở hữu trí tuệ bất cập hoặc không rõ ràng hoặc đã không còn phù hợp với thực tiễn khách quan; hoặc đã xuất hiện những vấn đề mới cần bổ sung, chỉnh sửa thích hợp.
Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thị Minh Trang phát biểu trực tuyến
Góp ý đối với quy định về quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước, đại biểu cho rằng, ngân sách nhà nước đầu tư vào khoa học công nghệ góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy khoa học và công nghệ phát triển, mở đường cho phát triển kinh tế xã hội; chứ không nhằm sở hữu kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ (trừ các đối tượng thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh). Vì vậy, không nhất thiết nhà nước sở hữu kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước.
Hơn nữa, tổ chức chủ trì là người am hiểu lĩnh vực có liên quan đến kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ; nên việc thương mại hóa kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sẽ thuận lợi hơn. Đồng thời, khuyến khích các tổ chức và cá nhân có năng lực cùng hợp tác với tổ chức chủ trì trong nghiên cứu khoa học và công nghệ.
Do đó, đại biểu đề nghị dự thảo Luật nên thiết kế theo hướng: “Tổ chức chủ trì nghiên cứu có quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí (là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước) và có quyền sở hữu sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí khi được cấp văn bằng bảo hộ, trừ các đối tượng thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh vẫn do các cơ quan nhà nước thực hiện đăng ký”.
Về xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, đại biểu đề nghị nên nghiên cứu quy định theo hướng: “Biện pháp xử phạt hành chính chỉ áp dụng đối với các hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, giống cây trồng; các hành vi xâm phạm quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, tên thương mại, bí mật kinh doanh và hành vi cạnh tranh không lành mạnh sẽ không bị xử phạt hành chính mà chỉ bị xử lý bằng biện pháp dân sự”.
Đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang cho rằng quy định này nhằm từng bước giảm bớt biện pháp xử lý hành chính, tăng xử lý thông qua tranh tụng của các bên tại Tòa; đồng thời, thiệt hại của bên bị xâm phạm sẽ được đền bù thỏa đáng theo phán quyết của Tòa án.
Về quy định chỉ dẫn địa lý, theo đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang, trong thời gian qua, cơ quan chuyên môn ở địa phương còn lúng túng và hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện, các quy định pháp lý chỉ dẫn địa lý chưa chi tiết, việc trao quyền sử dụng như thế nào, quản lý chỉ dẫn địa lý ra sao thì chưa có văn bản pháp luật quy định. Do đó, việc bổ sung tại khoản 57 Điều 1 là rất cần thiết để thống nhất quản lý chỉ dẫn địa lý.
Ngoài ra, đại biểu cũng cho rằng, dự thảo Luật có rất nhiều điều, khoản giao Chính phủ quy định chi tiết với 26 điều, trong đó có một số khoản được bổ sung chỉ để giao Chính phủ quy định chi tiết (ví dụ khoản 6 Điều 170, khoản 3 Điều 172) cho thấy mức độ cụ thể của Luật chưa cao. Do đó, đại biểu đề nghị ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát đưa vào Luật các quy định đã ổn định, được kiểm nghiệm trên thực tế để nâng cao tính cụ thể, khả thi của Luật và chỉ giao quy định chi tiết những nội dung theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng lưu ý dự thảo Luật có nhiều nội dung nội luật hóa quy định của các điều ước quốc tế có liên quan, do đó về văn phong, kỹ thuật lập pháp cần phải được tiếp tục rà soát, chỉnh lý, hoàn thiện để bảo đảm logic, dễ hiểu. Cần nghiên cứu giải pháp, cơ chế phân cấp, phân quyền trong thực hiện các thủ tục xử lý đơn đăng ký các đối tượng sở hữu công nghiệp để nâng cao vai trò, trách nhiệm của địa phương và góp phần khắc phục bất cập về tiến độ xử lý đơn. Cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác thực thi, đảm bảo tính răn đe, ngăn chặn hành vi xâm phạm, bảo đảm thực thi quyền sở hữu trí tuệ.