Đại biểu Nguyễn Công Hoàng phát biểu ý kiến về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ
Tham gia thảo luận trực tuyến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Công Hoàng, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên nhận định, dự thảo Luật được chuẩn bị đầy đủ, công phu và nghiêm túc; nội dung dự thảo cơ bản khắc phục được những hạn chế, bất cập của Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành. Đại biểu cũng nhấn mạnh, lý do sửa đổi Luật lần này không chỉ nhằm khắc phục những bất cập trong thực tiễn thi hành mà còn bởi áp lực từ việc gia nhập các hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA. Xuất phát từ ý nghĩa quan trọng đó, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ cần phải đề cao mục tiêu: Tạo nền tảng, cơ sở pháp lý vững chắc để Việt Nam tham gia vào cuộc chơi mang tầm vóc quốc tế, để chúng ta không bị lúng túng, dẫn đến thua thiệt khi bước vào sân chơi này.
ham gia ý kiến vào các nội dung cụ thể của dự thảo luật, đại biểu bày sự băn khoăn về 3 nhóm vấn đề:
Thứ nhất, một số quy định của dự thảo chưa tương thích với pháp luật quốc tế. Cần xem xét làm rõ quy định về tên miền tại khoản 61 Điều 1 của dự thảo (sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 1 Điều 130) vì quy định sửa đổi chỉ thêm cụm từ “có dụng ý xấu”, vẫn chưa rõ đi hướng tiếp cận nào: Chính sách giải quyết tên miền thống nhất (UDRP) hay Bộ quy tắc giải quyết tranh chấp tên miền.EU (ADR) ở Liên minh Châu Âu. Quy định sửa đổi ở Dự thảo có vẻ như chưa thực sự tuân thủ điều 18.28 CPTPP yêu cầu một chính sách giải quyết tranh chấp tên miền dựa theo UDRP gồm 3 điều kiện: Tên miền tranh chấp trùng hoặc giống đến mức nhầm lẫn với nhãn hiệu hàng hóa hoặc nhãn hiệu dịch vụ của chủ thể quyền mà chủ thể quyền có quyền đối với nhãn hiệu hàng hóa hoặc nhãn hiệu dịch vụ đó; Chủ thể đăng ký tên miền tranh chấp không có quyền hoặc lợi ích hợp pháp liên quan đến tên miền tranh chấp đó; Tên miền tranh chấp đã bị chủ thể đăng ký tên miền tranh chấp đăng ký và sử dụng với ý đồ xấu (không trung thực).
Thứ hai, một số quy định của dự thảo có thể gây trở ngại trong thực tiễn áp dụng. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét lại quy định sửa đổi khoản 1 Điều 151 (khoản 69 Điều 1 của dự thảo) và quy định bổ sung khoản 2a vào Điều 155 (khoản 72 Điều 1 của dự thảo) về các điều kiện được cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp với lý do: Quy định cho phép người đã có chứng chỉ luật sư không cần qua thi tuyển có thể được hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp là chưa hợp lý. Việc quy định như vậy sẽ làm giảm đi chất lượng của dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp bởi lẽ lĩnh vực này là một lĩnh vực khó, kể cả những luật sư đã có chứng chỉ hành nghề nhưng không qua kiểm tra năng lực thì cũng không thể đảm đương được.
Thứ ba, một số quy định của dự thảo luật chưa đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Quy định về trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian (khoản 87 Điều 1 của dự thảo bổ sung Điều 198b) chưa phù hợp với pháp luật về thương mại điện tử. Bởi lẽ, quy định của Điều 198b không buộc doanh nghiệp trung gian có nghĩa vụ rà soát, tiếp nhận khiếu nại hành vi xâm pham trên platform của họ khi chủ thể quyền thực hiện thủ tục thông báo gỡ bỏ nội dung vi phạm. Quy định như vậy là chưa thống nhất với quy định của Điều 36 Nghị định 52/2013 về thương mại điện tử./.