ĐẠI BIỂU ĐỖ THỊ VIỆT HÀ: SỬA ĐỔI, BỔ SUNG QUYỀN HẠN CHO CẢNH SÁT CƠ ĐỘNG LÀ HỢP LÝ

26/10/2021

Sáng 26/10, Quốc hội đã thảo luận trực tuyến về dự thảo Luật Cảnh sát cơ động. Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang có một số ý kiến về Dự án luật, theo đó, đại biểu nhất trí cao về sự cần thiết phải ban hành Luật và tán thành sửa đổi bổ sung quyền hạn cho lực lượng cảnh sát cơ động.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang Đỗ Thị Việt Hà thảo luận về Dự án Luật Cảnh sát cơ động

Sau khi nghiên cứu hồ sơ dự thảo Luật Cảnh sát cơ động trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp này, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang có một số ý kiến như sau:

1/ Trước hết, về sự cần thiết ban hành Luật: Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà nhất trí cao về sự cần thiết phải ban hành Luật đã được nêu tại Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban QPAN và cho rằng việc ban hành Luật này sẽ cụ thể hóa nội dung về quyền con người, quyền công dân đã được quy định trong Hiến pháp 2013; thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về xây dựng lực lượng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; ưu tiên hiện tại hóa một số lực lượng, trong đó có lực lượng CSCĐ; khắc phục hạn chế, bất cập sau 07 năm thực hiện Pháp lệnh CSCĐ; đồng thời tạo cơ sở pháp lý động bộ cho việc xây dựng lực lượng CSCĐ đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới,

2/ Về nội dung dự thảo Luật: Trong Báo cáo thẩm tra dự thảo Luật của UB QPAN có nêu 6 nội dung đề nghị các đại biểu tập trung nghiên cứu, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà có ý kiến về 3/6 nội dung này như sau:

Thứ nhất, về vị trí, chức năng của CSCĐ quy định tại Điều 3 dự thảo Luật: Dự thảo Luật đã quy định rõ hơn vị trí, chức năng của CSCĐ so với Pháp lệnh khi ngoài việc kế thừa quy định của Pháp lệnh đã quy định rõ thêm CSCĐ là lượng lượng vũ trang nhân dân và không chỉ là lực lượng nòng cốt mà còn là lực lượng chuyên trách thực hiện các biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn, xã hội. Quy định như dự thảo là cần thiết và phù hợp, thống nhất pháp luật hiện hành như Luật CAND, Luật Quốc phòng, Luật Cảnh sát biển Việt Nam, Luật Biên phòng VN.

Thứ hai, về quyền hạn của CSCĐ tại Điều 10 dự thảo Luật: nếu như Pháp lệnh quy định nhiệm vụ, quyền hạn của CSCĐ trong cùng 1 Điều luật thì dự thảo Luật này đã dành riêng 1 điều để quy định về quyền hạn của CSCĐ. Đồng thời quy định theo hướng có kế thừa, có sửa đổi và có bổ sung quyền hạn cho CSCĐ là phù hợp để bảo đảm phát huy được vị trí, vai trò, tầm quan trọng, tính đặc trưng của lực lượng CSCĐ; đáp ứng với yêu cầu tác chiến, tính chất cơ động nhanh của CSCĐ trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao.

So với Pháp lệnh, dự thảo Luật này tại khoản 2 Điều 10 đã bổ sung quyền của CSCĐ đó là quyền “Được mang theo người, vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ vào cảng hàng không và lên tàu bay dân sự”; đồng thời khoản này cũng quy định rất rõ 3 trường hợp cụ thể mà CSCĐ được thực hiện quyền nêu trên. Việc bổ sung quyền này là cần thiết, phù hợp, khá chặt chẽ nhằm khắc phục hạn chế, bất cập của Pháp lệnh; tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tế thời gian qua. Liên quan đến nội dung này, qua rà soát Luật Hàng không dân dụng và các văn bản quy định chi tiết thi hành cho thấy chưa có quy định CSCĐ được là đối tượng được mang theo người vũ khí lên tàu bay trong trường hợp thực hiện chức năng, nhiệm vụ tác chiến đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt mà vẫn phải ký gửi hành lý theo quy định. Việc này, nếu thực hiện nhiệm vụ bình thường theo kế hoạch thì sẽ không ảnh hưởng, tuy nhiên đối với những trường hợp cấp bách cần cơ động nhanh lực lượng cùng các loại vũ khí, trang bị bằng đường hàng không để kịp thời giải quyết vụ việc thì sẽ không đảm bảo vì còn mất thời gian làm thủ tục ký gửi và nhận hành lý, như vậy có thể sẽ làm ảnh hưởng đến tính kịp thời trong việc triển khai lực lượng, phương án tác chiến của CSCĐ. Đây cũng là nội dung đã được Bộ Công an rà soát khá kỹ để làm căn cứ bổ sung quyền này thể hiện ở BC số 483 của BCA về việc rà soát các VBQPPL có liên quan có trong hồ sơ trình dự án Luật này,

Thứ ba, về hệ thống tổ chức của CSCĐ: đây là nội dung Chính phủ xin ý kiến Quốc hội trong Tờ trình dự án Luật và đề xuất 02 phương án.

Đại biểu tán thành phương án 1, theo đó, đề nghị giữ nguyên quy định về hệ thống tổ chức của CSCĐ như dự thảo Luật, theo đó chỉ quy định mang tính nguyên tắc về hệ thống tổ chức của CSCĐ gồm: Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động và Cảnh sát cơ động Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đồng thời giao Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết về hệ thống tổ chức của CSCĐ là cơ bản thống nhất pháp luật hiện hành, tương tự quy định về hệ thống tổ chức của lực lượng cảnh vệ, lực lượng cảnh sát biển; đồng thời bảo đảm linh hoạt trong quá trình tổ chức lực lượng theo yêu cầu nhiệm vụ trong từng giai đoạn, từng hoàn cảnh, tình huống cụ thể và phù hợp với thẩm quyền của Bộ Công an quy định tại khoản 2 Điều 8 Luật CAND năm 2018.

Cùng với việc tham gia ý kiến vào 3/6 nội dung được định hướng tập trung thảo luận, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà quan tâm thêm đến quy định về thực hiện chính sách nhà ở xã hội cho cán bộ, chiến sĩ CSCĐ.

Điều 28 dự thảo Luật quy định trách nhiệm của HĐND, UBND cấp tỉnh. có quy định “…thực hiện chính sách về nhà ở xã hội cho cán bộ, chiến sĩ CSCĐ theo quy định của pháp luật”. Xét thấy:

Một, Luật Nhà ở hiện hành đã quy định trách nhiệm của UBND các cấp trong quản lý nhà nước về nhà ở; Luật này cũng đã quy định về chính sách nhà ở xã hội, trong đó Điều 49 quy định về các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội có quy định đến đối tượng là sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc CAND và QĐND” và không có khoản nào quy định “và các đối tượng khác theo quy định của pháp luật”.

Hai, theo quy định của khoản 3 Điều 2 dự thảo Luật này thì “Cán bộ, chiến sĩ CSCĐ bao gồm: sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ CSCĐ thuộc CAND”.

Ba, trong Báo cáo số 483 của Bộ Công an về việc rà soát các VBQPPL có liên quan đến Luật này và 02 Phụ lục kèm theo Báo cáo đã rà soát đến hơn 10 Luật nhưng chưa nêu đến Luật Nhà ở.

Do đó, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát thêm Luật Nhà ở để bảo đảm tính thống nhất giữa các văn bản Luật./.

Ảnh: Mạnh Thắng