Đại biểu Đặng Bích Ngọc tham gia ý kiến tại phiên thảo luận trực tiếp của Quốc hội
Phát biểu tại điểm cầu Hoà Bình, đại biểu Đặng Bích Ngọc bày tỏ sự đồng tình với Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và an ninh đối với dự thảo Luật Cảnh sát cơ động. Theo đại biểu, việc nâng từ Pháp lệnh Cảnh sát cơ động lên thành Luật Cảnh sát cơ động không chỉ là việc thể chế hoá các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước… mà còn đáp ứng đủ, kịp thời những vấn đề phát sinh trong thực tiễn, phù hợp với tình hình mới của đất nước cũng như xu thế tất yếu trên thế giới.
Theo đại biểu Đặng Bích Ngọc, thực tế hiện nay, Pháp lệnh Cảnh sát cơ động đã và đang bộc lộ nhiều hạn chế, tồn tại cần phải khắc phục, và dự thảo Luật Cảnh sát cơ động đã giải quyết tương đối tốt những nguyên nhân hạn chế đó. Tuy nhiên, nhằm đóng góp ý kiến hoàn thiện Dự luật, đại biểu kiến nghị điều chỉnh một số nội dung sau:
Một là về sự cần thiết phải xây dựng Luật. Đại biểu đồng tình với quan điểm, chủ trương, sự cần thiết xây dựng Luật Cảnh sát cơ động trong giai đoạn hiện nay, nhằm cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp; khắc phục những bất cập, hạn chế trong quá trình thực hiện pháp lệnh; nhằm tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tổ chức và hoạt động của lực lượng cảnh sát cơ động, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội và xây dựng lực lượng cảnh sát cơ động trong tình hình mới. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị những nội dung đã được quy định trong Luật Công an nhân dân sẽ không đưa vào Luật Cảnh sát cơ động, bởi Cảnh sát cơ động cũng là lực lượng thuộc Công an nhân dân. Do đó, chỉ quy định những nội dung là đặc thù của lực lượng Cảnh sát cơ động trong dự thảo Luật này.
Hai là, về nhiệm vụ của Cảnh sát cơ động, tại khoản 3, Điều 9 quy định nhiệm vụ của cảnh sát cơ động là “huấn luyện công tác phòng, chống khủng bố”. Tuy nhiên, trên thực tế việc huấn luyện công tác phòng chống khủng bố là nhiệm vụ của lực lượng phòng, chống khủng bố, còn lực lượng Cảnh sát cơ động chỉ có thể phối hợp trong việc bồi dưỡng huấn luyện. Vì vây, đại biểu đề nghị dự thảo Luật loại bỏ nhiệm vụ này, tránh chồng chéo với các quy định pháp luật khác.
Ba là, về Hệ thống tổ chức của Cảnh sát cơ động, đại biểu đồng tình với Phương án 1: Đề nghị giữ nguyên quy định về hệ thống tổ chức như dự thảo Luật do Chính phủ trình Quốc hội, theo đó chỉ quy định mang tính nguyên tắc về hệ thống tổ chức của Cảnh sát cơ động gồm: Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động và Cảnh sát cơ động Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; giao Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết về hệ thống tổ chức của Cảnh sát cơ động để đảm bảo thống nhất với quy định của Luật Công an nhân dân năm 2018.
Việc quy định mang tính nguyên tắc về tổ chức và cơ cấu của lực lượng cảnh sát cơ động là phù hợp với Khoản 2, Điều 4, Nghị định số 01/2018/NĐ-CP ngày 06/8/2018 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Bộ Công an. Việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức cụ thể của Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động thuộc thẩm quyền Bộ trưởng Bộ Công an. Quy định như phương án 1 là phù hợp và thống nhất với các văn bản pháp luật hiện hành, đồng thời tạo sự linh hoạt trong việc bố trí, sắp xếp tổ chức phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong từng giai đoạn, thời kỳ.
Bốn là, về huy động người, phương tiện, thiết bị, đại biểu cơ bản đồng tình với Dự thảo về quy định trong trường hợp cấp bách để thực hiện nhiệm vụ, Cảnh sát cơ động được huy động người và phương tiện…. Việc quy định quyền hạn của cảnh sát cơ động sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để lực lượng này thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, giữ vững ổn định chính trị, chống các thế lực thù địch phá hoại, chống mọi xâm phạm vào các lợi ích quốc gia, dân tộc, kịp thời ngăn chặn, xử lý các hành vi phạm tội; tạo môi trường an toàn cho các nhà đầu tư.
Tuy nhiên, để đảm bảo việc huy động được thực hiện đúng lúc, đúng đối tượng, tránh lạm quyền hoặc vi phạm trong quá trình huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự, đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần bổ sung quy định người có thẩm quyền huy động tại khoản 3, Điều 17 phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và cấp trên về quyết định của mình; giao Bộ trưởng Bộ công an quy định chi tiết nội dung này, đảm bảo phù hợp với các quy định của pháp luật có liên quan.
Năm là, về chế độ, chính sách đối với cán bộ, chiến sĩ cảnh sát cơ động, đại biểu đề nghị không nên quy định quá chi tiết về chế độ chính sách đối với cán bộ, chiến sĩ trong Luật. Dự thảo Luật chỉ quy định chế độ chính sách chung như khoản 1, Điều 23 là đảm bảo đầy đủ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức triển khai thực hiện sau này. Đối với những chế độ mang tính đặc thù sẽ do Bộ Công an hướng dẫn, đảm bảo phù hợp với Luật công an nhân dân và không trái với các quy định pháp luật khác. Tránh những quy định cứng sẽ gấy khó khăn cho việc tổ chức, triển khai thực hiện. Những đối tượng cần được sự hỗ trợ về nhà ở của Nhà nước, Bộ sẽ có hướng dẫn cụ thể về đối tượng được hưởng và mức hưởng phù hợp với từng thời kỳ.
Sáu là, về trách nhiệm của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, đại biểu Đặng Bích Ngọc bày tỏ băn khoăn về quy định trách nhiệm của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân trong việc phối hợp bố trí quy hoạch quỹ đất để Cảnh sát cơ động xây dựng thao trường huấn luyện và thực hiện chính sách về nhà ở cho cán bộ chiến sĩ cảnh sát cơ động.
Theo đại biểu, việc quy định nội dung này trong Luật sẽ gây khó khăn cho các địa phương không có quỹ đất rộng. Do vậy, đại biểu đề nghị Dự thảo xem xét để quy định đảm bảo tính khả thi trên thực tế, đảm bảo sự phối hợp giữa Bộ Công an và các địa phương trong quá trình thực hiện Luật.
Bảy là, về trách nhiệm của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội: Đại biểu Đặng Bích Ngọc đề nghị bỏ cụm từ “với cơ quan, tổ chức có liên quan” và từ “giúp đỡ” trước cụm từ cảnh sát cơ động thực hiện nhiệm vụ. Đây là trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan này phải có trách nhiệm trong việc phối hợp để cảnh sát cơ động thực hiện tốt nhiệm vụ theo quy định của pháp luật. Nên viết lại là: “Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp để tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện pháp luật về cảnh sát cơ động và giám sát cảnh sát cơ động trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao” – đại biểu Đặng Bích Ngọc cho biết./.