Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng Trịnh Thị Tú Anh phát biểu thảo luận
Tham dự phiên thảo luận về Dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ tại điểm cầu tỉnh Lâm Đồng có 4 đại biểu Quốc hội, gồm: ông Trần Đình Văn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Lâm Đồng; ông Nguyễn Tạo, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Ủy viên Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội; cùng các đại biểu Quốc hội: K’ Nhiễu và Trịnh Thị Tú Anh. Cùng tham dự có đại diện Ban văn hóa - xã hội HĐND tỉnh, sở Khoa học công nghệ, Văn hóa - Thể thao và du lịch, sở Giáo dục và Đào tạo, Trường Chính trị tỉnh Lâm Đồng.
Luật Sở hữu trí tuệ được ban hành năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019) đã tạo lập khung pháp lý hữu hiệu, phát triển hoạt động sở hữu trí tuệ của tổ chức, cá nhân trên lãnh thổ Việt Nam phù hợp với quy định của pháp luật và đáp ứng chuẩn mực quốc tế về bảo hộ sở hữu trí tuệ. Đạo luật này được sửa đổi, bổ sung một số điều vào các năm 2009 và 2019 chủ yếu để đáp ứng các yêu cầu của cam kết quốc tế theo lộ trình.
Tham gia thảo luận trực tuyến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng cho rằng:
Thứ nhất, về các quy định về chủ sở hữu quyền tác giả, Điều 37 Luật Sở hữu trí tuệ quy định “Tác giả sử dụng thời gian, tài chính, cơ sở vật chất - kỹ thuật của mình để sáng tạo ra tác phẩm có các quyền nhân thân quy định tại Điều 19 và các quyền tài sản quy định tại Điều 20 của Luật này”. Tương tự, Điều 38 Luật Sở hữu trí tuệ quy định “1. Các đồng tác giả sử dụng thời gian tài chính, cơ sở vật chất - kỹ thuật của mình để cùng sáng tạo ra tác phẩm có chung các quyền tài sản quy định tại Điều 19, 20 của Luật này đối với tác phẩm đó”. Các quy định trên đều đưa ra căn cứ xác định chủ sở hữu quyền tác giả là khi “tác giả sử dụng thời gian, tài chính, cơ sở vật chất - kỹ thuật của mình để sáng tạo ra tác phẩm”. Việc nhấn mạnh yếu tố sử dụng thời gian, tài chính, cơ sở vật chất, kỹ thuật để sáng tạo ra tác phẩm đó có thể dẫn đến những diễn giải rằng người nào đầu tư tài chinh, cơ sở vật chất - kỹ thuật để sáng tạo ra tác phẩm là tác giả; những người cùng đóng góp thời gian, tài chính, cơ sở vật chất kỹ thuật để tạo ra là đồng tác giả.
Tác phẩm là một sản phẩm sáng tạo tinh thần, do đó, việc đóng góp tài chính, cơ sở vật chất - kỹ thuật không mang ý nghĩa quyết định cũng như không phải là điều kiện để xác định tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả
Tham khảo điều 201 Luật Quyền tác giả Hoa Kỳ quy định về chủ sở hữu quyền tác giả theo hướng loại trừ như sau: a. Điều này xác định tác giả/đồng tác giả là chủ sở hữu gốc tác phẩm; b. Đối với tác phẩm được làm thuê thì người sử dụng lao động hay người đặt hàng cho việc sáng tạo là chủ sở hữu quyền tác giả. Vì vậy, đại biểu kiến nghị nên chỉnh sửa Điều 37 theo phương pháp loại trừ như sau “Tác giả là chủ sở hữu quyền tác giả, trừ trường hợp tác phẩm được tạo ra theo nhiệm vụ hoặc hợp đồng quy định tại điều 39”; đồng thời Khoản 1 Điều 38 Luật Sở hữu trí tuệ được sửa lại như sau” Các đồng tác giả là chủ sở hữu quyền tác giả, trừ trường hợp tác phẩm được tạo ra theo nhiệm vụ hoặc theo hợp đồng quy định tại Điều 39”.
Thứ hai, Về quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý, dự thảo Luật Sở hữu trí tuệ có sửa đổi điều 88 như sau:
“1. Quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý của Việt Nam thuộc về nhà nước; nhà nước cho phép tổ chức, cá nhân sản xất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, tổ chức tập thể đại diện cho các tổ chức cá nhân đó hoặc cơ quan quản lý hành chính địa phương nơi có chỉ dẫn địa lý thực hiện quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý”
Theo đại biểu Trịnh Thị Tú Anh, Quy định trên trong Dự thảo là không phù hợp. Chỉ dẫn địa lý Việt Nam theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ là nhà nước Việt Nam. Và về nguyên tắc, tất cả tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, khi có nhu cầu đề có thể được cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý nếu đáp ứng điều kiện đưa ra bởi tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý. Việc Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành và Dự thảo sửa đổi quy định nhà nước cho phép tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý thực hiện quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý là không phù hợp, vì tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý không đại diện cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý tại khu vực địa lý đó. Do đó, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh kiến nghị loại bỏ quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý với nhóm chủ thể là tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý. Theo đó, chủ thể có quyền đăng ký chỉ nên giới hạn ở (i) tổ chức, tập thể đại diện cho các tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý và (ii) cơ quan quản lý hành chính địa phương nơi có chỉ dẫn địa lý thực hiện quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý.
Thứ ba, về tiêu chí đánh giá nhãn hiệu nổi tiếng, tại Điều 75 của Luật Sở hữu trí tuệ. Đại biểu đề nghị cân nhắc các tiêu chí từ 6-8 tại quy định này. Lý do: Việc bảo hộ nhãn hiệu mang tính lãnh thổ, do đó, một nhãn hiệu được bộ phận công chúng có liên quan tại quốc gia này biết đến rộng rãi như một nhãn hiệu nổi tiếng nhưng ở quốc gia khác, đại bộ phận công chúng có liên quan không biết đến sự tồn tại của nhãn hiệu đó cũng như sự nổi tiếng của nhãn hiệu đó. Do đó, các tiêu chí như (i) Số lượng quốc gia bảo hộ nhãn hiệu; (ii) Số lượng quốc gia công nhận nhãn hiệu là nổi tiếng; (iii) Giá chuyển nhượng, giá chuyển giao quyền sử dụng vân vân chỉ mang tính chất tham khảo. Đồng thời, cũng cần có những quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục công nhận nhãn hiệu nổi tiếng./.