ĐẠI BIỂU PHẠM THỊ KIỀU: CẦN ĐA DẠNG HƠN NỮA CÁC SẢN PHẨM DỊCH VỤ BẢO HIỂM Y TẾ

28/10/2021

Chiều 27/10, thảo luận trực tuyến về Báo cáo tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH), tình hình quản lý, sử dụng Quỹ BHXH và Báo cáo kết quả quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) năm 2020 của Chính phủ. Đại biểu Phạm Thị Kiều, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông đánh giá cao công tác phát triển đối tượng tham gia BHYT.

 

Theo đại biểu Phạm Thị Kiều, tính đến ngày 31/12/2020, số người tham gia BHYT là 87,96 triệu người, tỷ lệ bao phủ BHYT là 90.85% dân số, vượt chỉ tiêu theo Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012-2020 (trên 80% dân số tham gia BHYT). Nghị quyết 68/2013/QH13 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm toàn dân (có ít nhất 80% dân số tham gia BHYT). Tuy nhiên, chất lượng dịch vụ và công tác thực hiện các chế độ, chính sách BHYT thời gian qua còn nhiều vấn đề đặt ra. Vì vậy, để thực hiện tốt chính sách, pháp luật về BHYT trong thời gian tới, cần hướng tới việc nâng cao chất lượng dịch vụ BHYT; đồng thời thực hiện “Đa dạng sản phẩm dịch vụ bảo hiểm y tế phù hợp với các tầng lớp trong xã hội theo tinh thần Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Đại biểu Phạm Thị Kiều, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông tán thành đề xuất “Cho phép sử dụng ngân sách Nhà nước thanh toán toàn bộ chi phí khám chữa bệnh cho bệnh nhân COVID-19, bao gồm cả chi phí khám chữa bệnh COVID-19 và các bệnh nền”, bởi vì rất khó để có thể phân chia rạch ròi chi phí khám chữa bệnh COVID-19 với chi phí khám chữa bệnh các bệnh nền. Việc thực hiện quy định này cũng giúp chia sẻ khó khăn với người dân đang chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19; đồng thời thể hiện tính nhân văn, tính ưu việt của Nhà nước ta.

Đại biểu Phạm Thị Kiều, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông phát biểu thảo luận

Đồng thời, đại biểu Phạm Thị Kiều cũng kiến nghị “Ban hành nghị quyết quy định việc đóng BHYT trong thời gian người lao động phải nghỉ việc, tạm hoãn hoặc ngừng hợp đồng lao động không hưởng lương do dịch bệnh gây ra”. Theo quy định tại Điều 15 của Luật Bảo hiểm y tế thì việc đóng BHYT được thực hiện định kỳ hằng tháng. Trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 thời gian qua, nhiều người lao động phải nghỉ việc, tạm hoãn hoặc dừng hợp đồng lao động không hưởng lương. Việc có chính sách về đóng BHYT trong trường hợp này là cần thiết. Tuy nhiên, đại biểu cũng đề nghị Chính phủ nghiên cứu đề xuất tổng thể chính sách về bảo hiểm nói chung, không chỉ riêng BHYT.

Bên cạnh đó, việc “Nghiên cứu, xem xét việc sửa đổi Nghị quyết số 68 để phù hợp với các Nghị quyết của Đảng về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới”. Nghị quyết 68/2013/QH13 là Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, do đó, việc đề xuất sửa đổi Nghị quyết này là không phù hợp, đề nghị Chính phủ nghiên cứu sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế để thể chế hóa Nghị quyết của Đảng về vấn đề này./.

Lệ Quyên