ĐẠI BIỂU LÝ TIẾT HẠNH: CẦN BỔ SUNG HÌNH THỨC KHEN THƯỞNG “HUY CHƯƠNG THANH NIÊN XUNG PHONG VẺ VANG”

28/10/2021

Tham gia góp ý từ điểm cầu Bình Định về Dự án Luật Thi đua, khen thưởng(sửa đổi), Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định Lý Tiết Hạnh cho rằng cần bổ sung hình thức khen thưởng “huy chương thanh niên xung phong vẻ vang”, đồng thời có quy định phân hạng để có sự tương thích với hệ thống thi đua khen thưởng.

Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định Lý Tiết Hạnh phát biểu thảo luận

Theo đại biểu Lý Tiết Hạnh, dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng(sửa đổi) có 98 điều, trong đó có 94 điều được sửa đổi, ghép các điều khoản, bổ sung nhiều nội dung mới, phạm vi sửa đổi rộng so với luật hiện hành đã qua 17 năm thực hiện. Vì đây là lần sửa đổi cơ bản, toàn diện, đại biểu đề nghị ban soạn thảo cân nhắc tên của dự thảo luật là Luật thi đua khen thưởng kèm năm ban hành và có hiệu lực.

Đại biểu cũng bày tỏ nhất trí cao với đề xuất của Chính phủ về việc bổ sung hình thức khen thưởng “Huy chương thanh niên xung phong vẻ vang”. Lực lượng thanh niên xung phong, tiền thân là đội thanh niên xung phong công tác được thành lập theo chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã không ngừng lớn mạnh với 670.000 đội viên qua các thời kỳ, là lực lượng tập trung, có tổ chức chặt chẽ, được giao nhiệm vụ cụ thể, vừa sản xuất vừa phục vụ chiến đấu, trong một số trường hợp cũng là lực lượng chiến đấu gian khổ, hy sinh, cống hiến và cũng là môi trường rèn luyện thế hệ trẻ. Vì vậy, xét về mặt tổ chức, đây là lực lượng rất xứng đáng được nhà nước ghi nhận, khen thưởng. Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, về cơ bản, các đội viên thanh niên xung phong các thời kỳ đã được khen thưởng từ bằng khen của UBND tỉnh trở lên, được Trung ương Đoàn TNCS HCM tặng kỷ niệm chương, được hưởng các chế độ chính sách theo pháp lệnh ưu đãi người có công. Tuy nhiên, hiện có khoảng 588.000/670.000 người chưa được khen thưởng thành tích kháng chiến mà thực tế hiện nay đa phần họ đã cao tuổi. Vì vậy, việc có hình thức khen thưởng này không chỉ là nguồn động viên đối với các đội viên thành niên xung phong các thời kỳ kháng chiến, vừa có ý nghĩa giáo dục thế hệ trẻ rất lớn.

Vì vậy đại biểu kiến nghị bổ sung hình thức khen thưởng Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang vào Luật, đồng thời, kiến nghị không nên đồng nhất một hạng mà căn cứ vào thời gian tham gia, mức độ cống hiến, tành tích để phân hạng 1, 2, 3 như Huy chương Chiến sĩ vẻ vang, như vậy việc khen thưởng sẽ vừa trân trọng, xứng đáng hơn, đảm bảo chặt chẽ, công bằng với sự cống hiến hy sinh của từng đội viên, vừa tương thích với hệ thống thi đua khen thưởng.

Về điều 93 quy định về xử lý vi phạm, đại biểu đồng tình việc quy định xử lý nghiêm minh các vi phạm về thi đua khen thưởng, tuy nhiên có sự băn khoăn về hai vấn đề. Thứ nhất, trong 8 khoản tại điều 93 thì có 7 khoản liên quan đến “Tước danh hiệu vinh dự Nhà nước”. Trong đó nội dung của nhiều khoản chưa rõ, so sánh quy định giữa các khoản chưa thống nhất, chưa tường minh, có những điểm khó hiểu. Thứ hai, đại biểu rất băn khoăn với quy định “tước danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam anh hùng”, vì trong hệ thống 7 danh hiệu vinh dự nhà nước tặng vinh danh cá nhân, thì 6 danh hiệu là thành tích tự thân người đó làm nên là chính. Riêng đối với danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, đây là sự ghi nhận hy sinh xương máu của chồng, con của Mẹ, vì vậy đây là quy định liên quan đến thân nhân liệt sĩ. Đây là vấn đề đại biểu cho rằng cần cân nhắc khi quy định thành một điều khoản trong luật./.

Nguyễn Hùng