Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương, Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận phát biểu thảo luận
Theo đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương, việc xây dựng và ban hành Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển thành phố Hải Phòng và các tỉnh Thừa Thiên Huế, Thanh Hóa, Nghệ An nhằm tạo cơ chế huy động nguồn lực đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương.
Tham gia vào nội dung của các Nghị quyết, đại biểu nêu một số ý kiến như sau.
Về mức dư nợ vay, đại biểu tán thành với quy định tổng mức dư nợ vay của các tỉnh, thành phố theo quy định tại dự thảo các nghị quyết. Tuy nhiên, để đảm bảo tính thuyết phục, tính minh bạch trong pháp luật, cần bổ sung quy định về nguyên tắc vay, cơ chế chịu trách nhiệm của thành phố và các tỉnh, cam kết đảm bảo trả nợ vay và hiệu quả vốn vay. Phải có sản phẩm được đầu tư bằng vốn vay, sản phẩm đó phải thật sự mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội và có hiệu ứng lan tỏa cho kinh tế vùng và kinh tế quốc gia, tránh làm ảnh hưởng vượt trần nợ công của quốc gia.
Về thí điểm thực hiện chính sách phí, lệ phí, đại biểu băn khoăn với quy định cho phép Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa và thành phố Hải Phòng được điều chỉnh mức hoặc tỷ lệ thu phí, lệ phí đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các loại phí, lệ phí được quy định trong danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí. Liệu có đảm bảo tính thống nhất trong pháp luật của Việt Nam hay không. Để tránh việc chính quyền địa phương được điều chỉnh mức thu hoặc tỷ lệ thu phí, lệ phí quá mức gây khó khăn cho các đối tượng chịu tác động. Theo đại biểu cần bổ sung quy định về nguyên tắc, tỷ lệ phần trăm được điều chỉnh so với mức phí, lệ phí theo quy định của luật hiện hành.
Về quản lý đất đai, dự thảo Nghị quyết quy định đối với tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Nghệ An thì Hội đồng nhân dân tỉnh được quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa 2 vụ trở lên với quy mô dưới 500 hecta, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng với quy mô dưới 50 hecta và Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An, tỉnh Thanh Hóa quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sản xuất với quy mô dưới 1000 hecta. Đề nghị cần làm rõ số hecta đất được giao thẩm quyền chuyển mục đích nêu trên là số hecta đất trên một dự án hay như thế nào? Nếu quy định trên một dự án thì quá lớn. Đề nghị cần xem xét, nghiên cứu quy định chặt chẽ, đảm bảo minh bạch, tránh việc hiểu không thống nhất trong áp dụng để đảm bảo tính thuyết phục và công bằng vì địa phương nào cũng cần chuyển mục đích sử dụng đất để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội cả nên theo tôi Quốc hội cũng cần xem xét, ban hành nghị quyết điều chỉnh thẩm quyền chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với các địa phương khác cho phù hợp, đảm bảo thuận lợi, kịp thời cho các địa phương đầu tư phát triển, thực hiện đảm bảo nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, đề nghị cần quy định đảm bảo tính thống nhất trong ban hành văn bản quy phạm pháp luật khi triển khai thực hiện nghị quyết của Quốc hội, tránh việc chậm trễ, không đảm bảo tính liên tục, tính thống nhất theo tinh thần của Nghị quyết Quốc hội sẽ làm giảm hiệu quả của cơ chế, chính sách đặc thù cho các tỉnh, thành phố được thụ hưởng.
Đơn cử như tỉnh Ninh Thuận, Quốc hội khóa XIV đã ban hành Nghị quyết số 31 ngày 22/11/2016 về việc dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân tỉnh Ninh Thuận. Theo đó, Quốc hội giao cho Chính phủ chú trọng phát triển nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo nhằm hỗ trợ, giúp đỡ tỉnh Ninh Thuận phát triển được nêu tại khoản 2 của Nghị quyết. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 115 ngày 31/8/2018 về việc thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất, ổn định đời sống nhân dân giai đoạn 2018-2023, theo đó Chính phủ đã chấp thuận chủ trương phát triển tỉnh Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước. Nghiên cứu phát triển tổ hợp điện khí, khí thiên nhiên hóa lỏng LNG Cà Ná với quy mô phù hợp. Nội dung này được quy định rất cụ thể trong Nghị quyết số 115.
Ninh Thuận một tỉnh còn rất khó khăn nhưng đã thu hút được nhà đầu tư. Để đảm bảo tính thống nhất liên tục về cơ chế, chính sách đặc thù mà Quốc hội, Chính phủ đã dành cho Ninh Thuận, tạo động lực cho Ninh Thuận phát triển mạnh mẽ, tỉnh đã có nhiều văn bản kiến nghị Chính phủ thay thế quy mô công suất 4.600MW của dự án điện hạt nhân Ninh Thuận đã dần thực hiện bằng nguồn điện khí LNG, cập nhật bổ sung các giai đoạn tiếp theo của Trung tâm điện lực LNG Cà Ná vào quy hoạch điện 8. Nhưng qua theo dõi vẫn chưa được xem xét cập nhập trong quy hoạch phát triển điện 8. Việc này làm hạn chế chủ trương phát triển tỉnh Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước theo Nghị quyết 115 của Chính phủ.
Đồng thời để đảm bảo tính hiệu quả, đề nghị Quốc hội chỉ đạo sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện cơ chế chính sách đặc thù đã được ban hành cho các địa phương. Nghị quyết số 115 của Chính phủ là nghị quyết cụ thể hóa Nghị quyết số 31 của Quốc hội như đã nêu trên, chỉ còn khoảng 2 năm nữa là kết thúc Nghị quyết nên rất cần được sơ kết, đánh giá để làm cơ sở xây dựng cơ chế chính sách đặc thù trong thời gian tới, nhất là các tỉnh còn rất khó khăn về nguồn lực để đầu tư phát triển./.