ĐẠI BIỂU NGUYỄN THỊ VIỆT NGA: QUY ĐỊNH VỀ QUỸ BẢO TỒN DI SẢN HUẾ NHƯ DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT LÀ HỢP LÝ

28/10/2021

Nhất trí cao với các dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển của thành phố Hải Phòng và các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương phân tích thêm về sự cần thiết quy định về Quỹ bảo tồn di sản Huế trong Nghị quyết.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương phát biểu thảo luận

Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Điều 4 trong dự thảo Nghị quyết có quy định về Quỹ bảo tồn di sản Huế, cho phép thành lập quỹ để bổ sung nguồn lực phục vụ công tác trùng tu, bảo tồn di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Nguồn quỹ được tiếp nhận từ ngân sách Nhà nước của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hỗ trợ và nguồn tài trợ các tổ chức, cá nhân khác trong và ngoài nước và các nguồn thu hợp pháp khác. Và mục đích của quỹ là để đầu tư thực hiện công tác trùng tu, bảo tồn, phát triển giá trị di sản Huế, đầu tư cho các công trình, hạng mục chưa được ngân sách nhà nước đầu tư hoặc đầu tư chưa đủ. Chính nội dung Điều 4 này của Nghị quyết cũng gây ra nhiều băn khoăn cho các đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên theo đại biểu, quy định về Quỹ bảo tồn di sản Huế như trong dự thảo Nghị quyết là hợp lý, bởi những lý do sau.

Thứ nhất, Việt Nam hiện có 8 di sản vật thể được UNESCO vinh danh, gồm 3 loại hình, là di sản thiên nhiên thế giới, di sản văn hóa thế giới và di sản hỗn hợp văn hóa, thiên nhiên. Trong đó, quần thể Cố đô Huế là thuộc về di sản văn hóa thế giới và cũng là di sản được vinh danh đầu tiên ở Việt Nam năm 1993. Di sản này là một quần thể kiến trúc với nhiều công trình và cụm công trình nằm ở cả trong và ngoài kinh thành Huế, với quy mô lớn, nhiều hạng mục và vật liệu xây dựng thì chủ yếu là vôi, vữa, gạch, ngói và tre, gỗ. Trải qua hàng trăm năm từ khi bắt đầu xây dựng cho đến nay lại chịu sự ảnh hưởng nặng nề của chiến tranh và thiên tai, cho nên nhiều hạng mục đã xuống cấp trầm trọng và ngân sách hàng năm, cộng với kinh phí thu được từ bán vé dành cho việc trùng tu, tôn tạo thực sự chỉ như muối bỏ bể. Nhiều công trình quan trọng có ý nghĩa lớn đã rất xuống cấp nhưng lại chưa được trùng tu, tôn tạo kịp thời do hạn hẹp về kinh phí. Vấn đề cấp bách đặt ra là cần huy động nhiều nguồn lực để tiếp tục đẩy mạnh công tác trùng tu, tôn tạo. Với các di tích là các công trình kiến trúc, nhất là công trình có ý nghĩa đặc biệt như là di tích Huế thì việc trùng tu, tôn tạo càng sớm lại càng thuận lợi và có điều kiện bảo tồn di sản tốt hơn. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc sớm khai thác có hiệu quả những giá trị từ di tích này.

Thứ hai là khi nguồn ngân sách phân bổ cho Thừa Thiên Huế để trùng tu, tôn tạo còn hạn chế thì việc huy động quỹ từ ngân sách các tỉnh, thành phố khác và các nguồn khác cho quỹ là hợp lý. Di sản thế giới này không chỉ là tài sản riêng của Thừa Thiên Huế mà là tài sản vô giá chung của đất nước và của nhân loại, bởi vậy các tỉnh, thành phố khác cùng chung tay trong việc đóng góp tự nguyện một phần kinh phí vào Quỹ bảo tồn di sản Huế là điều rất đáng khích lệ.

Thứ ba, theo đánh giá của UNESCO, mỗi di sản sau khi được vinh danh đã có một giá trị gốc ước tính 500 triệu USD. Giá trị này sẽ tăng theo thời gian như một thương hiệu, nếu biết khai thác đúng. Các di sản được UNESCO vinh danh sẽ là nguồn tài nguyên vô giá để phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế của địa phương có di sản nói riêng và của Việt Nam nói chung. Trong 5 năm trở lại đây, Việt Nam luôn được các tổ chức uy tín về du lịch của thế giới đánh giá là điểm đến du lịch văn hóa, lịch sử, ẩm thực hàng đầu châu Á và quần thể di tích Cố đô Huế đáp ứng đầy đủ những tiêu chí để phát triển ngành công nghiệp không khói này. Trên thực tế, đây cũng là điểm đến hàng đầu của các khách du lịch quốc tế khi đến Việt Nam. Như vậy, Quỹ bảo tồn di sản Huế khi ra đời sẽ là cú hích rất quan trọng để trùng tu, tôn tạo di tích này, tạo nguồn lực lớn để phát triển du lịch, đặc biệt là trong thời gian hậu COVID sắp tới. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cũng đề nghị Chính phủ cần có những quy định thực sự chi tiết, rõ ràng và khả thi về việc thành lập và quy chế hoạt động của quỹ, tránh trường hợp quỹ được thành lập rồi nhưng không thể hoạt động do không huy động được kinh phí và những vướng mắc khác về quy chế hoạt động./.