ĐẠI BIỂU NGUYỄN TRI THỨC: PHẢI CÓ THỜI HIỆU VỀ GIÁM ĐỊNH BẢO HIỂM Y TẾ

28/10/2021

"Trong công tác giám định bảo hiểm y tế, đề nghị Chính phủ chỉ đạo phải có thời hiệu, vì trên thực tế có một số trường hợp những nội dung bảo hiểm y tế đã giám định, đã thanh quyết toán hết rồi, năm sau quay lại giám định đúng nội dung đó" - đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Tri Thức phân tích thực trạng này trong phiên thảo luận chiều 27/10.

 

Đại biểu Nguyễn Tri Thức, Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh phát biểu thảo luận

Tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn tri Thức thống nhất rất cao với báo cáo của Chính phủ cũng như báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội của Quốc hội và góp ý 4 nội dung để mong cho công tác về bảo hiểm y tế sẽ được thuận lợi hơn trong thời gian tới, đảm bảo được quyền lợi của người bệnh.

Nội dung thứ nhất, đó là trong Nghị định 146 năm 2018 có quy định về tổng mức thanh toán ở các cơ sở khám, chữa bệnh. Điều này khi triển khai vào thực tiễn gặp rất nhiều khó khăn đối với cơ sở khám, chữa bệnh và kể cả đối với cơ quan bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Do đó, đề nghị điều chỉnh lại và không dùng tổng mức thanh toán mà sẽ chuyển thành thực thanh, thực chi theo giá của các dịch vụ y tế mà cơ sở khám, chữa bệnh cung cấp và đã có giám định của bảo hiểm y tế hàng tháng, hàng quý. Như vậy sẽ không sợ bị lạm dụng và trục lợi bảo hiểm y tế.

Nội dung thứ hai, trong công tác giám định bảo hiểm y tế, đề nghị Chính phủ chỉ đạo phải có thời hiệu, vì trên thực tế có một số trường hợp những nội dung bảo hiểm y tế đã giám định, đã thanh quyết toán hết rồi, năm sau quay lại giám định đúng nội dung đó và tiếp tục trừ tiếp ở các cơ sở khám, chữa bệnh. Lúc đó là các cơ sở khám, chữa bệnh khó khăn trong việc lấy nguồn kinh phí ở đâu để bù đắp vào khoản đó, vì tất cả đều được thanh quyết toán hết.

Nội dung thứ ba, trong báo cáo của Chính phủ về chi bảo hiểm y tế ở trạm y tế là 2% chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Điều đó cho thấy chúng ta chưa khai thác hết hiệu quả của trạm y tế xã. Đặc biệt, theo Nghị quyết 68 có ba chỉ tiêu Chính phủ không đạt được, một trong ba chỉ tiêu đó là nâng cấp cơ sở vật chất của trạm y tế xã. Trong dịch COVID-19 vừa qua vai trò y tế cơ sở rất quan trọng, đặc biệt là trạm y tế xã ở vùng sâu, vùng xa có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Do đó, đề nghị Chính phủ trong thời gian tới tập trung chỉ đạo để phát triển cơ sở vật chất của trạm y tế xã. Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã thông qua đề án luân chuyển cán bộ chuyên môn từ tuyến Trung ương, tuyến tỉnh, tuyến huyện về hỗ trợ cho trạm y tế xã và luân chuyển cán bộ ở trạm y tế xã lên các tuyến trên để học tập, nâng cao trình độ, sau đó quay trở lại phục vụ sức khỏe đồng bào vùng sâu, vùng xa, khó khăn. Đại biểu cũng đề nghị mở rộng danh mục thuốc ở trạm y tế xã để đảm bảo được công tác chăm sóc sức khỏe người dân và nâng cao hiệu quả của trạm y tế xã.

Nội dung thứ tư, đề nghị Chính phủ có quy định về đóng bảo hiểm y tế hoặc hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế hoặc hỗ trợ về mặt chính sách để tạo tính liên tục cho việc mua bảo hiểm y tế đối với lực lượng công nhân lao động, vì do dịch COVID nên rất nhiều công nhân đã có sự gián đoạn trong việc mua bảo hiểm y tế, công ty đóng cửa hoặc là công ty giải thể, v.v.. Sự gián đoạn đó đã ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của công nhân và người lao động. Nếu như người công nhân chẳng may bị bệnh trong giai đoạn gián đoạn bảo hiểm y tế thì sẽ rất khó khăn trong việc thanh toán chi phí khám, chữa bệnh. 

Theo quy định của bảo hiểm y tế, nếu gián đoạn 3 tháng không mua bảo hiểm, sau đó mua lại thì bảo hiểm được mua lại sẽ tính lại giá trị ngay từ đầu. Ví dụ, một công nhân đã được công ty mua bảo hiểm y tế 4 năm, nhưng gián đoạn do dịch COVID thì không mua được quá 3 tháng, sau đó mua lại thì lại tính lại mốc từ đầu, sẽ ảnh hưởng nhiều đến quyền lợi hưởng bảo hiểm y tế của người công nhân đó. Rất mong Chính phủ và Quốc hội xem xét./.