ĐBQH K’ NHIỄU: KHEN THƯỞNG PHẢI DỰA TRÊN KẾT QUẢ, HIỆU QUẢ, MỨC ĐỘ HOÀN THÀNH CÔNG VIỆC

28/10/2021

Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng K’ Nhiễu cho biết, Dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) được soạn thảo công phu, nghiêm túc, nội dung dự thảo cơ bản khắc phục được những hạn chế, bất cập qua quá trình thực hiện Luật Thi đua, khen thưởng. Tuy nhiên, một số quy định trong dự thảo Luật còn chưa đầy đủ.

 

Đại biểu K'Nhiễu phát biểu về Dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng(sửa đổi)

Tại phiên thảo luận trực tuyến sáng 28/10, đại biểu K’ Nhiễu tham gia góp ý 03 nội dung về Dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), cụ thể:

Thứ nhất: Việc xây dựng chính sách cần cụ thể hoá, phù hợp với từng loại hình khen thưởng. Trong đó, khen thưởng dựa vào kết quả, hiệu quả, mức độ hoàn thành công việc là trọng tâm của dự án luật.

Điều 4 Dự thảo luật đưa ra 06 loại hình khen thưởng (khen thưởng theo công trạng, khen thưởng đột xuất, khen thưởng quá trình cống hiến, khen thưởng theo niên hạn và khen thưởng đối ngoại). Như vậy, xét về tính chất sẽ có 02 nhóm khen thưởng: Nhóm khen thưởng dựa trên kết quả, hiệu quả, mức độ hoàn thành công việc; Nhóm khen thưởng mang tính chất chính trị, động viên (nhiều hơn là dựa vào kết quả, hiu quả công việc), dựa vào quá trình cống hiến, niên hạn hay đối ngoại.

Trong 2 nhóm trên thì nhóm khen thưởng dựa trên kết quả, hiệu quả công việc sẽ là trọng tâm và phải được thể hiện xuyên suốt trong toàn bộ dự án luật. Tuy nhiên, dự án luật vẫn chưa thể hiện thật rõ quan điểm này trong cả nội dung chính sách và kỹ thuật lập pháp.

Do vậy, trong một số chính sách còn chưa minh định phù hợp với từng loại hình khen thưởng. Hệ quả là tiêu chí thi đua không định lượng được, nhiều hình thức khen thưởng vẫn đưa ra tiêu chí về quá trình cống hiến, gối đầu, tích lũy nhiều danh hiệu nhỏ thì mới được danh hiệu lớn;... Sự “gối đầu” trong thi đua thời gian qua đã gây ra tình trạng cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ “nhường” danh hiệu thi đua, khen thưởng cho cá nhân năm trước đã được khen thưởng để được đề nghị danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng cao hơn, trong khi thành tích lại không thuyết phục. Đồng thời, không phù hợp với nguyên tắc khen thưởng mà Dự thảo Luật nêu ra tại điểm c, khoản 2, Điều 6 là “không tặng thưởng nhiều hình thức cho một thành tích đạt được”  khi thành tích đó vẫn được tính là một tiêu chuẩn tích luỹ.

Để khắc phục tình trạng hình thức, không thực chất trong thi đua thì luật cần minh định rõ các chính sách phù hợp với từng loại hình khen thưởng:

- Đối với nhóm khen thưởng dựa vào kết quả, hiệu quả công việc thì cần tiếp cận theo hướng lấy kết quả của hoạt động thi đua làm thước đo chính để đánh giá, xây dựng danh hiệu, tiêu chuẩn thi đua, hình thức khen thưởng (thay vì chỉ lấy các tiêu chí như có sáng kiến, đề tài khoa học, “hoàn thành tốt”, “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”,…). Muốn làm được vậy cần rà soát các quy định liên quan của các luật chuyên ngành (như Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức…) để xây dựng các định mức thi đua, định mức công việc vào đầu năm, ngay từ khi phát động phong trào (hiện nay các tiêu chí đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mang tính định tính cao, khó áp dụng). Định mức càng cụ thể thì việc đánh giá kết quả thi đua càng chính xác, thực chất.

- Đối với nhóm khen thưởng mang tính chất chính trị, động viên (nhiều hơn là dựa vào kết quả, hiu quả công việc), dựa vào quá trình cống hiến, niên hạn hay đối ngoại về mặt kỹ thuật lập pháp nên nghiên cứu đưa vào chương riêng (trong đó quy định rõ về tiêu chí khen thưởng, hình thức khen thưởng…).

Thứ hai: Các loại hình khen thưởng

Đề xuất bổ sung, mở rộng đối tượng khen thưởng có quá trình cống hiến cho cán bộ cơ sở, thôn, bản bởi đối tượng được khen thưởng Huân chương các loại theo quy định tại khoản 4 Điều này sẽ chỉ bao gồm từ cấp lãnh đạo, quản lý và tương đương trở lên. Thực tế, có trường hợp cán bộ Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội có vài chục năm công tác ở cơ sở, vừa không lương hoặc lương chỉ là tượng trưng, có đủ điều kiện nhưng lại không phải đối tượng khen thưởng Huân chương các loại.

Thứ ba: Nguyên tắc thi đua, khen thưởng (Điều 6)

Đề nghị xem xét sửa đổi, bổ sung Điều này như sau:

- Về nguyên tắc thi đua ở Khoản 1: Nghiên cứu bổ sung yếu tố “cạnh tranh lành mạnh” bởi thi đua phải có sự cạnh tranh, phân hóa rõ ràng. Một trong những bất cập hiện nay là thi đua trở nên cào bằng, thậm chí “nhường” nhau để phân bổ danh hiệu nhằm hưởng quyền lợi.

- Về nguyên tắc khen thưởng Khoản 2: Xem xét thay từ “chính xác” thành “xứng đáng” ở điểm a để nhấn mạnh mức độ và hình thức khen thưởng phải tương ứng với thành tích, công trạng. “Xứng đáng” cũng bao hàm sự chính xác ở bên trong, còn “chính xác” không nêu bật được tính tương ứng mà còn có thể bị hiểu một cách là chính xác về đối tượng.

- Về nguyên tắc chung của cả thi đua và khen thưởng ở Khoản 3: Yếu tố “công khai” đều được nhắc đến trong nguyên tắc thi đua và nguyên tắc khen thưởng, do đó nên chuyển yếu tố này xuống khoản 3 để trở thành nguyên tắc chung./.

Kim Liên - Đức Hưng