ĐẠI BIỂU NGUYỄN THỊ THỦY: KHEN THƯỞNG ĐỂ HƯỚNG TỚI TÍNH NHÂN VĂN, HƯỚNG VỀ CƠ SỞ

29/10/2021

Tham gia thảo luận về Dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), đại biểu Nguyễn thị Thủy, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn đã tập trung phân tích, đánh giá 5 cải cách thủ tục hành chính trong công tác thi đua khen thưởng đã thể hiện trong Dự thảo luật.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn phát biểu thảo luận

Theo nhận xét của đại biểu Nguyễn Thị Thủy, dự án Luật Thi đua, khen thưởng(sửa đổi) có phạm vi điều chỉnh rộng, liên quan đến các cấp, các ngành từ Trung ương đến cơ sở và không chỉ phạm vi trong bộ máy nhà nước mà bao gồm cả bên ngoài Nhà nước. Cơ quan chủ trì soạn thảo đã rất công phu, nghiêm túc, bài bản trong quá trình xây dựng luật. Quá trình tổng kết đã được tiến hành rất kỹ lưỡng. Báo cáo tổng kết gồm 51 trang, đã tiến hành tổng kết theo từng nhóm vấn đề, từng hoạt động, từng phong trào thi đua và từ đó cũng đã chỉ ra những vướng mắc, bất cập trong từng điều luật cụ thể. Về việc tiếp thu và giải trình ý kiến của các cơ quan và ý kiến của các đại biểu Quốc hội đã được tiến hành rất nghiêm túc và khẩn trương.

Về nội dung sửa đổi, bổ sung, có rất nhiều nội dung đổi mới và rất tiến bộ, đặc biệt là dự thảo luật đã hướng nhiều đến cơ sở, chú trọng khen thưởng cho những tập thể nhỏ, cho những người trực tiếp lao động và đặc biệt dự thảo đã sửa đổi, bổ sung nhiều quy định để tháo gỡ những vướng mắc trong thời gian qua để khắc phục tính hình thức, tính chưa thực chất trong một số phong trào thi đua trong thời gian vừa qua.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy đánh giá 5 cải cách thủ tục hành chính trong công tác thi đua, khen thưởng được thể hiện trong dự thảo luật, cụ thể như sau:

Thứ nhất, về hồ sơ xét khen thưởng. Luật hiện hành quy định có rất nhiều tài liệu cũng như báo cáo thành tích trong hồ sơ xét khen thưởng. Thực tiễn vừa qua, để thực hiện đầy đủ quy định của luật, không chỉ những người được xét khen thưởng phải tập trung nhiều thời gian để thu thập cũng như hệ thống lại quá trình công tác mà ngay cả những cơ quan, tổ chức cũng phải tổ chức xét họp nhiều lần, dẫn tới rườm rà về thủ tục và tốn rất nhiều thời gian. Dự thảo luật đã khắc phục việc này bằng cách giảm bớt thủ tục, giảm bớt các thành phần trong hồ sơ xét khen thưởng. Đồng thời, đối với báo cáo thành tích chỉ yêu cầu tóm tắt nhất có thể, bởi vì thành tích thực tế đã được tập thể công nhận và tôn vinh.

Thứ hai, về số lượng hồ sơ phải gửi tới các cơ quan có thẩm quyền. Luật hiện hành quy định đối với những hình thức khen thưởng thuộc thẩm quyền của Chủ tịch nước phải gửi 3 bộ hồ sơ bản chính. Đối với những thẩm quyền thuộc Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ thì phải gửi 2 bộ hồ sơ bản chính. Dự thảo luật đã cải tiến việc này bằng việc quy định tất cả những hình thức khen thưởng thuộc thẩm quyền của Chủ tịch nước, của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ thì chỉ phải gửi duy nhất một bộ tới cơ quan chuyên môn để phục vụ cho việc thẩm định cũng như để lưu trữ sau này. Với việc giảm bớt số lượng hồ sơ phải gửi tới các cơ quan có thẩm quyền như vậy thì sẽ tiết kiệm rất nhiều cho Nhà nước, cho xã hội cũng như cho người được xét khen thưởng, bao gồm cả ở khía cạnh về thời gian, cũng như về chi phí.

Thứ ba, về việc mở rộng các trường hợp được xét khen thưởng theo hình thức đơn giản. Luật hiện hành quy định có 3 trường hợp được xét khen thưởng theo hình thức đơn giản. Dự thảo luật đã cải cách theo hướng quy định bổ sung và quy định có 10 trường hợp được xét khen thưởng theo hình thức đơn giản. So sánh giữa hình thức thông thường với xét theo hình thức đơn giản thì thấy giản lược rất nhiều về vấn đề hồ sơ, giản lược về thủ tục và giản lược về thời hạn. Do vậy, sẽ kịp thời khen thưởng để tôn vinh những tập thể, cá nhân có thành tích trong quá trình công tác.

Thứ tư, về tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác này, dự thảo luật đã tiếp tục sửa đổi theo hướng đối với một số hình thức khen thưởng cụ thể mà thành tích và công trạng đã rõ ràng thì tăng thẩm quyền cho người đứng đầu bằng cách quy định cho người đứng đầu được quyết định việc khen thưởng mà không nhất thiết phải bình bầu thông qua Hội đồng thi đua.

Thứ năm, việc hoàn thiện các tiêu chuẩn thi đua. Dự thảo luật đã tập trung sửa đổi rất nhiều quy định liên quan đến việc hoàn thiện các quy định về tiêu chuẩn thi đua theo hướng cụ thể, rõ ràng và có thể định lượng được, để cho các tổ chức, cá nhân và các cơ quan căn cứ vào đó để phấn đấu thi đua. Việc này không chỉ để cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân căn cứ vào đó để phấn đấu thi đua, mà đối với quá trình để xét thi đua thì các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nhờ các quy định về tiêu chuẩn rõ ràng như vậy cũng sẽ rất tiết kiệm được thời gian, giảm bớt các thủ tục và giảm bớt các loại báo cáo trong quá trình xét hồ sơ thi đua.

Đổi mới tư duy trong công tác thi đua, khen thưởng để hướng tới tính nhân văn, hướng về cơ sở, tập trung khen thưởng cho những tập thể nhỏ cho những người trực tiếp lao động và bảo đảm tính thực chất của công tác thi đua là một trong những yêu cầu đặt ra đối với quá trình hoàn thiện Luật Thi đua, khen thưởng lần này, rất nhiều quy định trong dự thảo luật đã được sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu nêu trên.

Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Thị Thủy có 3 kiến nghị.

Một là, kiến nghị với cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục rà soát để cải tiến hơn nữa về hồ sơ, thủ tục, để hướng tới tiến hành việc này được khẩn trương hơn.

Hai là, kiến nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát để mở rộng thêm những trường hợp được xét khen thưởng theo hình thức, thủ tục đơn giản.

Ba là, kiến nghị tiếp tục rà soát để bổ sung thêm những hình thức thi đua mà đã rõ về thành tích, công trạng thì tiếp tục tăng thẩm quyền, đồng thời tăng trách nhiệm cho người đứng đầu trực tiếp quyết định hình thức thi đua và hình thức khen thưởng này để không nhất thiết mọi việc là phải thông qua Hội đồng bình bầu thi đua./.