ĐẠI BIỂU NGUYỄN THỊ THU HÀ: TẠO CƠ SỞ PHÁP LÝ VỮNG CHẮC CHO BẢO HIỂM VI MÔ

29/10/2021

Thảo luận trực tuyến về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm(sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh thống nhất với sự cần thiết, quan điểm chỉ đạo sửa đổi Luật nhằm mục tiêu phát triển thị trường bảo hiểm, đảm bảo đem lại lợi ích tốt nhất cho nền kinh tế, và bảo vệ quyền, lợi ích của các bên liên quan, nhất là quyền lợi của người được bảo hiểm.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh phát biểu thảo luận

 Đánh giá cao với việc chuẩn bị hồ sơ, tài liệu của dự án Luật; đồng tình với nhiều nội dung dự kiến giải trình, tiếp thu trong báo cáo giải trình của Bộ Tài Chính, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Thu Hà đánh giá Luật Kinh doanh Bảo hiểm (sửa đổi) là dự án luật có tính chuyên môn sâu, cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, đảm bảo tương thích đối với thị trường kinh doanh bảo hiểm quốc tế và nhất là thị trường bảo hiểm Việt Nam (100% doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, 19/31 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ có vốn đầu tư nước ngoài).

Tham gia vào một số nội dung của dự thảo Luật, theo đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Về hợp đồng bảo hiểm, bản chất của hợp đồng là sự thỏa thuận của các bên, tuy nhiên, tùy tính chất, mức độ ảnh hưởng, đặc điểm của mỗi loại hợp đồng có khung pháp lý điều chỉnh cho phù hợp và hiệu quả. Hợp đồng Bảo hiểm có tính chất đặc trưng của quan hệ dân sự, là sự thỏa thuận ký kết thương lượng giữa bên bán bên mua. Tuy nhiên, từ thực tiễn cho thấy trong hợp đồng bảo hiểm, lợi thế thường thuộc về doanh nghiệp bảo hiểm - bên bán chủ động, nắm chắc các quy định của pháp luật; bên mua (là khách hàng cá nhân chiếm số lượng lớn) thường thụ động trong tìm hiểu đầy đủ nội dung các điều khoản, thường rơi vào thế yếu khi thực hiện hợp đồng. Vì vậy, trong dự thảo luật sửa đổi cần quy định rõ hơn, cụ thể hơn cơ chế bảo vệ người được bảo hiểm.

Thứ nhất, Dự thảo Luật cần quy định cụ thể, rõ ràng nghĩa vụ cung cấp thông tin của doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm giải thích với bên mua bảo hiểm về quyền lợi bảo hiểm, các điều khoản loại trừ trách nhiệm và quyền, nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm khi giao kết hợp đồng bảo hiểm. Lý giải về điều này, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh phân tích: Tại khoản 2, điều 17, việc giải thích của bên bán cho bên mua bảo hiểm là trách nhiệm mang tính chủ động hay theo yêu cầu của bên mua chưa được Dự thảo Luật làm rõ. Tại khoản 2, điều 18, đối với bên mua bảo hiểm việc kê khai thông tin lại phải thực hiện theo “yêu cầu” của doanh nghiệp bảo hiểm. Do đó, đề nghị việc giải thích hay cung cấp thông tin cần được thực hiện một cách bắt buộc, không phụ thuộc vào bên mua.

Thứ hai, Doanh nghiệp bảo hiểm cần đăng ký tất cả các điều khoản hợp đồng với một cơ quan bảo vệ người tiêu dùng.

Thứ ba, về cơ chế bảo vệ người được bảo hiểm, tại Điều 140 dự Thảo luật nêu Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm được thành lập để bảo vệ quyền lợi của người được bảo hiểm trong trường hợp DN phá sản, mất khả năng thanh toán. Theo dự thảo Luật, Chính phủ quy định chi tiết về tổ chức, trích lập và quản lý, sử dụng Quỹ, theo Luật hiện hành, việc thành lập, tổ chức hoạt động Quỹ này được quy định chi tiết ở Nghị định 73 của Chính phủ. Tuy nhiên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh đề nghị cần quy định cụ thể trong Luật, nhất là những vấn đề quan trọng, cốt yếu như: nguyên tắc quản lý, sử dụng quỹ, nguyên tắc bồi thường... để có được hiệu lực cao hơn, tạo sự yên tâm, tin tưởng cho khách hàng, người tham gia bảo hiểm.

Về Bảo hiểm vi mô, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh cho biết: Chương về bảo hiểm vi mô được thiết kế với 2 điều (Điều 114, 115). Dự thảo Luật chỉ quy định các nội dung đặc thù, các đối tượng được triển khai bảo hiểm vi mô. Các điều kiện, thủ tục cấp phép thành lập, quản trị rủi ro, hoạt động nghiệp vụ, chế độ tài chính và quản lý nhà nước đối với các tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô đã được đề cập trong dự thảo Nghị định gửi kèm trong dự án luật với mục đích để  phù hợp với  đặc trưng của tổ chức này trong từng thời điểm phát triển và không làm ảnh hưởng đến tính ổn định, dài hạn của Luật.

Tuy nhiên, chỉ có 2 điều về bảo hiểm vi mô là quá ít và chưa đủ tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho loại hình bảo hiểm này. Theo đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà: “Mô hình này hướng tới nhóm đối tượng lao động thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo, đoàn viên, hội viên của các tổ chức chính trị- xã hội, sẽ tác động, ảnh hưởng lớn đến toàn xã hội. Do vậy, nếu việc quản trị, kiểm soát rủi ro không tốt sẽ dẫn đến những tác động tiêu cực, lớn đến cả xã hội. Chính vì vậy, các quy định về mô hình tổ chức, điều kiện hoạt động, loại hình doanh nghiệp, tổ chức được phép thực hiện bảo hiểm vi mô phải rất đầy đủ, minh bạch”.

Hiện nay, dự thảo Luật quy định 2 loại hình tổ chức được cung cấp sản phẩm bảo hiểm vi mô là: doanh nghiệp bảo hiểm và tổ chức tương hỗ. Đối với doanh nghiệp bảo hiểm, nên có quy định hạn ngạch cung cấp các sản phẩm bảo hiểm vi mô để nâng cao tính trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Việc phát triển hoạt động bảo hiểm vi mô và tạo cơ hội có nhiều kênh đưa các sản phẩm bảo hiểm đến gần hơn với người nghèo, đoàn viên hội viên, góp phần nâng cao chất lượng thu hút tập hợp đoàn viên, hội viên của các tổ chức hội.

Về bảo đảm an toàn, phòng ngừa tổn thất, phòng chống gian lận và bảo vệ đối tượng được bảo hiểm (Mục 5 Chương II), Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh: “Thực tế thời gian qua, đã xảy ra các vụ trục lợi, gian lận bảo hiểm với quy mô, số tiền trục lợi ngày càng lớn, tính chất ngày càng tinh vi phức tạp, tình trạng trục lợi xảy ra ở hầu hết các công đoạn trong chu trình bảo hiểm từ khai thác, giao kết hợp đồng, giám định, khiếu nại bồi thường và giải quyết bối thường.  Vì vậy, đề nghị nhận diện đầy đủ các tổn thất, các hình thức gian lận và các đối tượng của các hành vi gian lận để có chế tài trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm”.

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị cần xây dựng các quy định mang tính toàn diện hơn, không chỉ phòng chống gian lận của các đối tượng bảo hiểm mà kể cả các doanh nghiệp bảo hiểm, các đại lý bảo hiểm, môi giới bảo hiểm và các cộng tác viên bảo hiểm. Dự thảo Luật cũng cần xem xét bổ sung quy định về việc phân cấp quản lý nhà nước hoạt động kinh doanh bảo hiểm./.