Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên tham gia phiên thảo luận trực tuyến sáng 29/10
Tham gia phát biểu ý kiến, đại biểu Lò Thị Luyến, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên đánh giá thị trường bảo hiểm ở Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng để phát triển. Những năm gần đây, thị trường bảo hiểm Việt Nam tương đối sôi động, hàng năm đều có sự tăng trưởng khá. Để phát triển thị trường tiềm năng này, cần phải hoàn thiện khuôn khổ pháp lý theo hướng quy định đầy đủ về mặt luật pháp, thủ tục đơn giản, hoạt động của các công ty bảo hiểm phải lành mạnh…
Việc sử dụng từ ngữ trong Dự thảo Luật nhất là tại Chương II về Hợp đồng bảo hiểm có rất nhiều điều, khoản, điểm sử dụng từ “có thể” như vậy chưa đảm bảo được tính chính xác, chặt chẽ của quy phạm pháp luật, ví dụ: khoản 2, Điều 13 quy định “Nguyên tắc quyền lợi có thể được bảo hiểm: Bên mua bảo hiểm phải có quyền lợi có thể được bảo hiểm…”; khoản 2, Điều 15 quy định “Hợp đồng bảo hiểm có thể được thể hiện bằng hợp đồng hoặc giấy chứng nhận bảo hiểm, đơn bảo hiểm và các hình thức giao dịch dân sự khác…; Hay tại khoản 1, Điều 13 quy định “…Các bên tham gia hợp đồng bảo hiểm phải cung cấp thông tin và thực hiện các quyền và nghĩa vụ một cách trung thực nhất,…”
Đại biểu không nhất trí với giải trình của Bộ Tài chính đó là hoạt động kinh doanh bảo hiểm là lĩnh vực hoạt động đặc thù, do đó thuật ngữ, ngôn từ, cách diễn đạt cũng mang tính kỹ thuật chuyên ngành. Cách diễn đạt trong dự thảo Luật được hiểu thông dụng ở các nước trên thế giới và được chuyển thể sang tiếng Việt. Đại biểu cho rằng, đối với việc sử dụng từ ngữ, kỹ thuật trong văn bản quy phạm pháp luật cần phải đảm bảo tính chính xác, chặt chẽ, rõ ràng, dễ hiểu để có cách hiểu, cách áp dụng thống nhất trong quá trình tổ chức thực hiện. Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, sửa đổi cho phù hợp.
Về hình thức hợp đồng bảo hiểm, quy định tại Dự thảo Luật chưa chặt chẽ, khoản 1 điều 15 dự thảo quy định “Hợp đồng bảo hiểm phải được lập thành văn bản”, khoản 2 điều 15 dự thảo lại quy định “Hợp đồng bảo hiểm có thể được thể hiện bằng hợp đồng hoặc giấy chứng nhận bảo hiểm, đơn bảo hiểm và các hình thức giao dịch dân sự khác phù hợp với quy định của pháp luật”. Báo cáo giải trình của Bộ Tài chính có lý giải, theo quy định tại khoản 1 Điều 119 Bộ luật dân sự: “Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể. Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản”. Như vậy, pháp luật đã cho phép lựa chọn hình thức của giao dịch dân sự. Do khoản 1 Điều 15 đã xác định rõ hình thức của hợp đồng bảo hiểm là “văn bản” nên các quy định về hình thức khác của hợp đồng như lời nói, hành vi đã bị loại trừ. Đại biểu nhận định, dẫn chiếu như vậy là chưa phù hợp vì khi sự kiện bảo hiểm xảy ra thì hợp đồng giữa hai bên ký với nhau là cơ sở pháp lý để giải quyết quyền lợi của người được bảo hiểm và đối tượng được thụ hưởng, do đó, hình thức hợp đồng bảo hiểm phải được quy định cụ thể, chặt chẽ, rõ ràng trong Dự thảo Luật.
Về bảo hiểm vi mô, đề nghị bổ sung quy định về đối tượng, hình thức, các tiêu chí tham gia một cách cụ thể vì đối tượng tham gia bảo hiểm vi mô là những đối tượng yếu thế là các cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp. Do đó, cần có quy định cụ thể, rõ ràng, dễ hiểu, dễ áp dụng để khi tổ chức thực hiện các bên tham gia có cơ sở về mặt pháp lý để áp dụng và bảo vệ quyền lợi của mình./.