ĐẠI BIỂU ĐẶNG THỊ BẢO TRINH: TĂNG CƯỜNG VAI TRÒ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ ĐIỆN ẢNH

29/10/2021

Phát biểu thảo luận về Dự án Luật Điện ảnh(sửa đổi), đồng tình với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục song đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam Đặng Thị Bảo Trinh cũng đề nghị, cần tăng cường vai trò quản lý Nhà nước, nhất là khâu cấp phép, phân loại phim và hậu kiểm.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam Đặng Thị Bảo Trinh phát biểu thảo luận

Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam Đặng Thị Bảo Trinh cho rằng, điều đáng mừng là thời gian qua, điện ảnh nước nhà đã phát triển, từng bước theo kịp với thị hiếu và xu thế phát triển chung của thế giới. Tuy nhiên, vấn đề chính sách phát triển điện ảnh của một quốc gia là rất quan trọng, chúng ta cần nghiêm túc đánh giá về thực trạng nền điện ảnh Việt Nam, về thị hiếu của khán giả. Thị hiếu luôn thay đổi là bình thường, nhưng vì sao người Việt Nam thích xem phim nước ngoài hơn phim Việt Nam; xu hướng sử dụng các tác phẩm điện ảnh nước ngoài ngày càng phổ biến, đang đặt ra cho nền điện ảnh Việt Nam một câu hỏi lớn.

Bên cạnh đó, xu thế hợp tác sản xuất phim là một tất yếu, đem lại hiệu ứng rất tích cực, phản ánh sự giao lưu văn hóa giữa các quốc gia, nếu để phát triển một cách tự phát, không có sự hỗ trợ, quản lý của Nhà nước thì rất khó đảm bảo định hướng của Đảng và Nhà nước. Vì vậy, Nhà nước phải nắm rõ vấn đề này để có phản ứng chính sách. Khi sửa đổi Luật Điện ảnh lần này, các cơ quan quản lý nhà nước về điện ảnh cần đặc biệt quan tâm khi thiết kế các quy định sao cho vừa đảm bảo tính chặt chẽ, vừa tạo hành lang pháp lý thông thoáng, khuyến khích, thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia, hợp tác phát triển điện ảnh Việt Nam trong thời gian tới. Đây là vấn đề không đơn giản, bởi điện ảnh không những là một ngành kinh tế, mà nó còn là nền công nghiệp văn hoá.

Đối với nội dung Sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước được quy định ở Điều 15. Đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh đề nghị chọn Phương án 2. Lý giải cho lựa chọn này, đại biểu cho rằng, sản phẩm phim phải chịu sự điều chỉnh của Luật Đấu thầu và phải đảm bảo tính công khai, minh bạch, công bằng cho mọi nhà sản xuất, mọi đối tượng. Tuy nhiên, cũng cần phải xem xét: nếu thủ tục đấu thầu hiện nay chưa phù hợp với các quy trình, công đoạn sản xuất phim thì phải điều chỉnh để đơn giản thủ tục hành chính, phù hợp thực tế; đối với những sản phẩm phim mang tính đặc thù cao như dòng phim phục vụ mục đích chính trị, quốc phòng, an ninh… thì phải thực hiện theo hình thức Nhà nước đặt hàng chứ không nên tổ chức đấu thầu rộng rãi.

Thời gian qua, có nhiều ấn phẩm không đảm bảo chất lượng, không phù hợp về chính trị, thuần phong mỹ tục nhưng vẫn được công chiếu trên không gian mạng. Do đó, để quản lý chặt chẽ phim trên không gian mạng, cần quy định rõ ở Điều 22 dự thảo Luật điện ảnh sửa đổi là: chỉ được phổ biến phim trên không gian mạng khi được cơ quan có thẩm quyền cấp phép chứ không nên giao trách nhiệm cho đơn vị tư nhân và cơ quan cấp phép phải chịu trách nhiệm về vấn đề này.

Phần lớn các tác phẩm điện ảnh được công chiếu trong thời gian qua đáp ứng thị hiếu của người xem, giữ được thuần phong mỹ tục, văn hóa đất nước, góp phần tuyên truyền, quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam đến Nhân dân và bạn bè thế giới. Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng còn một số tác phẩm điện ảnh khâu cấp phép, thẩm định chưa chặt chẽ nên dẫn đến tác dụng ngược, dư luận phản đối. Do vậy, đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh đề nghị cần quy định rõ ràng, cụ thể hơn ở Điều 28: Cấp giấy phép phân loại phim về thẩm quyền cấp giấy phép phân loại phim và gắn liền trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân nếu để xảy ra sai phạm, nhằm tạo môi trường thông thoáng cho điện ảnh phát triển và đảm bảo tính chính trị, thị hiếu công chúng, giữ gìn văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam./.

Mỹ Phượng - Lê Quang