ĐẠI BIỂU DƯƠNG VĂN PHƯỚC: KHÔNG NÊN ĐẨY TRÁCH NHIỆM CHO NGƯỜI MUA BẢO HIỂM

29/10/2021

Mua bảo hiểm là để phòng ngừa rủi ro. Song trong trường hợp rủi ro xảy ra, người mua bảo hiểm lại là người phải đi đòi bồi hoàn từ bên thứ 3 gây ra rủi ro. Đại biểu Dương Văn Phước, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam cho rằng, quy định như vậy là đẩy trách nhiệm cho người mua bảo hiểm.

 

  

Theo đại biểu Dương Văn Phước, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam, việc sửa đổi, bổ sung Luật Kinh doanh bảo hiểm lần này rất cần thiết. Bởi vì qua 20 năm thực hiện Luật Kinh doanh bảo hiểm, một số nội dung không còn phù hợp so với thực tiễn. Hơn nữa, có nhiều tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh bảo hiểm thì người dân có nhiều lựa chọn để tham gia và giảm bớt rủi ro cho người tham gia. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành, cụ thể: một số tổ chức, cá nhân kinh doanh bảo hiểm phục vụ cho người dân chưa đến nơi, đến chốn; nhiều trường hợp người dân tham gia bảo hiểm khi xảy ra bất trắc thì việc thanh toán bảo hiểm thường khó khăn, thủ tục rườm rà, đi lại nhiều lần, có khi người mua bảo hiểm được thanh toán khoản bảo hiểm rủi ro này thì chi phí cho việc làm thủ tục còn cao hơn khoản được nhận. Do đó, đại biểu Dương Văn Phước cho rằng, cần phải có chế tài để người kinh doanh bảo hiểm phải có trách nhiệm đối với người tham gia (người mua) bảo hiểm cho chặt chẽ.

Theo đó, để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, đại biểu Dương Văn Phước đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, rà soát lại toàn bộ Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm để tránh trùng lắp những nội dung đã được quy định tại Bộ Luật dân sự. Ngoài ra, ở miền Trung, việc mua bảo hiểm trong lĩnh vực nông nghiệp rất khó khăn, vì khu vực miền Trung thường xảy ra rủi ro do thiên tai, bão lũ nên các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm thường từ chối bảo hiểm cho sản phẩm từ nông nghiệp. Một khi thiên tai, thiệt hại xảy ra thì người nông dân phải cam chịu, đó là thiệt thòi lớn cho người nông dân. Vì vậy, đại biểu Dương Văn Phước đề nghị Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi lần này Chính phủ nên có cơ chế để khuyến khích cho các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm mở rộng kinh doanh vào lĩnh vực nông nghiệp. Chính sách phát triển kinh doanh bảo hiểm quy định tại Điều 5 của Dự thảo chỉ mới quy định chính sách của Nhà nước đối với doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, chưa quy định chính sách của nhà nước đối với người tham gia bảo hiểm, đối tượng được bảo hiểm, nhất là trên lĩnh vực nông nghiệp. Do đó, cần xem xét bổ sung chế tài xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm đối với doanh nghiệp bảo hiểm và người tham gia bảo hiểm.

Đi sâu vào các điều khoản cụ thể, đại biểu Quốc hội Dương Văn Phước đề nghị: Tại khoản 2, Điều 13: Nguyên tắc giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm, đề nghị bỏ cụm từ "có thể". Đại biêủ đặt câu hỏi, khi nào thì "có thể" và khi nào thì không "có thể" được bảo hiểm? Quy định như vậy trong Dự thảo Luật là không chặt chẽ, cần phải khẳng định rõ nguyên tắc quyền lợi được bảo hiểm, nếu không sẽ dẫn đến tình trạng tuỳ nghi trong áp dụng pháp luật, làm ảnh hưởng quyền lợi của người mua bảo hiểm.

Cũng trong Điều 13 này, tại Khoản 4 quy định nguyên tắc thế quyền là người được bảo hiểm có trách nhiệm chuyển giao quyền yêu cầu bồi hoàn cho doanh nghiệp bảo hiểm để yêu cầu người thứ ba có hành vi gây thiệt hại chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Theo đại biểu, quy định như thế là đẩy trách nhiệm cho người mua bảo hiểm. Trách nhiệm đi đòi người thứ ba gây thiệt hại phải thuộc về doanh nghiệp bảo hiểm, có như vậy mới bảo vệ được quyền lợi của người mua bảo hiểm. Tuy nhiên, trong thực tiễn hiện nay, nhiều trường hợp người thứ ba gây thiệt hại phải bồi thường cho Doanh nghiệp bảo hiểm nhưng doanh nghiệp không thể đòi được, vì họ thuộc diện hộ nghèo, không có tài sản. Do đó, đại biểu cũng đề nghị Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ nhân đạo (chia sẻ rủi ro) trong trường hợp trên hoặc có cơ chế để doanh nghiệp bảo hiểm trích dự phòng rủi ro bù đắp phần kinh phí thâm hụt do rủi ro này gây ra.

Tại khoản 2, Điều 15 về Hình thức hợp đồng bảo hiểm. Đề nghị bỏ cụm từ "có thể" và viết lại như sau: "2. Hợp đồng bảo hiểm được thể hiện bằng hợp đồng hoặc giấy chứng nhận bảo hiểm, đơn bảo hiểm và các hình thức giao dịch dân sự khác phù hợp với quy định của pháp luật" Bởi hình thức hợp đồng thì phải khẳng định "bằng hợp đồng" hoặc "giấy chứng nhận", thêm cụm từ “có thể” vào đây rất bất hợp lý.

Quy định về Đối tượng của hợp đồng bảo hiểm tài sản và thiệt hại ở Điều 42 của Dự thảo là chặt chẽ. Tuy vậy, đại biểu Dương Văn Phước phân tích: đối tượng của hợp đồng bảo hiểm thiệt hại đối với bảo hiểm nông nghiệp hiện nay rất khó thực hiện, Nhà nước hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp đối với cá nhân sản xuất nông nghiệp thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo với mức 90%; cá nhân không thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo; doanh nghiệp, hợp tác xã mức 20%. Tuy nhiên, do điều kiện sản xuất nông nghiệp của nông dân Việt Nam manh mún, nhỏ lẻ, thiên nhiên bất lợi; các sản phẩm bảo hiểm áp dụng chính sách hỗ trợ phí đối với lúa, trâu, bò, tôm hiện nay còn chưa đa dạng, điều khoản quy tắc chưa hấp dẫn người nông dân, phí bảo hiểm cao; doanh nghiệp không mặn mà với lĩnh vực kinh doanh này..., dẫn đến người dân khó tiếp cận được với gói dịch vụ bảo hiểm này và nguồn hỗ trợ của Nhà nước. Qua phân tích như vậy, đại biểu Dương Văn Phước đề nghị Dự thảo Luật xem xét quy định nâng mức hỗ trợ phí bảo hiểm trong lĩnh vực nông nghiệp, nhằm cân đối hài hòa lợi ích, khuyến khích người nông dân tham gia bảo hiểm để giảm thiểu rủi ro trong sản xuất, đảm bảo doanh nghiệp bảo hiểm kinh doanh có lợi nhuận./.

Mỹ Phượng - Lê Quang