ĐBQH NGUYỄN TẠO: THÚC ĐẨY NỀN KINH TẾ SỐ, TẠO ĐỘNG LỰC TĂNG TRƯỞNG

30/10/2021

Tham gia ý kiến tại tổ về Dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; Dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đại biểu Nguyễn Tạo, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng nhấn mạnh, cần quan tâm thúc đẩy phát triển kinh tế số ở tất cả các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế, tạo động lực để tăng trưởng kinh tế.

 

Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Tạo phát biểu tại buổi thảo luận tổ chiêu 29/10

Liên quan đến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 của Chính phủ, đại biểu Nguyễn Tạo cho rằng, trong kế hoạch giai đoạn trước, vẫn còn 05 mục tiêu chưa hoàn thành, đề nghị làm rõ những nguyên nhân có liên quan. Đồng thời, về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, đại biểu tham gia ý kiến liên quan đến một số nội dung sau: Cần quan tâm phát triển đô thị, nhất là trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong đó, quan tâm vấn đề thí điểm chính quyền đô thị tại các địa phương, các Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù cho các địa phương.  

Đồng thời, cần xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, thích ứng với biến động thế giới, nhất là trong bối cảnh của dịch bệnh, triển khai lợi thế các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới CPTPP, FTA, EVFTA. Quan tâm đến việc ứng phó với biến đổi khí hậu, phù hợp với việc tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường.

Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ bổ sung đánh giá tác động của đại dịch COVID-19 đối với nền kinh tế - xã hội, đặc biệt trong sản xuất kinh doanh; vấn đề người lao động thất nghiệp; các chế độ an sinh xã hội; tình hình khủng hoảng năng lượng; giá xăng dầu, thép, phân bón tăng cao...; độ che phủ vắc xin COVID-19 còn thấp; nguồn lực y tế trong phòng, chống dịch bệnh;… Song song với đó, cần đẩy mạnh cơ cấu lại các đơn vị sự nghiệp công lập, ngân sách nhà nước, đổi mới hơn để phát huy tiềm năng các tỉnh. Thực hiện tốt các hoạt động an sinh xã hội, các Chương trình mục tiêu quốc gia. Xác định trách nghiệm người đứng đầu trong giải ngân vốn đầu tư công; quan tâm vấn đề giải phóng mặt bằng. Quan tâm môi trường xuất khẩu, môi trường đầu tư công, môi trường tiêu dùng trong nước; phát huy hơn nữa thị trường vốn, lao động, khoa học công nghệ, kinh tế số;…

Đối với vấn đề Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025), đại biểu cho rằng, việc quy hoạch đất đai theo từng giai đoạn phải sát thực tế, với tình hình kinh tế xã hội, với quy hoạch vùng và quy hoạch từng địa phương. Việc chuyển đổi mục đích đất phải có sự tính toán, rà soát, thận trọng. Bên cạnh đó, cần có sự thể hiện đầy đủ, công khai hóa, minh bạch, số hóa, ứng dụng công nghệ thông tin trong thống kê diện tích tất cả loại đất trên lãnh thổ Việt Nam, quản lý sử dụng đất phải cụ thể, chính xác nhất (điển hình như: các loại đất rừng, đất ở, đất nông nghiệp, đất an ninh quốc phòng). Ngoài ra, cần nâng cao trách nhiệm quản lý Nhà nước về đất đai; có giải pháp xây dựng bản đồ quản lý đất đai, thể hiện rõ quy hoạch đất đai của từng địa phương, tạo thuận lợi cho việc kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng./.

Kim Liên